Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người trẻ tham gia bảo tồn Trang phục truyền thống đồng bào các DTTS: Không để "đứt gãy" giữa các thế hệ

Thứ Tư 01/02/2023 | 10:36 GMT+7

VHO- Trang phục truyền thống của các DTTS Việt Nam là di sản văn hóa được tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống của bà con. Mỗi bộ trang phục đều chứa đựng rất nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử và nét đẹp văn hóa tộc người. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng với quốc tế, xuất hiện thực trạng một bộ phận giới trẻ tỏ ra thờ ơ với việc bảo tồn, phát huy di sản vô giá này.

 

 Cần sự chung tay của giới trẻ để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự kế thừa giữa các thế hệ, công cuộc bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào DTTS sẽ xảy ra tình trạng “đứt gẫy”; thậm chí, “nét riêng” của nhiều dân tộc rất dễ mất đi mà không có cách nào khôi phục được.

Đứng trước nguy cơ

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc là vấn đề quan trọng và được đặt lên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam; trong đó, công tác bảo tồn trang phục truyền thống là một trong những vấn đề cần được chú trọng và quan tâm. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thực tế việc bảo tồn, phát huy trang phục đồng bào DTTS hiện nay đã nhận được sự quan tâm thế hệ trẻ, song thẳng thắn nhìn nhận vẫn là chưa đủ. “Ở các sự kiện quảng bá văn hóa DTTS, chúng ta thấy nhiều bạn trẻ tự tin trình diễn những bộ trang phục dân tộc mình. Bước đầu, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, tôi cho rằng thế hệ trẻ ngày nay cần thể hiện rõ vai trò tiên phong hơn nữa. Những chương trình giới thiệu trang phục DTTS do các bạn trẻ trực tiếp đứng ra tổ chức khá ít. Đôi khi không cần đến sự kiện quá quy mô, chỉ cần ở cấp trường, cùng với đó là kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thông mới như TikTok, Facebook... các bạn hoàn toàn có thể cùng lớp cha anh đưa trang phục truyền thống đến với bạn bè đồng trang lứa. Đây là việc cần làm ngay nếu không sẽ xảy ra tình trạng cha truyền nhưng... con không nối”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Về phía giới trẻ, Lò Văn Tâm, sinh viên năm nhất, dân tộc Thái ở Sơn La, đang theo học tại Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ: “Việc giao lưu, tiếp biến với văn hóa quốc tế đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự quan tâm của giới trẻ với trang phục của đồng bào DTTS. Các bạn không thật sự mặn mà trong việc mặc đồ truyền thống của dân tộc mình. Đáng lo ngại hơn, một số bạn mặc cả những bộ trang phục có phong cách táo bạo, ngoại lai, phản cảm...”.

Trong quá trình tham gia các sự kiện liên quan đến văn hóa DTTS, Lò Văn Tâm cho hay, không dễ để mời thêm các sinh viên tham gia trình diễn trang phục. “Nhiều lần chúng em ngỏ ý mời các bạn cùng tham gia, nhưng cố lắm mỗi lần chỉ mời được thêm vài ba người. Việc bảo tồn trang phục dân tộc trong thế hệ trẻ phải có sự kết nối mới tạo được sức lan tỏa. Bản thân những người trẻ như chúng em mong muốn có thêm sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác này”, Tâm bộc bạch.

Thúc đẩy vai trò của thanh niên

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại nhận định, ý thức của cộng đồng và thế hệ trẻ cũng như môi trường cho trang phục truyền thống được duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị đang có sự suy giảm. Đây là nguyên nhân khiến thanh niên chưa mấy mặn mà với trang phục các dân tộc.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, các địa phương cần tạo dựng môi trường để thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận, học hỏi, thực hành sáng tạo với các bộ trang phục dân tộc. Cụ thể, các thôn bản cần sớm hình thành và phát triển các HTX dệt thổ cẩm. Đây được xác định là môi trường để các bạn trẻ yêu, gắn bó, có trách nhiệm với nghề dệt truyền thống hơn; được học tập nghề dệt thủ công, những người lớn tuổi có thể cầm tay chỉ việc cho con cháu một cách thuận lợi.

Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) Đinh Xuân Thắng đề xuất, muốn phát huy hiệu quả vai trò của giới trẻ trong bảo tồn trang phục truyền thống thì cần tổ chức triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các DTTS”. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan trình diễn trang phục truyền thống từ Trung ương đến cấp cơ sở, tập trung vào đối tượng người trẻ; tổ chức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các DTTS. Đặc biệt, các lớp truyền dạy kỹ năng nghề dệt, thêu hoa văn, bồi dưỡng kỹ năng mặc trang phục truyền thống cho học sinh là người dân tộc phải thường xuyên được tổ chức ngay trong các cơ sở giáo dục.

Đối với công tác tuyên truyền, TS Chử Thị Thu Hà, Khoa Văn hóa DTTS (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nêu quan điểm, mạng xã hội đang là hình thức truyền thông có tác động mạnh mẽ. Các bạn trẻ đều sử dụng thành thạo thiết bị điện tử hiện đại, dành khá nhiều thời gian cho các kênh như YouTube, Facebook, Instagram, TikTok... Tốc độ lan truyền thông tin trên các trang mạng xã hội này cũng rất nhanh. Do đó, việc quảng bá, đưa thông tin đến giới trẻ bằng các phương tiện truyền thông hiện đại là giải pháp phù hợp nhất. Đồng thời, bằng các kênh thông tin này, các bạn trẻ cũng chính là người tuyên truyền, chia sẻ về giá trị của trang phục truyền thống đến đông đảo bạn bè đồng trang lứa, thậm chí là công chúng quốc tế. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top