Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Liên hoan Đờn ca tài tử và Bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng: Sân chơi nghệ thuật đặc sắc cần được duy trì

Thứ Hai 06/02/2023 | 09:46 GMT+7

VHO- Sau 6 năm gián đoạn, Liên hoan Đờn ca tài tử và Bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng do Sở VHTTDL Đồng Nai phối hợp với Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai tổ chức đã chính thức quay trở lại vào những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên 2 loại hình nghệ thuật dân gian kết hợp tổ chức trong cùng một liên hoan, quy tụ nghệ nhân, tài tử, diễn viên, kỹ thuật viên, cộng tác viên đến từ 8 địa phương khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

 Nghệ nhân Bóng rỗi thực hiện tiết mục dâng mâm vàng

 “Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Bóng rỗi là tài sản tinh thần vô giá mà cha ông để lại, đã trải qua hàng trăm năm gắn bó máu thịt với đời sống người dân Nam Bộ. Do đó, các loại hình nghệ thuật này cần được tiếp tục gìn giữ, phát huy, gạt bỏ những yếu tố trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng bày tỏ và mong muốn sau Liên hoan, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành bạn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Trung ương, các nhà khoa học, các nhànghiên cứu trong công tác bảo tồn, phát huy vàphát triển bền vững các giá trị văn hóa dân tộc.

Phô diễn những nét đẹp nghệ thuật độc đáo

Tham gia Liên hoan năm nay có các nghệ nhân, diễn viên, cộng tác viên thuộc Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh của các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ gồm: An Giang, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre và TP.HCM với tổng cộng 56 tiết mục Đờn ca tài tử và Bóng rỗi.

Mỗi đoàn xây dựng một chương trình thi diễn trong thời gian 60 phút với hai nội dung: Biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử và Bóng rỗi. Ở loại hình Bóng rỗi, nội dung các tiết mục dự thi phải giới thiệu, thể hiện được nét đẹp văn hóa dân gian, cổ truyền của người Việt dưới các hình thức biểu diễn, thi diễn. Cụ thể, phải thể hiện các làn điệu hát Rỗi như chầu mời, thỉnh tổ, ca tụng Thánh mẫu…; tiết mục hát múa dâng lễ vật bao gồm dâng bông, dâng mâm vàng; các tiết mục tạp kỹ bao gồm xoay đĩa, phòng lông công, múa đội hình, múa lu, múa hoa huệ, múa dù, múa gậy, múa ghế, rót rượu bằng đầu… Ở loại hình Đờn ca tài tử có các tiết mục: Hòa đờn, ca (nằm trong 7 bài Lễ), song ca vọng cổ nhịp 32, ca thể điệu tựchọn trong 20 bản Tổ ngoài 7 bài Lễ…

Kết thức Liên hoan, BTC đã trao 60 giải thưởng cho các tiết mục xuất sắc nhất, trong đó có 33 giải Đờn ca tài tử (hòa đờn, bài ca lễ, thể điệu tự chọn, song ca vọng cổ); 20 giải Bóng rỗi (hát rỗi, múa dâng lễ vật, tạp kỹ) và 7 giải phụ dành cho trang phục, đạo cụ ấn tượng; kỹ thuật biểu diễn xuất sắc; dàn nhạc đệm hay nhất; nghệ nhân nhỏ tuổi, lớn tuổi tham gia liên hoan. Riêng Đồng Nai đoạt 7 giải nhất, nhì, ba ở các thể loại.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, thành viên Hội đồng giám khảo đánh giá Liên hoan là dịp để các nghệ nhân Đờn ca tài tử và Bóng rỗi các tỉnh, thành phố giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng trong việc bảo tồn 2 loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở Nam Bộ. “Tôi đánh giá cao âm nhạc trong các đơn vị dự thi, đặc biệt là Bóng rỗi. Tiêu biểu như ở đoàn tỉnh Tây Ninh, họ đã sử dụng dàn nhạc rất đơn giản chỉ có 3 nhạc cụ, nhưng đúng chất Bóng rỗi với đờn cò là chủ đạo. Dàn nhạc Bóng rỗi đơn vị này đã khai thác cả chất liệu Đờn ca tài tử, những bài bản trong nhạc Hồ Quảng, Cải lương, các điệu lý, sử dụng nhạc dân tộc dân gian Nam Bộ, đó là điểm tích cực rất đáng ghi nhận và tuyên dương. Cũng chính vì vậy mà Hội đồng giám khảo đã thống nhất thêm giải Dàn nhạc cho diễn xuất bóng rỗi hay của đơn vị tỉnh Tây Ninh. Tương tự, các dàn nhạc khác cũng có những điểm hay và độc đáo”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhận định.

Hy vọng sẽ khởi sắc trong tương lai

Theo TS Mai Mỹ Duyên, thành viên Hội đồng giám khảo, việc kết hợp 2 loại hình trong một cuộc liên hoan tương đối hợp lý, vì Đờn ca tài tử và nghệ thuật hát múa Bóng rỗi được xếp vào loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Bên cạnh một loại hình âm nhạc cótính chất thính phòng là Đờn ca tài tử thì lại có một loại hình biểu diễn vừa có tính chất tâm linh, vừa giải trí là Bóng rỗi, đã tạo ra sự thay đổi sắc thái của Liên hoan, làm cho Liên hoan đa dạng, hấp dẫn hơn. Hai loại hình này có sự tương tác lẫn nhau, trên nền tảng chung là âm nhạc dân gian Nam Bộ, vì thế mà có mối liên hệ gần gũi. Tuy nhiên, vì tổ chức cùng lúc 2 loại hình có chút hạn chế về thời gian.

Về Đờn ca tài tử, TS Mai Mỹ Duyên cho rằng tại Liên hoan lần này, các ban nhạc trình diễn hay hơn, có sự đầu tư công sức, trau chuốt tiết mục tham gia. Tuy nhiên, nhân tố mới trong Đờn ca tài tử của tỉnh chưa nhiều. “Đối với nghệ thuật Bóng rỗi, năm 2007 lần đầu tiên tỉnh Tiền Giang tổ chức Liên hoan, nhưng vì một số khó khăn nhất định nên không được duy trì, tôi cảm thấy rất tiếc. Mãi 10 năm sau, năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã đăng cai tổ chức Liên hoan Bóng rỗi mở rộng, nhưng cũng lại một lần nữa, vì nhiều lý do, trong đó có cả ảnh hưởng do dịch Covid-19, nên đến năm nay Liên hoan mới trở lại, kết hợp với loại hình Đờn ca tài tử… So với năm 2017, tại Liên hoan lần này đã xuất hiện một số cô bóng trẻ rất tài năng, duyên dáng, điều đó cho thấy loại hình này tồn tại đã đáp ứng nhu cầu của công chúng”, TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ.

Theo giới chuyên môn, bên cạnh những ưu điểm như đã nói, vẫn còn những tiết mục “chưa đã”, chưa đi sâu được như phần hòa đàn, chưa có sự đối đáp, “quăng bắt” ngẫu hứng, hòa thanh mà mang tính trình diễn nhiều, hòa tấu chưa được sang trọng, thiên về kỹ thuật diễn tấu…

TS Mai Mỹ Duyên cho rằng, sau tất cả, Liên hoan Đờn ca tài tử và Bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023 đã tương đối thành công, vìtrong điều kiện khó khăn như hiện nay, địa phương đã tổ chức quy mô, mở rộng ra các tỉnh, để các địa phương tham dự mà có cơ hội để học hỏi, giao lưu nhau. “Và nhiều người đã nhận ra, Bóng rỗi không liên quan đến yếu tố mê tín hay tiêu cực mà đólà loại hình nghệ thuật rất hay, độc đáo cần được bảo tồn. Hy vọng rằng loại hình này trong tương lai sẽ khởi sắc hơn”, một chuyên gia văn hóa bày tỏ. 

 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top