Định hướng nghề nghiệp, đừng bắt đầu khi quá muộn

VHO- Có một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay là khi kỳ tuyển sinh vào các trường đại học đã đến rất gần, nhiều học sinh vẫn lúng túng, không biết chọn ngành nào, trường nào. Nhiều em chọn theo “truyền thống gia đình”, nghĩa là có bố, mẹ, cô, dì, chú, bác làm ở ngành nào, nghề nào thì các em sẽ đi theo con đường đó.

Định hướng nghề nghiệp, đừng bắt đầu khi quá muộn - Anh 1

 Mt bui tư vn hưng nghip cho ph huynh ca chuyên gia Phm Văn Tư ti Trưng THPT Phan Huy Chú

Như trường hợp của Nguyễn Sỹ Minh (Hà Nội), có mẹ là bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nên Minh đã đương nhiên chọn thi vào ngành Y. Theo Minh và cả gia đình em, việc chọn ngành Y sẽ thuận lợi cho cả việc học và công việc sau này của Minh; nếu em có muốn chọn ngành khác, e rằng cũng khó thuyết phục được bố mẹ.

Một số bạn khác lại lựa chọn theo kiểu “vì bạn thân cũng chọn ngành đó, trường đó”, như trường hợp của Lê Thị Thu Hiền (Hà Nam). Hiền kể: “Em chơi thân với bạn Mai, chúng em học với nhau từ THCS cho đến THPT, có chung nhiều sở thích, nên em nghĩ chúng em cũng sẽ chung trường đại học và chung nghề, sau này được làm việc cùng nhau”.

Đó là những trường hợp “tương đối rõ ràng” về định hướng nghề nghiệp. Thực tế, có những em chọn ngành, nghề theo kiểu “thích thích”, “hợp xu thế”, “có tương lai”, thậm chí có em “chọn đại”.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Văn Tư (Trưởng bộ môn Cơ sở Công tác xã hội - Khoa Công tác Xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp của các em sau này. Việc chọn không đúng ngành, làm không đúng nghề, không chỉ dở dang con đường học hành mà còn khiến các em nếu có học xong, đi làm, hiệu quả công việc không cao. “Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên từ sớm, không nên để đến trước kỳ tuyển sinh mới lựa chọn. Việc chọn đúng ngành nghề phải dựa trên sở thích (cao hơn là đam mê), sở trường, năng lực cá nhân và khả năng đáp ứng tài chính của gia đình. Do đó, khi chọn, cần tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề theo đuổi để xem có những áp lực gì, yêu cầu thế nào, điều kiện ra sao và có phù hợp với bản thân hay không?”, ông Phạm Văn Tư chia sẻ.

Cô giáo Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, Nhà trường luôn coi trọng việc định hướng nghề nghiệp cho các em. Ngay từ lớp 10, phụ huynh và học sinh đã được tham gia nhiều buổi tư vấn của các chuyên gia hướng nghiệp giàu kinh nghiệm. Việc tư vấn sớm, tư vấn thường xuyên giúp cho các phụ huynh và học sinh chọn đúng ngành, đúng trường, đồng nghĩa với chọn đúng nghề trong tương lai, tránh những sai lầm đáng tiếc khi mất đi cơ hội trúng tuyển, hoặc trúng tuyển rồi sau đó mới nhận ra ngành đó không phù hợp. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc