Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Huế gắn với du lịch

Thứ Tư 04/01/2023 | 10:55 GMT+7

VHO- Các làng nghề truyền thống tại Huế đang được bảo tồn, đẩy mạnh phát triển gắn với các hoạt động du lịch. Nhiều địa điểm làng nghề đã trở thành điểm đến trải nghiệm thú vị của du khách, các sản phẩm của làng nghề truyền thống được ưa chuộng và mở rộng thị trường…

 Du khách trải nghiệm làm bánh pháp lam Huế tại cơ sở Mạ’s House Ảnh: MẠ’S HOUSE

Con đường Huyền Trân Công Chúa dẫn lên di tích lăng Tự Đức và danh thắng đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Xuân, TP Huế) được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến check-in, trải nghiệm nghề làm hương và mua sắm các sản phẩm từ hương, trầm. Nghề làm hương trầm ở Thủy Xuân được hình thành từ thời nhà Nguyễn, với mục đích chủ yếu làm hương để phục vụ việc thờ cúng. Những năm sau này, làng nghề hương Thủy Xuân trở thành điểm đến du lịch. 
Những ngày trời nắng ráo, dọc con đường ngợp sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng… của những bó chân hương được các nghệ nhân, thợ thủ công sắp đặt một cách khéo léo. Theo chủ quầy hương Hoàng Hạnh, du khách không chỉ dừng chân chụp ảnh lưu niệm mà còn rất hứng thú với các trải nghiệm se hương, chằm nón truyền thống và chọn mua các sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ. Chị Nguyễn Thị Thu Minh, một du khách từ miền Nam, bày tỏ hào hứng khi tham gia trải nghiệm thực hành những động tác se hương. Mùi hương thơm nhẹ, dễ chịu với vị quế chi, đinh hương, nụ tùng, bạch đàn… làm cho không gian làng hương ở Thủy Xuân càng hút khách. Làng hương Thủy Xuân nằm trên trục đường du lịch của địa phương, gắn với điểm tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, chùa Từ Hiếu… nên trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Làng Thanh Tiên nằm ở hạ nguồn sông Hương (xã Phú Mậu, TP Huế) nổi tiếng với nghề hoa giấy truyền thống hơn 300 năm. Ngày trước, những hộ dân ở đây chỉ tập trung làm hoa vào những tháng cuối năm, phục vụ nhu cầu thờ cúng ngày Tết, nhưng nhiều năm trở lại đây, làng nghề được khôi phục trở lại, làm hoa giấy được các gia đình làm gần như quanh năm, trong đó có sản phẩm sen giấy trang trí được cộng đồng và du khách ưa chuộng. Ngoài các điểm làm hoa tại nhà của cư dân, tại làng Thanh Tiên còn có không gian trưng bày và trải nghiệm làm hoa giấy do nghệ nhân Thân Văn Huy trực tiếp hướng dẫn. Từ năm 2013, khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận làng nghề truyền thống, Thanh Tiên đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm…

 Du khách check-in làng nghề hương trầm Thủy Xuân, TP Huế và lưu lại những khuôn hình kỷ niệm Ảnh: THÙY AN

Hiện nay, tại TP Huế có làng nghề với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: bánh tráng, bánh ướt; đúc đồng; kim hoàn; pháp lam, hương trầm; hoa giấy, tranh làng Sình… Trong đó, có 3 nghề và 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là nghề và làng nghề truyền thống, gồm: Hương trầm (Thuỷ Xuân), bánh tráng - bánh ướt Lựu Bảo (Hương Hồ), bánh chưng bánh tét (Phú Dương), đúc đồng (Phường Đúc), hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu)… Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã, phường mới sáp nhập vào thành phố, sắp tới TP triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ với các định hướng phát triển hợp lý. Trong đó tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan trong phát triển nghề, làng nghề truyền thống; gắn việc phát triển nghề và làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đặc biệt, chú trọng phát triển nghề và làng nghề truyền thống với phát triển du lịch, với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở du lịch dịch vụ trên địa bàn TP Huế đã xây dựng các không gian trải nghiệm về văn hóa và nghề truyền thống, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Có thể kể đến như: Lotus Homestay (phường Thủy Xuân); Mạ’s House ở phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh)… Qua 8 kỳ tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, đã mang lại những hiệu quả tích cực hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống địa phương cũng như đưa các làng nghề trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong lòng du khách. Hiệp hội Festival châu Á cũng đã công nhận Festival Nghề truyền thống Huế là Festival tiêu biểu của châu Á. Trong năm 2023, Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế sẽ được UBND TP Huế chủ trì tổ chức từ ngày 28.4 đến 5.5, là điểm nhấn của Festival Huế bốn mùa 2023. 

THÙY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top