Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Phục hưng” áo ngũ thân trên đất Cố đô

Thứ Sáu 03/02/2023 | 11:25 GMT+7

VHO- Với những đóng góp của các cơ quan, đơn vị nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của áo ngũ thân, Thừa Thiên Huế đang “phô bày” tới công chúng rằng, “Huế - Kinh đô Áo dài” là thương hiệu của vùng đất này. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng mong muốn áo ngũ thân sẽ vươn xa hơn trên bản đồ di sản thế giới.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ mặc áo dài ngũ thân trong lễ tuyên dương học sinh danh dự năm học 2021 - 2022

Trước sự “hồi sinh” mạnh mẽ của trang phục được xem là tiền thân của tà áo dài hiện đại trong những năm trở lại đây, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Trong tiến trình hội nhập thế giới, chúng ta càng cần nhận thấy rõ rằng, văn hóa là yếu tố để nhận diện quốc gia, dân tộc, trong đó trang phục chính là sự nhận diện đầu tiên và dễ thấy nhất”.

Nỗ lực từ phía cơ quan chức năng

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, từ khi còn ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021) vẫn là tấm gương truyền cảm hứng cho người dân trong và ngoài nước cũng như toàn thể lãnh đạo tỉnh, khi tiên phong thực hành mặc áo dài tham dự hội thảo khoa học, các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống, đọc thư chúc mừng năm mới, tham dự lễ tuyên dương học sinh danh dự, tiếp đón đại sứ các nước Australia, Đức,…

TS Phan Thanh Hải cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở VHTT có vai trò rất quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phục hưng và phát huy giá trị cổ phục nói chung và áo dài ngũ thân nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, là cơ quan đầu tiên trên cả nước đưa áo ngũ thân vào công sở, Sở VHTT Thừa Thiên Huế từ năm 2020 đã bắt đầu phát động thực hành mặc áo dài ngũ thân tới toàn thể cán bộ trong các lễ chào cờ đầu tháng và dịp lễ Tết, các sự kiện văn hóa… nhằm từng bước đưa tà áo này trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, tạo dựng nét đặc trưng riêng và cũng là để “bắt nhịp” với các phương thức quảng bá quốc phục trên thế giới.

“Ngày 19.8.2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” với 3 mục tiêu: Tiếp tục khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế và tôn vinh những người đã khai sáng và phát triển Áo dài trong lịch sử; khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Hải cho biết.

Để nội dung đề án lan tỏa mạnh mẽ hơn, Sở VHTT đã đề ra chương trình hành động thực hiện đề án một cách khoa học, cụ thể, như Ngày hội Áo dài được tổ chức mỗi năm 2 lần, đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế và nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân.

Với mong muốn xây dựng áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, Sở cũng có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài; xây dựng các thương hiệu nổi tiếng về Áo dài Huế. Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, trung tâm, cơ sở may đo phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Khối du lịch, dịch vụ và quản lý di tích gồm Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội lữ hành, Hiệp hội khách sạn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã nhanh chóng cùng với ngành Văn hóa - Thể thao lan tỏa hình ảnh áo ngũ thân và xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”.

Sở GD&ĐT cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở các trường THPT. Áo dài ngũ thân càng được lan tỏa mạnh mẽ tại lễ tôn vinh học sinh danh dự, hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống, tạo nên một bầu không khí đầy bản sắc văn hóa, song cũng thật trang nghiêm.

CLB Đình làng Việt phối hợp cùng Sở VH&TT Thừa Thiên Huế trong các hoạt động bảo tồn và quảng bá áo ngũ thân

Sự đồng hành của các đơn vị tư nhân

Ông Hải chia sẻ, các Sở, ban, ngành của tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài ngũ thân trong đời sống đương đại. Ông biểu dương những gương mặt tiêu biểu như GS.TS Thái Kim Lan với triển lãm Áo dài xưa triều Nguyễn diễn ra vào dịp cuối năm ngoái, trưng bày hơn 10 chiếc áo cổ từ thời Nguyễn mà bà nâng niu trong những năm qua, đáng chú ý nhất là long bào của vua Khải Định.

Ngoài tiếp nối giá trị truyền thống, thế hệ trẻ xứ Huế cũng không ngừng sáng tạo để truyền tải những thông điệp nhân văn đầy mới mẻ vào những tà áo dài. Điển hình như NTK Nguyễn Giang Thanh với dự án khởi nghiệp mang tên L’art à Hué - Không gian trải nghiệm văn hóa Huế gắn liền với áo dài cổ cách tân đã đạt Giải Nhì trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, với mục tiêu quảng bá di sản của Việt Nam, đồng thời đưa áo dài thành sản phẩm thời trang tiệm cận với thời trang thế giới, hướng tới giới trẻ Italia và châu Âu, trong thời gian tới, những chiếc áo dài ngũ thân mang nét đặc trưng riêng của Cố đô do NTK Quang Hòa cùng Maria Elena Di Terlizzi (Italia) hợp tác thiết kế sẽ được sản xuất hàng loạt tại Italia. Những thiết kế này nằm trong dự án Áo dài Heritage - The Culture of Tình thương do Golden Heritage Group, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia và Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) phối hợp thực hiện, nhằm đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế thời trang.

Với những nỗ lực nhằm đẩy mạnh sự “phục hưng” của áo ngũ thân, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình lên Bộ VHTTDL hồ sơ đề nghị đưa Áo dài ngũ thân (Thuộc tính: Nghề may đo và tập quán sử dụng) vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia. Trong tương lai, tỉnh hướng tới xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 NAM SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top