Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Gặp người lưu giữ hơn 50.000 cổ vật ở xứ Thanh

Thứ Sáu 03/02/2023 | 11:43 GMT+7

VHO-  Gần 30 năm rong ruổi sưu tầm đồ cổ, với ông Nguyễn Hải Hưng tài sản giá trị nhất là hơn 50.000 cổ vật “siêu độc” đang được trưng bày tại nhà. Theo ông, việc sưu tầm cổ vật là đam mê thực thụ nhằm lưu giữ những giá trị văn hoá của người Việt cho thế hệ sau chiêm ngưỡng.

 Ông Hưng sở hữu hàng nghìn cổ vật quý với đầy đủ các triều đại

Trong những ngày Tết Quý Mão, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Hải Hưng, 54 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, người có gần 30 năm sưu tầm đồ cổ, đến nay ông đã sở hữu hơn 50.000 cổ vật các loại, niên đại từ hàng trăm năm đến nghìn năm, để chất kín trong trong 5 ngôi nhà dựng trên khuôn viên hơn 4.000m2. Người dân địa phương nói rằng, ông là người sưu tầm đồ cổ có tâm huyết, có cách chơi độc đáo không lẫn với ai.

Từ tay “lái lợn”…

Ông Hưng cho hay, mình sinh ra trong gia đình bần nông ở vùng quê nghèo chiêm trũng huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Thời đó, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, gia đình đông con nên học hết lớp 4 ông đã phải bôn ba đi làm thuê khắp nơi kiếm sống và phụ giúp bố mẹ. Năm 1985, rời quê hương, ông đến huyện Vĩnh Lộc lập nghiệp với nghề buôn bán gia súc, phụ hồ.

Khoảng năm 1990, trong một lần đi buôn lợn, ông Hưng tình cờ được một ông chủ buôn đồ cổ nhờ chiếc xe Minsk của mình đi vận chuyển đồ cổ và được trả thù lao hậu hĩnh. Sau đó được thuê thêm nhiều lần chở hàng, ông Hưng nhận thấy nghề này “dễ kiếm ăn hơn nghề lái lợn” nên nảy ra ý tưởng săn tìm đồ cổ bán lại kiếm lời. Với ý chí của chàng trai trẻ không cam chịu số phận, ông quyết định bỏ nghề bán gia súc để đi sưu tầm đồ cổ và thay đổi cuộc đời mình một cách ngoạn mục.

Trong 15 năm đầu lúc mới vào nghề chơi đồ cổ, ông chủ yếu mua đi bán lại kiếm lời, nhưng hơn chục năm gần đây chỉ sưu tập để chơi và trưng bày. Ông đặt tên cho bảo tàng nhỏ trên sườn núi Đún (Đốn Sơn, cạnh Đàn tế Nam Giao, cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía đông nam) là Lâm Sơn Trang. Ông Hưng tâm sự: “Mới đầu, tôi xác định đi thu gom đồ cổ rồi về bán lại, kiếm chút tiền trang trải cuộc sống, nhưng rồi cứ mua về, nâng niu, trân trọng những món đồ đó, tôi lại bỏ dần cái suy nghĩ bán lại kiếm tiền”. Nhiều người bảo ông bị điên, bị khùng, cơm không đủ ăn còn chơi đồ cổ. Ông còn bị cả gia đình vợ ngăn cấm, phản đối nhưng vẫn nhất quyết theo đuổi niềm đam mê của mình. Số tiền ít ỏi tích góp được mấy năm trời từ nghề buôn gia súc, phụ hồ, ông Hưng đổ cả vào việc sưu tầm cổ vật. Mua nhiều nhưng không chịu bán đi, tiền mấy rồi cũng hết, có lúc ăn bữa trước lo bữa sau, làm thuê được bao nhiêu, ông lại xách ba lô và rong ruổi trên chiếc xe Minsk khắp các huyện trong tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành khác không kể nắng mưa, đêm hay ngày, cứ chỗ nào có cổ vật là ông lại đến tận nơi để hỏi mua.

 

Vô số cổ vật là đồ gốm sứ

Theo ông Hưng, để có được những món đồ cổ quý giá, ngoài cái duyên người sưu tầm cần có sự kiên nhẫn và chịu khó. Bởi có những món đồ quý giá, ông phải đi lại cả chục lần và thuyết phục chủ nhân của món đồ đó bằng tấm chân tình của mình thì người ta mới bán. Chẳng thế mà chuyện ăn đói, chịu khát, phơi nắng phơi sương hàng trăm cây số đã trở thành quen thuộc với ông.

… đến ông chủ bảo tàng cổ vật

Tích tiểu thành đại, số cổ vật mà ông Hưng sưu tầm được qua mỗi ngày lại càng nhiều hơn. Ông sở hữu hàng nghìn cổ vật quý với đầy đủ các triều đại, chiếm nhiều nhất trong bảo tàng cổ vật của ông Hưng là đồ gốm sứ thời phong kiến Việt Nam và Trung Quốc.

Nổi bật trong số đó là chiếc trống đồng, mặt và thân trống có nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo và 6 con ếch đúc nổi, giống với trống đồng Đông Sơn. Một trong số cổ vật được ông Hưng coi là quý nhất trong bộ sưu tập của mình là hai cặp “nhị thụt thống” ông mới mua khi người dân đào được dưới cánh đồng làng Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc. Hiện vật giống chiếc thống đất nung đang trưng bày tại Thành nhà Hồ, được cho liên quan đến triều Hồ (1400-1407), dùng cho nhà vua rửa tay, tẩy trần trước khi cử hành nghi lễ cúng tế trời đất.

Trống đồng Đông Sơn và các cổ vật quý trong bảo tàng của ông Hưng

Hiện nay, tất cả những cổ vật này được ông trân trọng trưng bày trong trong 5 ngôi nhà dựng trên khuôn viên hơn 4.000m2, trong đó, có 3 căn nhà cổ niên đại trên 100 năm tuổi có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Khoảng năm 2015-2016, có một vị khách từ TP.HCM tới tham quan bảo tàng của ông Hưng và có nhã ý muốn mua lại toàn bộ số cổ vật trên với giá 25 tỉ đồng, tuy nhiên ông đã lịch sự từ chối. “Tôi luôn ấp ủ sẽ mở một bảo tàng tư nhân có đầy đủ tiện nghi, công năng để lưu giữ những cổ vật này cho các thế hệ sau này đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về văn hoá của người Việt mình từ nhiều thế hệ trước”, ông Hưng nói.

Sau gần 30 năm lăn lộn khắp đó đây, ông Hưng đã sở hữu cho riêng mình kho đồ cổ lớn nhất xứ Thanh với hơn 50.000 món đồ cổ. Ngày qua ngày, bảo tàng cổ vật mà ông Hưng gọi là Lâm Sơn Trang luôn thu hút nhiều nhà khảo cổ học danh tiếng của cả nước tới nghiên cứu, và đây cũng là điểm đến của người dân, du khách thập phương, các em học sinh, sinh viên có sở thích khám phá và đam mê lịch sử. Ông Hưng cũng đã hai lần hiến tặng những hiện vật cổ quý mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2019, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong trưng bày hiện vật phục vụ triển lãm Thanh Hóa xưa và nay, nhân kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. 

 NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top