Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bình Định

Chủ Nhật 05/02/2023 | 19:00 GMT+7

VHO-Chiều 5.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và những kết quả, thành tựu mà tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua, với quyết tâm "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng nhắc lại ấn tượng khi đi khảo sát thực tế các công trình, dự án đột phá của tỉnh với "tinh thần Tây Sơn", "hào khí Tây Sơn". Thủ tướng đánh giá tỉnh đã tự lực, tự cường trong phát triển hạ tầng, trong đó có tuyến đường ven biển, với phía đông con đường dành cho quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, phía tây dành cho phát triển công nghiệp. Cùng với đó, mô hình hợp tác công tư tại bệnh viện Bình Định thành công. Bình Định có nhiều cách làm hay trong phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy, các bộ, ngành nghiên cứu, nhân rộng. 

Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế của tỉnh như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi còn hạn chế, quy mô nhỏ. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với lợi thế, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm.

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính có mặt còn hạn chế (Chỉ số PAPI thứ 37/63; PAR Index thứ 30/63), chưa thu hút được dự án lớn; thu hút vốn FDI hạn chế (năm 2022 có 1 dự án, vốn đăng ký 4 triệu USD).

Giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (9,04%), nhất là 3 huyện miền núi. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội một số nơi tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Thủ tướng và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bình Định. Theo đó, Bình Định thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên 6.071 km² (thứ 22/63); có vị trí chiến lược, giao thương thuận lợi, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có đầy đủ các loại hình giao thông (5 tuyến quốc lộ, đường sắt xuyên Việt, sân bay, đường biển); cửa ngõ ra biển gần nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.

Đây là mảnh đất có lịch sử lâu đời, văn hóa đặc sắc, cổ xưa (Sa Huỳnh, Champa), hệ thống di tích văn hóa có giá trị. Miền "đất võ, trời văn" sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh tướng và nhiều nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa; giao thoa văn hóa các dân tộc với nhiều lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực phong phú. 

Tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển với 134 km bờ biển, vùng lãnh hải 36.000 km2, cảng biển quốc tế Quy Nhơn có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70.000 tấn ra vào. Bình Định có thể trở thành trung tâm phát triển dịch vụ về vận tải, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, cảng biển, logistics.

Bình Định có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử với hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá, cảnh quan đẹp, bãi tắm nổi tiếng; 142 di tích được xếp hạng (2 di tích Quốc gia đặc biệt, 34 di tích Quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh)...

Cùng với đó là nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng (thủy điện, điện gió); nguồn lực đất đai; đa dạng về sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp...

Tỉnh có nguồn lực lớn về con người với dân số khoảng 1,5 triệu người (thứ 20/63), khoảng 60% trong độ tuổi lao động; người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên.

Thủ tướng khẳng định, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Đánh giá cao định hướng phát triển của tỉnh với 5 trụ cột, 3 đột phá, Thủ tướng lưu ý một số quan điểm chỉ đạo. Theo đó, phải quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để tích cực, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Là địa phương có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, lợi thế so sánh về kinh tế, Bình Định cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào sức mình là chính, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, thích ứng biến đổi khí hậu. 

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, vì Nhân dân phục vụ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, đồng thời lưu ý một số nội dung trọng tâm. 

Theo đó, chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế, thách thức; sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh và tổ chức, quản lý tốt các quy hoạch bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia. Lưu ý, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, đẩy mạnh tiêm vắc xin.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành kinh tế biển; phát triển nông nghiệp là trụ đỡ; khai thác lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh. 

Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển. 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển... Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP với thương hiệu, vùng nguyên liệu, sự hỗ trợ của ngân hàng, phát triển thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. 

Phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm nuôi trồng; quyết liệt ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. 

Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh (vận tải biển, logistics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...). Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn vốn vay… Đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, đặc biệt là sân bay, đường cao tốc… Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, chiến lược làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. 

Tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bình Định. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, đối tượng yếu thế; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Đồng ý về chủ trương với các nội dung này, Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương xử lý, giải quyết, hướng dẫn các địa phương, triển khai các thủ tục theo thẩm quyền và đúng quy định, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần là "có đầu ra" cho các vướng mắc. 

Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động xây dựng đề án xã hội hóa, huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp sân bay Phù Cát. Bình Định cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị, lập dự án, triển khai dự án tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm, theo hình thức hợp tác công tư, dưới sự quản lý, hướng dẫn của Bộ GTVT, kết nối 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định, kết nối Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ, kết nối với các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc - Nam), tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. 

Thủ tướng khuyến khích các địa phương mạnh dạn làm các công trình hạ tầng lớn để ngày càng trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm. 

Thủ tướng giao các bộ cân đối để hỗ trợ ngân sách đầu tư tuyến đường huyết mạch từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy  Nhơn; đồng ý chủ trương vay vốn ODA để sớm hoàn thành 38 km còn lại của tuyến đường ven biển...

TÙNG QUANG; ảnh: NHẬT BẮC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top