Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Từ vụ cháu bé 3 tuổi ở Quảng Ngãi tử vong do nghi hóc hạt bí: Giám sát trẻ chặt chẽ, tránh trường hợp đáng tiếc

Thứ Hai 30/01/2023 | 10:26 GMT+7

VHO- Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đề nghị trả lời thông tin liên quan đến sự việc cháu bé nghi hóc hạt bí, người nhà tố bệnh viện tắc trách khiến cháu tử vong.

 Hạt lạc sau khi được gắp ra khỏi cháu bé N.M.K Ảnh: LÊ HIẾU

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, ngày 27.1 trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải bài viết “Cháu bé nghi hóc hạt bí, người nhà tố bệnh viện tắc trách khiến cháu tử vong”. Theo phản ánh, cháu T.Đ.L (3 tuổi) đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cấp cứu ngày 26.1 trong tình trạng ho, khó thở (nghi mắc hạt bí) và tử vong ngày 27.1 nghi do tắc trách và sai sót chuyên môn của ca trực đêm.

Làm rõ cháu bé 3 tuổi tử vong nghi hóc hạt bí

Công văn nêu rõ, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ nội dung phản ánh trên. Đồng thời, đề nghị khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm thảo tử vong, xác minh nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L. Xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có vi phạm (nếu có). Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi công khai kết quả xác minh và nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L trên phương tiện thông tin đại chúng; có văn bản trả lời trực tiếp người nhà bệnh nhân và báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 31.1.

Trước đó, anh Trần Văn Chi, cha cháu T.Đ.L (3 tuổi), tố ca trực bệnh viện đêm mùng 5 đến rạng sáng mùng 6 Tết quá tắc trách, khiến cháu L tử vong. Theo lời anh Chi, khi chơi đùa cùng các cháu lớn đang ăn hạt bí, bất ngờ cháu L ho sặc, khó thở. Gia đình nghi ngờ con bị hóc hạt bí nên đã đưa cháu đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cấp cứu trong đêm mùng 5 Tết.

Tuy nhiên anh Chi cho hay, khi đến viện các bác sĩ không làm những xét nghiệm cần thiết mà yêu cầu gia đình về lấy BHYT để làm thủ tục nhập viện. Cháu bé vẫn dọa nôn và phòng bệnh không có nước nóng để vệ sinh cho cháu nên gia đình đã đưa bé về nhà. Sau khi trở về nhà, đến khoảng 3h sáng mùng 6 Tết, gia đình thuê taxi đưa con lên lại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi. Khi gần tới viện, cháu nấc nghẹn và được đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Sau đó được chuyển gấp lên phòng hồi sức tích cực, lúc này y bác sĩ hút đờm, lấy oxy cho thở. Khoảng 20 phút sau, bác sĩ báo cháu L không qua khỏi. Vì vậy, gia đình tố cáo ca trực đã tắc trách khiến cháu L tử vong.

Thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi cho rằng, các bác sĩ đã thăm, khám, cho cháu chụp, chiếu và chẩn đoán viêm thanh khí phế quản, phân biệt dị vật đường thở. “Điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, khí dung. Bệnh nhi có đáp ứng, tỉnh táo, môi hồng, đỡ khò khè”, báo cáo nêu. Bệnh nhi sau đó được theo dõi, chăm sóc theo đúng y lệnh: Mạch, nhiệt độ, nhịp thở liên tục; theo dõi trên monitor SPO2 và hướng dẫn ủ ấm tích cực. Lúc 23h15 tối mùng 5 Tết, điều dưỡng khoa Nhi hô hấp đến chăm sóc nhưng không thấy cháu L tại buồng bệnh (người nhà tự ý đưa bệnh nhi về nhà) và báo cáo với bác sĩ trực. Lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cho hay, nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu cần phải có giám định pháp y để làm rõ. Y bác sĩ bệnh viện cũng rất xót xa và chia sẻ với gia đình về mất mát quá lớn này. Lãnh đạo bệnh viện đã làm việc với y bác sĩ ca trực cũng như phối hợp với công an để làm rõ vụ việc.

Liên tiếp các ca hóc hạt lạc

Sau Tết, nhiều gia đình vẫn còn các loại hạt bí, hạt hướng dương, hạt lạc, hạt điều… nhưng cha mẹ đi làm nên sẽ có nguy cơ hóc dị vật cho trẻ nếu người lớn không cẩn thận, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngay trước Tết, từ 7 - 9.1, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp cấp cứu kịp thời, cứu sống 3 cháu bé trong tình trạng suy hô hấp vì hóc hạt lạc.

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong chùm ca bệnh này là bé trai N.M K (17 tháng, Bắc Ninh). Bé được bố cho ăn lạc rang, sau đó bị sặc và tím tái, thiếu oxy với hội chứng xâm nhập rất rõ. Ngay lúc ấy, bé được đưa đi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện và được đặt nội khí quản chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8.1. Sau khi thực hiện thăm khám, bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nội soi phế quản phát hiện 1/2 hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết khẩu kính đường thở. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ và lấy được hết dị vật ra ngoài (bình thường các ca gắp dị vật thường chỉ mất vài phút).

Tiếp đó, trường hợp bé gái N.N.M.C (21 tháng, Nam Định) được mẹ cho ăn kẹo lạc khi đang đi xe máy, sau đó con bị sặc, ho, khó thở, tím tái. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, được đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Với ca này, hạt lạc có kích thước nhỏ hơn nên các bác sĩ tiến hành gắp dị vật nhanh chóng. Sau đó trẻ được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, tiếp tục thở máy trong 2 ngày. Đến ngày 11.1 trẻ sức khỏe ổn định và dần hồi phục.

Riêng trường hợp bệnh nhi N.P.M (21 tháng, Bắc Giang), bị mắc dị vật hạt lạc hơn một tuần ở phế quản gốc bên phải, gây viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn. Các bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành điều trị nội khoa để giải quyết tình trạng viêm và nội soi gắp dị vật sau vài ngày. Chị H.A mẹ bé N.P.M chia sẻ: “Hôm đó con có ăn 3, 4 hạt lạc liên tục, sau đó bị hóc, gia đình có móc họng lấy ra được một ít nên nghĩ là hết rồi, mấy ngày sau bé vẫn chơi bình thường, nhưng ăn uống ít đi, ho nhiều, mỗi khi khóc là khó thở. Rồi ngày tiếp theo bé sốt cao 39-40oC không hạ, tôi có đưa con đi phòng khám rồi đi bệnh viện huyện, các bác sĩ cũng kê đơn thuốc rồi điều trị nhưng không đỡ nên chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Thương cháu lắm, chỉ vì chủ quan của bố mẹ mà giờ phải nằm viện thế này. Mong các bố mẹ khác hãy rút kinh nghiệm và để ý con mình hơn”.

ThS.BS Phùng Đăng Việt, Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, với các loại hạt như hướng dương, đậu tương, hạt bí… còn lại sau Tết Nguyên đán, phụ huynh cần lưu ý để xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn, tránh xảy ra những trưởng hợp đáng tiếc. Cũng không nên ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống. Trên thực tế, nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định trẻ bị hóc dị vật đường thở, thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu nên có thể cố gắng lấy tay hoặc các vật khác đưa vào miệng trẻ để móc dị vật ra làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ. Để đề phòng biến chứng nguy hiểm do hóc hạt, các phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp ho sặc rồi bị hóc, nếu không biết sơ cứu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. 

 LÊ DUY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top