Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ý nghĩa cây nêu trong văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên

Thứ Sáu 20/01/2023 | 14:11 GMT+7

VHO - Vùng Tây Nguyên Việt Nam bao gồm 5 tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến các dân tộc Bana, Gia Rai, Ê Đê, M’Nông, Cơ Ho, Mạ… những cư dân bản địa đã sinh sống ở đây qua nhiều thế kỷ. Với mỗi dân tộc định cư tại đây, đều hình thành cho mình những nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, trong đó có tín ngưỡng dựng cây nêu trong các lễ hội.

Cây nêu xuất hiện trong tất cả các lễ hội của người Tây Nguyên

Cây nêu xuất hiện trong các các sự kiện trọng đại của buôn làng

Cây nêu xuất hiện gần gũi và gắn bó mật thiết với mọi cộng đồng dân tộc trên khắp đất nước. Nếu như cây nêu của người Việt (Kinh) thường mang ý nghĩa phản ánh giá trị đấu tranh giữa cái thiện và cái ác thì cây nêu của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên ngoài việc mang các yếu tố về văn hóa, lịch sử, chúng còn mang ý nghĩa là sự kết nối giữa đất và trời, con người và thần linh. Chính sự giao hòa đó mà cây nêu có mặt trong tất cả mọi lễ hội của người Tây Nguyên.

Cây nêu của các dân tộc Tây Nguyên xuất hiện gần như trong tất cả các sự kiện trọng đại của buôn làng như Lễ Mừng buôn làng mới, nhà rông mới, mừng lúa mới, tìm ra nguồn nước mới... Ngoài ra, trong phạm vi gia đình, dòng họ, cây nêu cũng hiện hữu trong các lễ mừng tuổi người già, đặt tên cho em bé, đám tang, đám cưới… Chính vì thế, dù là trong phạm vi cộng đồng hay gia đình, cây nêu cũng đều giữ vai trò hết sức quan trọng trong quan niệm văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số tại đây. Sự hiện hữu phổ biến của cây nêu đối với người Tây Nguyên được nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa ví như cây đa ở sân đình của người Việt.

Đầu 4 trụ cây nêu của người Ba Na được đẽo gọt thành hình ngọn rau Dớn – biểu tượng sức sống mãnh liệt

Cây nêu của người Tây Nguyên có kết cấu với 2 dạng là dạng gốc chụm và dạng gốc vuông hoặc tam giác. Thông thường, phần gốc sẽ được làm bằng thân cây gỗ chắc chắn, sau đó sẽ nối với một cây tre để làm phần ngọn. Trên thân cây  êu sẽ được trang trí bằng các hoa văn cũng như con vật mà người Tây Nguyên thờ cúng. Theo quan niệm, người dựng cây Nêu phải là đàn ông có uy tín, sức khỏe trong buôn làng. Đặc biệt là phải am hiểu về cách dựng và trang trí cây nêu.

Theo nhà sưu tầm văn hóa Tây Nguyên Đặng Minh Tâm – người sở hữu hơn 30 ngàn hiện vật văn hóa mà trước đó Báo Văn Hóa đã có loạt bài đề cập cho biết, cây nêu của người Tây Nguyên chỉ có 4 màu chủ đạo Vàng - Đỏ và Trắng - Đen đi đối xứng với nhau. Các dân tộc Gia Rai, Ba Na định cư các khu vực các tỉnh Gia Lai, Kon Tum thường dựng cây nêu rất cao và họa tiết được vẽ trên đó là các hình ảnh đơn giản về thủy hà, sóng lượn, núi đồi, cối, chiêng... Nhóm dân tộc này thường chỉ dùng 2 màu chủ đạo là đen và trắng để vẽ. Chất liệu màu chủ yếu bằng màu tự nhiên của chính cây gỗ và màu hơ qua lửa, nhọ nồi, nước tro pha với mỡ động vật. Trong khi đó, các dân tộc Trung và Nam Tây Nguyên như Ê Đê, M’Nông, Cơ Ho, Mạ lại dựng cây nêu sẽ thấp hơn nhưng được chạm trổ tinh vi và màu sắc trang trí họa tiết thường sặc sỡ, sống động hơn.

Cây nêu bến nước của người Gia Rai

Người Ba Na với cây nêu cao nhất Tây Nguyên

Dân tộc Ba Na định cư tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai được xem là dân tộc sở hữu cây cây Nêu cao nhất Tây Nguyên. Thông thường cây sẽ cao từ 10 đến 15m, thậm chí có cây cao đến 18 - 20m. Người Ba Na không dùng cây gỗ lớn để dựng cây nêu mà chỉ sử dụng những cây có kích thước nhỏ nhưng dài, thẳng, chắc chắn được dựng lên và nối với một thân tre.

Cây nêu của người Ba Na được phân chia ra thành 3 tầng khác nhau gồm tầng đất, tầng không gian và tầng trời. Tầng đất tượng trưng cho khát vọng về nền nông nghiệp lúa nước; tầng không gian tượng trưng cho yếu tố không gian (mưa thuận gió hòa, không gian cho những con chim bay lượn); tầng trời tượng trưng cho nơi cư ngụ của các thần linh mà người Tây nguyên tôn sùng như thần trời, thần đất, thần gió, thần nước, thần mưa và trên cùng là thần mặt trời.

Cây nêu của người Ba Na

Điều đặc biệt ở cây  êu của người Ba Na là phần gốc cây lúc nào cũng chụm lại với nhau đưa lên thành hình vuông. Đầu các ngọn cây có hình ngọn rau Dớn (biểu tượng cho sức sống mãnh liệt). Ngoài ra, chúng còn có ý nghĩa là 4 cọc của nhà rông (Người Ba Na rất quý nhà rông) và còn là những tay nắm của những cây kiếm, cây dao - vũ khí để bảo vệ buôn làng. 4 cây tre vươn lên 4 góc trên có đính những bông hoa gạo bằng gỗ tượng trưng cho nghi lễ nông nghiệp. Cây cột chính của cây nêu, người Ba Na xem là ngọn lửa, chính vì thế thân cây sẽ được sơn màu đỏ là màu chủ đạo. Ngọn lửa đối với họ quan niệm về sự trường tồn vĩnh cửu, không bao giờ được tắt trong nhà.

Nhắc đến cây nêu của người Gia Rai thì phải kể đến cây nêu bến nước. Người Gia Rai nói riêng và các dân tộc định cư lâu đời tại Tây Nguyên nói chúng, trước đây không dùng nước giếng mà sẽ sử dụng nguồn nước trực tiếp tự nhiên từ sông, suối. Các nguồn nước này được dẫn về nhà bằng các ống tre, nứa, lồ ô để sử dụng. Chính vì thế, khi tìm được một nguồn nước mới, dân làng lẽ tiến hành nghi thức dựng cây Nêu cúng bến nước với ý niệm cầu mong thần nước phù hộ để cho nguồn nước lúc nào cũng thơm ngon và chảy suốt ngày đêm không bao giờ đứt mạch. Vì vậy, cây nêu cúng bến nước được xem cây nêu rất linh thiêng đối với người Gia Rai.

Hình má cọp được treo trên cây nêu bến nước với mục đích xua đuổi ma quỷ làm hại nguồn nước

Trên cây nêu bến nước của người Gia Rai thường được treo các hình thù chim, cá, đầu trâu để thể hiện sự giao hòa của trời đất. Cách mặt đất một khoảng đến hông người lớn trên thân Nêu còn có thêm một bàn thờ dùng để đặt vật phẩm cúng dâng lên thần nước. Đặc biệt, trên cây nêu của bên nước của người Gia Rai còn treo một miếng gỗ vẽ hình má cọp biểu tượng cho sức mạnh, đồng thời ngăn cản ma quỷ không dám vào làm hại bến nước.

THÀNH KHIÊM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top