Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Mỗi tác phẩm thơ ca phải góp phần khẳng định vị thế dân tộc trên trường quốc tế

Chủ Nhật 05/02/2023 | 22:31 GMT+7

VHO- Tối 5.2 (tức Rằm Tháng Giêng Xuân Quý Mão), tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2023. Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa đã tới dự và phát biểu tại chương trình.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

Chào mừng chương trình được mong chờ nhất tại Ngày thơ Việt Nam 2023, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết sau 3 năm Ngày thơ Việt Nam bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, năm nay, sự kiện đã được tổ chức tại không gian lịch sử, văn hoá lâu đời và linh thiêng của dân tộc – Hoàng thành Thăng Long.

Nhắc lại những thành tựu thơ ca trong nhiều năm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Năm 2022, chúng ta vô cùng tự hào khi UNESCO quyết định vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trước đây, UNESCO đã vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh, năm mất của các nhà thơ, nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Trước đó năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Những sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của nhà thơ Việt Nam, sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cho dân tộc và cho nhân loại. Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, tư tưởng nhân văn, tinh thần sống của con người Việt Nam và một nền văn hoá độc lập, khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan toả. Với quyền lực của ngôn từ, vẻ đẹp tư tưởng nhân văn và bản lĩnh, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, đe doạ để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh; nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này”.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2023

Phát biểu tại chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định từ khi dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành; trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hoá; xây đắp nền văn hiến, duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng. Hiếm dân tộc nào trên thế giới lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chấm quân xâm lược như dân tộc Việt Nam. Lịch sử cũng cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. 

“Thơ ca được làm trong lao tù của đế quốc. Thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Bên cạnh dòng mạch thơ ca chống ngoại xâm, chúng ta có thơ ca tham gia xây dựng, kiến thiết đất nước khi hoà bình. Chúng ta có thơ ca tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước để bắt nhịp cùng xu thế phát triển của thời đại. Thơ ca như thể hoà quyện với dân tộc ta, trở thành một phần không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam”, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu chào mừng sự kiện

Theo người đứng đầu Ban Tuyên giáo TƯ, thời gian qua, đa số các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Các nhà thơ đã có mặt ở Trường Sa, lên biên giới, lặn lội vào những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Nhiều nhà thơ đã cùng Nhà nước, nhân dân đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc; sát cánh, chung tay khắc phục thiên tai, phòng chống đại dịch Covid-19. Không những vậy, các nhà thơ còn mạnh dạn soi rọi nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội; có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng nhưng đầy thuyết phục. Nhiều tác phẩm được các tầng lớp độc giả đón nhận, có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của cộng đồng. Nhìn chung, văn học trong đó có thơ ca đã tham gia sâu rộng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Hoà chung sự vận động và phát triển của thế giới, xã hội chúng ta đang có nhiều biến chuyển lớn. Các hệ giá trị truyền thống dần thay đổi, xuất hiện nhiều giá trị mới phát sinh từ thực tế hoặc du nhập từ bên ngoài vào. Trong đó, có hệ giá trị tích cực nhưng cũng có hệ giá trị chưa thật sự phù hợp với bối cảnh đất nước. Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi những người có lương tri, trách nhiệm phải trăn trở, nhất là trong vấn đề đạo đức và văn hoá. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ IX BCH TƯ Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Những Nghị quyết trên vừa nhằm hoạch định, định hướng; vừa để văn nghệ sĩ hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng trong xây dựng nhân cách, chuẩn mực con người mới cũng như xây dựng nền VHNT hiện đại mà vẫn bảo tồn được bản sắc cao quý của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

Để chủ trương của Đảng được thực hiện tốt, có hiệu quả, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cho hay không thể thiếu sự góp sức, chung tay của toàn xã hội, trong đó có các nhà thơ. Thực tiễn đang đòi hỏi các nhà thơ cần tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn để nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn; cảm nhận và phản ánh chính xác những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội cũng như tâm tư của mỗi cá nhân. Chỉ khi áp sát với đời sống, thơ ca mới đạt được sự chân thật, chính xác và tôn vinh những thành quả mà nhân dân, đất nước đã đạt được. Cũng chỉ khi đi sát đời sống, thơ ca mới phân tích chính xác các khía cạnh của xã hội; những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật mới có sức sống bền vững. Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các tác phẩm thơ thời gian tới cần từng bước, bước ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai, hoà mình cùng với văn học thế giới. Mỗi tác phẩm phải là một sứ giả trên lĩnh vực VHNT Việt Nam thời kỳ mới; là tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc, đất nước trên trường quốc tế.

Chuơng trình nghệ thuật đêm khai mạc

Sự kiện thu hút công chúng yêu thơ trong nước và quốc tế

Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc gồm các chương Thơ mới; Thơ trong kháng chiến chống Pháp; Thơ trong kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới; Thơ trẻ.  Tổng cộng 21 bài thơ/tác giả thơ đã xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Công chúng đã được nhìn lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn thơ mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, thế hệ nhà thơ sau 1975 đến thời kỳ đổi mới và cuối cùng là của các nhà thơ trẻ đưa khán giả qua một hành trình thơ đầy cảm xúc. Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng cũng trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.

ĐÌNH TOÁN; ảnh: LÊ ANH - NHƯ Ý

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top