Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Chuyện Tổ nghề gầu giai Quận Mèo

Chủ Nhật 22/01/2023 | 10:00 GMT+7

VHO- Trong số các vị tổ nghề, có một người được gọi là “Quận Mèo” gắn với sự kiện có thật trong lịch sử Việt Nam thời Hậu Lê.

 Vợ chồng nông dân dùng gầu tát nước vào ruộng ở Nam Định

Chiếc gầu ở làng Giai

Làng Giai thuộc tổng Nội Lãng, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là một làng có nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến nghề làm gầu (có nơi gọi là gàu).

Tương truyền, ngôi làng này đã có từ thời vua Lý Nam Đế (năm 503-548), tên làng được lấy từ một chữ ở bài thơ của vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Khi đem quân về đây dựng doanh trại để đánh giặc, vua thấy phong cảnh tươi đẹp mới làm một bài thơ, trong đó có câu:“Thành thi lâu đài giai bảo ngọc/Núi sông hoa cỏ biếc màu xanh”.

Chữ “giai” trong Hán tự có nghĩa là “đẹp đẽ”, và ngôi làng ấy không chỉ đẹp về cảnh sắc mà còn đẹp cả về con người. Từ bao đời nay, ngôi làng này là nơi cung cấp cho xã hội một khối lượng lớn sản phẩm gầu, một nông cụ không thể thiếu đối với người nông dân. Sự gần gũi ấy sâu đậm đến độ đã đi vào ca dao:“Ruộng thấp đóng một gầu giai/Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng”. Hay như câu:“Mình ơi ta hỏi thật mình/Còn không hay đã chung tình với ai?/Hôm xưa tát nước gầu giai/Có phải nhân ngãi hay ai tát cùng?”.

Chiếc gầu giai đã xe duyên cho nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng, và khi người vợ sắp sinh con, người đàn ông đã hóm hỉnh đùa rằng:“Thì thòm tát nước gầu giai/Đến khi vợ đẻ lấy ai thì thòm?”.

Gầu được đan bằng nan giang, hoặc nan tre, nứa tạo thành hình phễu, miệng loe dáng hao hao đầu cá trê; trên miệng được cạp một vòng nứa to cho chắc chắn và phía hai bên thành có gắn với khung nẹp tre, ở giữa có cầu tre bắt ngang chia đôi miệng gầu; hai bên hông và đáy gầu cũng được nẹp bằng khung tre, tất cả đều được dùi lỗ nức mây vào thân gàu rất chắc chắn. Bốn sợi dây thừng được nối vào miệng và đáy gầu ở cả hai phía. Khi đan xong, người ta dùng cám hoặc phân bò trộn với dầu rái trét cho kín, chống chảy nước và mối mọt. Một chiếc gầu có 4 dây, 2 dây miệng và 2 dây đáy cột ở hai phía đối xứng nhau. Gầu tốt là phải chắc, đẹp, khi tát phải nhẹ và êm. Không như các dụng cụ tát nước khác như gầu sòng, muốn sử dụng gầu giai thì phải có hai người, khi tát nước, hai người đứng về hai bên, tay nào chân ấy cho thuận, mỗi người nắm một phía thừng, tay phải (tay thuận) nắm dây trước, tay trái nắm dây sau; lúc múc nước thì khom người, khi tát thì ưỡn người ngả về sau cho thật căng dây, nâng nổi gầu đầy nước lên, rồi hắt dây đáy gầu để đổ nước sang một bên.

Chiếc gầu giai vì giảm bớt nặng nhọc cho người nông dân trong việc tát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên được sử dụng phổ biến, vật dụng đó được mang tên của ngôi làng được coi là quê hương của nó, đó là làng Giai và vì thế được gọi là “gầu giai”, có nơi gọi là “gàu dai” có lẽ theo cách gọi hoặc cách phát âm địa phương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ loại gầu này có tên là “gầu giai” là bởi vì đọc chệch từ gầu dây, tức là loại gầu có dây để điều khiển khi sử dụng.

Tranh vẽ gầu giai của Henri Oger

Vì sao ông “Quận Mèo” được tôn làm Tổ nghề gầu giai?

Theo truyền tụng tại địa phương thì Tổ nghề làm gầu giai là ông Phạm Sinh, người làng Giai, còn có tên khác là Phạm Tú Châu. Ban đầu, ông vốn chỉ là một người lính theo quân triều đình đi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Hoàng thân Lê Duy Mật, nhờ nghĩ ra mưu kế lạ lùng là dùng mèo phá lũy, lập được công lớn nên được phong đến tước Quận công.

Vào tháng 8 năm Kỷ Sửu (1769), bấy giờ quân triều đình sau nhiều lần vây hãm, tấn công căn cứ Trình Quang ở phủ Trấn Ninh (nay thuộc Nghệ An) đều không thành, đâm ra chán nản, bế tắc chưa tìm ra cách đối phó. Đây là căn cứ kiên cố của Hoàng thân Lê Duy Mật, vì bất bình với sự lộng quyền của các Chúa Trịnh nên đã dựng cờ khởi nghĩa nhằm giành lại quyền lực cho vua Lê. Để danh chính ngôn thuận, Lê Duy Mật xưng hiệu là “Thiên Nam Đế Tử”, thiết lập bộ máy chính quyền riêng hùng cứ một cõi, có lúc tiến quân đánh đến tận Sơn Tây khiến họ Trịnh lo lắng mất ăn mất ngủ.

Căn cứ Lê Duy Mật có binh mã đông, ngoài trung tâm chính còn có 16 đồn liên lạc với nhau.  Người thiết lập hệ thống kiên cố rất khó phá vỡ này là một thuộc hạ thân tín của Lê Duy Mật có hiệu là Quận Mèo (không rõ tên thật), người làng Ảm Chương, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).

Tấn công nhiều lần đều không thành, tướng chỉ huy quân Trịnh dùng kế phản gián, mua chuộc một số thuộc tướng của Lê Duy Mật và bất ngờ cho quân tấn công.

Trước đó, thấy quân lính rất khó khăn khi đánh phá, vượt qua hệ thống phòng thủ hiểm yếu của nghĩa quân nên Phạm Sinh có sáng kiến dùng mèo làm kế hoả công. Theo kế này, quân Trịnh nhanh chóng đi thu bắt ở các làng bản quanh vùng được hàng trăm con mèo, dùng dầu thông, dầu trẩu tẩm vào rồi đốt lửa, lại đánh trống, hò reo làm mèo sợ hãi chạy về phía đồn lũy của đối phương. Mèo chạy thục mạng vì bị đốt nóng, lại bị thúc đuổi đằng sau khiến cho cây cối bốc cháy, rào chắn, đồn lũy bằng tre bị thiêu rụi. Nhờ nội công ngoại kích, quân Trịnh thắng lớn, Lê Duy Mật thế cùng, dẫn vợ con và thuộc hạ tin cẩn phóng hỏa tự thiêu vào ngày 22 tháng Giêng năm Canh Thân (1740).

Đội quân mèo lửa đã tạo ra một trận hỏa công chưa từng có trong lịch sử. Rừng rồi đồn lũy bị cháy, lửa bốc cao và ngày càng lan rộng. Vốn xuất thân từ người lao động, nhìn cảnh lửa thiêu trụi rừng, lại thấy những cây nứa, cây vầu bị quân lính giẫm vỡ thành từng mảnh, Phạm Sinh liền lấy đan thành những chiếc gầu, lại dạy quân lính làm theo rồi dùng ngay những chiếc gầu tát nước dập lửa.

Khi xét công ban thưởng, với những công lao ấy, Phạm Sinh được phong làm Phấn Dũng Tướng quân, tước Quận Công, vì vậy dân gian gọi ông với biệt danh là “Quận Mèo".

Điều thú vị là khu vực thành lũy kiên cố của nghĩa quân Lê Duy Mật do ông Quận Mèo góp phần xây dựng lại bị phá vỡ trước đội quân mèo lửa của một người cũng mang danh là Quận Mèo. Có thể nói “Hỏa miêu trận” (Trận mèo lửa) là một trong những chiến thuật quân sự kỳ lạ, hiếm thấy nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như trên thế giới.

Sau khi được phong tước, ban thưởng, Phạm Sinh không tiếp tục con đường binh nghiệp mà xin về quê, đem nghề đan gầu dạy cho dân làng. Gầu trở thành công cụ tát nước chủ yếu của người nông dân trong mùa vụ, lại là nghề tạo thêm thu nhập. Nhờ có vật dụng này mà đời sống dân làng Giai trở lên khấm khá. Khi Phạm Sinh qua đời, dân làng Giai lập đền thờ và tôn ông là Tổ nghề; các đời sau đều có sắc phong thần. Hằng năm, theo lệ, dân làng có tục rước lợn đen còn sống và cỗ chay lên đền để tế Tổ nghề gầu vào ngày mồng 9 tháng Giêng. Tiếc là qua những biến động, ngôi đền thờ ông Quận Mèo đến nay đã không còn nữa và chiếc gầu giai cũng ít được dùng, nhưng dân làng thì vẫn nhớ về ông Tổ nghề Phạm Sinh. Có câu ca vẫn lưu truyền trong vùng như lời nhắc nhớ rằng:“Có một làng nhỏ - làng Giai/Nơi đây xuất hiện nhân tài: Phạm Sinh/Sau khi phò tá triều đình/Quận công - tước vị, hiển vinh về làng…”

THÁI DŨNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top