Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng văn hóa liêm chính nhìn từ tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Tư 18/01/2023 | 15:30 GMT+7

VHO- Kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay. Đây cũng được xem là thước đo sự trong sạch, vững mạnh của Đảng; phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng ham hố vật chất…”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “liêm” là trong sạch, không tham tham, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng; “chính” là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn. Người khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc về phẩm chất đạo đức giúp cán bộ, đảng viên không bị chệch hướng, vượt qua cám dỗ của tiền bạc, vật chất là một trong những nhiệm vụ sống còn.

Để có thể xóa bỏ triệt để tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không muốn, không dám và không thể tham nhũng”..., thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ, lâu dài. Hay nói cách khác, lấy sức mạnh văn hóa để chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.

Người coi trọng chữ Liêm

Ngay từ thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra những yêu cầu về phẩm chất một người cách mạng phải có, như: “Vị công  vong tư; Không hiếu danh, không kiêu ngạo; Nói thì  phải làm; Giữ chủ nghĩa cho vững; Hy sinh; Ít lòng tham muốn về vật chất...”. Sau này, trong quá trình lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, và theo Người: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Người đã coi tứ đức “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc khi Người khẳng định: “Thiếu một đức, thì không thành người”. Trong Ngũ thường của Nho giáo, các bậc minh quân thường chỉ bàn về “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” mà không bàn về “Liêm”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người bàn đến “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Người định nghĩa trong Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Theo Người, Liêm là một phẩm chất không thể thiếu của mọi công dân, bất kỳ ở cương vị nào, từ người cán bộ, người có tiền, có quyền đến người buôn bán, người cày ruộng…

Người viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người mở rộng đối tượng cần thực hành chữ Liêm không chỉ bó hẹp trong tầng lớp quan lại như chế độ phong kiến, mà ngày nay là tất cả mọi công dân: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp… Ngày nay, nước ta là Dân chủ cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải LIÊM…

Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN. Có KIỆM mới LIÊM được”. Theo Người, ngược với Liêm là Bất liêm. Người viết: “Vì  xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”. Người nhận diện rõ các hành động bất liêm của các thành phần từ công chức chính quyền, binh sĩ đến dân gian: “Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư. Người buôn bán mua 1 bán 10 hoặc mua gian bán lậu, chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ. Người có tiền cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào. Người cày ruộng không ra công đào mương, mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng. Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào. Người cờ bạc chỉ mong xoay của người để làm của mình… đều là tham lam, đều là BẤT LIÊM. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh uý tử. Đều làm trái với chữ LIÊM”. Người chỉ ra hệ lụy xấu xa của việc bất liêm: “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”. Người dẫn lời của Khổng Tử, Mạnh Tử: “Cụ Khổng Tử nói: Người mà không Liêm, không bằng súc vật. Cụ Mạnh Tử nói: Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Người đề cao cơ chế kiểm soát, giáo dục và thực thi pháp luật: “Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”. Theo Người, đối tượng phải kiểm soát trước tiên là những người có chức quyền, vì “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp sẽ đục khoét, có dịp sẽ ăn của đút, có dịp sẽ “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Một việc rất quan trọng để chống tham ô, tham nhũng là nâng cao dân trí cho nhân dân. Người viết: “Quan tham vì  dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không liêm, cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”. Để chống việc cán bộ tham ô, nhũng nhiễu dân chúng, cùng với nâng cao dân trí, nêu cao đạo đức công vụ, thì đồng thời pháp luật phải nghiêm: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng, mỗi người đều phải nhận ra bất liêm là một điều đáng xấu hổ, kẻ bất liêm là có tội  với nước, với dân, trong đó, người cán bộ có vai trò quan trọng trong việc nêu gương: “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Ngay từ hồi còn hoạt động bí mật ở nước ngoài hay sau này là lãnh tụ tối cao, 24 năm liên tục nắm giữ quyền lực chủ chốt của Đảng và đất nước, Hồ Chí Minh luôn luôn trân trọng chữ Liêm và là tấm gương của một người Cộng sản suốt đời sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, liêm khiết, trong sạch. Những năm 1923-1924, hoạt động trong Quốc tế cộng sản, mặc dù điều kiện làm việc và môi trường rất tốt, bản thân được cấp trên chú ý và đánh giá rất  cao, song những điều ấy không giữ được Người bằng lòng với cuộc sống hiện tại ở Liên Xô. Trái lại, Người nhiều lần tìm gặp lãnh đạo bày tỏ nguyện vọng về nước để tuyên truyền và tổ chức phong trào cách mạng. Người nói rõ trong thư gửi các đồng chí cùng hoạt động ở Pháp năm 1923: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Mặc dù mang trên mình án tử hình do chính quyền Nam triều tuyên năm 1927, song Nguyễn Ái Quốc với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đã 5 lần tổ chức về nước vào các năm: 1924 (từ Quảng Châu), 2 lần trong năm 1928 (từ Lào và Thái Lan), năm 1940 từ Vân Nam (Trung Quốc) và năm 1941 từ Quảng Tây (Trung Quốc) mới thành công.

Trong những ngày hoạt động ở Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc, Người sống hòa mình với anh em, đồng chí, chịu mọi kham khổ, thiếu thốn. Các đồng chí ở gần Người kể: “Những ngày ở Pắc Bó, Người bị kiết lỵ nặng, thuốc thang không có, anh em chỉ chữa cho Người bằng các bài thuốc dân gian. Một ưu tiên duy nhất Người được hưởng là khi nấu cơm, đồng chí Lộc chắt ít nước  cơm để bồi dưỡng cho Người” (theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Sau Cách mạng Tháng Tám, về Hà Nội, khi kêu gọi đồng bào sẻ cơm, nhường áo để cứu giúp người nghèo, bản thân Người và cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đều gương mẫu 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa 1 bơ gạo chuyển vào Quỹ cứu tế. Nhỡ bữa ở cơ quan, Người được quân Tưởng mời ăn cơm, nhưng Người đã kiên quyết tự nhịn vào hôm sau.

Năm 1946, trả lời nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú qúy chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn,  ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu,không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Năm 1954, về sống ở Phủ Chủ tịch, Người từ chối ở trong ngôi nhà Toàn quyền và chọn ngôi nhà của người thợ điện. Năm 1958, khi duyệt thiết kế ngôi nhà sàn, Người yêu cầu chỉ làm 2 phòng, không làm vệ sinh khép kín, không làm gỗ tốt, cửa mở ra xung quanh để hòa với thiên nhiên. 15 năm ở Phủ Chủ tịch Hà Nội, Người dành hơn 700 lần để đi thăm cán bộ,  bộ đội và công nhân, nông dân. Với bộ  quần áo nâu giản dị, đôi dép lốp quen thuộc, Người đến với mọi người, không tiền hô hậu ủng, đón rước linh đình. Người không coi mình là lãnh tụ tối cao, mà suốt đời tâm niệm làm một người  lính vâng lệnh quốc dân đồng bào, làm tròn trọng trách nhân dân ủy thác. Tháng 7.1968, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: Ngày thành lập Đảng; Ngày Quốc khánh; Ngày sinh Lênin và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi biết tin  này, Người đề nghị: “Bác chỉ đồng ý ba phần tư Nghị quyết. Bác không đồng ý đưa 19.5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.

Đoàn đại biểu các nước đến thăm Việt Nam hay cán bộ đi công tác nước ngoài thường biếu Người các đồ lưu niệm. Những tặng phẩm đó, Người đều chuyển cho Văn phòng vào sổ và bảo quản. Chính vì vậy, sau ngày Người qua đời, Văn phòng Phủ Chủ tịch đã bàn giao cho Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh hàng  nghàn hiện vật là đồ tặng phẩm của Người. Đi công tác các địa phương, Người thường từ chối tặng quà, cho dù đấy chỉ là yến gạo, bộ quần áo…

Người không có gia đình riêng cũng như tài sản riêng, mọi phương tiện phục vụ Người làm việc và đồ dùng sinh hoạt đều là những đồ vật thông thường và giản dị. Sau 79 năm sống trên đời, Người ra đi về cõi vĩnh hằng mà trên ngực không một tấm Huân chương, nhưng Người để lại cho dân tộc ta cả một cơ đồ và tấm gương người Cộng sản suốt đời giữ trọn  chữ LIÊM, sống liêm khiết, trong sạch, suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân.

 “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. (Sửa đổi lối làm việc)

Bác Hồ với đức Chính

Tháng 6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì Không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. CẦN, KIỆM, LIÊM là gốc rễ của CHÍNH.

Nhưng một cái cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải CẦN, KIỆM, LIÊM nhưng cần phải CHÍNH mới là người hoàn toàn. Trên quả đất, có hàng muôn triệu người, song số người ấy có thể chia làm hai hạng: Người THIỆN và người ÁC. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc, song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: Việc CHÍNH và việc TÀ. Làm việc CHÍNH là người THIỆN. Làm việc TÀ là người ÁC. Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm) - chính là THIỆN. Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác”.

Ngay từ năm 1925, khi giảng bài  cho các cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, tư cách một người cách mạng là phải làm tròn 3 trách nhiệm: Tự mình, đối với người và đối với công việc. Đến bài Chính viết năm 1949, Người nói rõ hơn: “Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình; 2. Mình đối với người; 3. Mình đối với công việc”. Hồ Chí Minh cho rằng, đức CHÍNH đòi hỏi con người phải sống trung thực, chính trực, không giả dối, không khoe khoang, phải có gan đấu tranh với cái xấu, bảo vệ lẽ phải, phân biệt đúng sai.

Căn dặn “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”, nên Người từ việc to đến việc nhỏ đều có ý làm gương, nhưng sự làm gương ấy không ồn ào. Những đồng chí ở gần Người kể: “Mọi hành động nêu gương của Bác đều tự nhiên diễn ra như nó vốn thế, giản dị, nhẹ nhàng và từng bước thấm sâu vào mọi người xung quanh. Học Bác và làm theo Bác, chính từ những điều như thế”.

Học tập Bác để xây dựng văn hóa liêm chính

Từ tư tưởng của Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết th. bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa chính là tinh thần chí công vô tư, chấp làm. Người mà đến như thế thì không chỉ rước họa vào thân, “thân bại danh liệt” và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến? Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn dám làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được”.Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (tháng 6.2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng nhấn mạnh: “…Kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện lợi ích chung. Một công bộc quốc gia liêm chính phải: Có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; Biết lễ phép, biết hay, dở,  phải, trái.

Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét đâu là giới hạn giữa công và tư rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không sỉ thì việc gì cũng bất mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Bước sang Xuân mới Quý Mão 2023, tin tưởng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng  Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực; việc học tập và làm theo tấm gương liêm chính của Bác Hồ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về thực hành văn hóa LIÊM CHÍNH, xây dựng một Nhà nước liêm chính, thật sự của dân, do dân, vì dân, dẫn dắt nhân dân tới bến bờ hạnh phúc như Bác hằng mong ước.

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

TS CHU ĐỨC TÍNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top