Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thảnh thơi đi hội đền Trần

Thứ Hai 06/02/2023 | 10:10 GMT+7

VHO- Trở lại sau ba năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19, lễ hội đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) được dự báo từ sớm sẽ thu hút đông nhân dân và du khách thập phương. Ghi nhận trong đêm khai ấn tại ngôi đền thiêng ở thành Nam lại không quá đông đúc, xô bồ. Người đi lễ đền Trần tiếp tục được chứng kiến cảnh tượng một đêm khai ấn bình yên.

Thời điểm mở cửa đền, đông đảo người dân và du khách đổ dồn về cổng vào di tích tạo nên cảnh tượng biển người

 Những lá ấn lộc cũng đã được nhà đền chuẩn bị chu đáo để phát đến người đi lễ, bắt đầu từ 5h sáng ngày Rằm tháng Giêng.

Tôn vinh giá trị truyền thống

Lễ khai ấn đền Trần xuân Quý Mão diễn ra trang trọng vào đêm 14 rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng (tức đêm 4 rạng sáng ngày 5.2) tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp. Năm nay, lượng quan khách và nhân dân tham dự lễ khai ấn vắng hơn, cùng với đó, các biện pháp an ninh được siết chặt với nhiều vòng kiểm soát.

Ghi nhận từ chiều ngày 14 tháng Giêng, trên nhiều ngả đường hướng về đền Trần có khá đông du khách thập phương. Việc chuyển hoạt động phát ấn sang sáng ngày Rằm, cùng sự vào cuộc từ sớm của BTC lễ hội đã mang đến không gian thiêng ở đền Trần một không khí thanh bình, yên ả. Đền Trần ở Nam Định cũng không còn là “điểm nóng” trên truyền thông với cảnh tượng lộn xộn, xô bồ, phản cảm. Không gian xung quanh di tích được quy hoạch, tôn tạo khang trang, quy củ, tạo điều kiện cho du khách nhẹ bước hành hương.

Lễ hội đền Trần được tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Lễ hội Khai ấn đền Trần 2023 được tổ chức trang trọng từ 22h15 ngày 4.2 (14 tháng Giêng) với các nghi lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường; dâng hương, tế cáo trước ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin khai ấn. Trong đó, nghi lễ khai ấn được thực hiện trang trọng tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn. Những lá ấn lộc may mắn đầu năm sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Sau khi hoàn thành nghi lễ khai ấn, cửa đền được mở đểngười dân và khách thập phương vào lễ đầu năm.

 Đêm khai ấn đền Trần xuân Quý Mão được tổ chức với các nghi lễ trang trọng, linh thiêng

Đại diện các bậc cao niên làng Tức Mặc, cụ Trần Huy Chiến (Tổ trưởng Tổ từ đền) cho biết, nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu Di tích Lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp cho biết, BTC lễ hội năm nay đã dự kiến sẽ có rất đông người dân và du khách thập phương về với đền Trần nhân dịp khai ấn. Vì vậy, các phương án đảm bảo an ninh trật tự để lễ hội diễn ra an toàn được “lên dây cót” sẵn sàng từ nhiều ngày trước… So với dự báo, lượng du khách đổ về ngôi đền thiêng ở thành Nam đêm khai ấn có đến hàng vạn người, tuy nhiên do phương án khống chế lượng khách vào sân đền ở thời điểm thực hiện nghi lễ nên không gian này được đảm bảo tính thiêng, trật tự, an toàn. Bên ngoài sân đền, 5 vòng kiểm soát và 30 chốt bảo đảm an ninh được BTC tăng cường cũng giúp cho không khí đêm khai ấn diễn ra thanh bình, yên ả, dù thời điểm bắt đầu mở cửa đền, lượng khách đổ dồn cũng tạo cảnh tượng “biển người” trước cổng di tích.

Lễ hội đền Trần qua từng năm đều có những nghiên cứu nhằm đổi mới, hướng đến mục tiêu khôi phục, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, từ ngày 11 tháng Giêng, lễ rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang Vua Trần Nhân Tông) đã được tổ chức, mở đầu cho lễ hội Khai ấn đền Trần. Ngày 12 tháng Giêng diễn ra các nghi thức dâng sớ, thỉnh chân nhang đức Thánh Trần tại đền Cố Trạch, sau đó tổ chức rước kiệu ra giếng Rồng, tiến hành nghi thức rước nước, tế cá. Trong các ngày từ 11 - 16 tháng Giêng, bên ngoài cổng ngũ môn đền Trần diễn ra các hoạt động truyền thống gồm múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ bỏi, đấu vật, võ thuật…

Không còn cảnh chen lấn xin lộc ấn

Nhiều du khách về đền Trần từ ngày 14 tháng Giêng và chọn lựa phương án lưu trú qua đêm, đợi đến thời điểm nhà đền tổ chức phát ấn để xin cánh ấn lộc đầu năm. Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy khi xin lộc ấn, nhà đền tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách bắt đầu từ 5h sáng 15 tháng Giêng tại 3 nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

 Sau khi xin được lộc ấn, người dân cầu mong điều may mắn đầu năm mới

Có mặt tại đền Trần vào sớm ngày Rằm, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhiều người dân, du khách thức trắng đêm, bất chấp tiết trời mưa rét và kiên nhẫn chờ đợi xếp hàng để xin lộc ấn đền Trần đầu năm. Nhà đền cho biết, sau mấy năm tạm dừng việc phát ấn tại di tích vì đại dịch hoành hành, sự trở lại trong mùa lễ hội năm nay của hoạt động thu hút nhất là phát ấn lộc đã mang lại cho ngôi đền thiêng bầu không khí tươi vui. Các bậc cao niên trong ngôi làng Tức Mặc từ nhiều ngày qua cũng rất hào hứng, hoan hỉ chờ đến ngày được phát những cánh ấn lộc đến du khách thập phương. Thức trắng đêm xếp hàng xin ấn đền Trần, anh Đỗ Mạnh Phú (Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh tới đền Trần từ chiều tối ngày 14 tháng Giêng để chiêm bái và thực hiện các nghi lễ tâm linh đầu năm. Mong muốn xin lá ấn lộc may mắn, vợ chồng anh đã chọn phương án lưu trú tại đền, chờ đến “giờ G” để xếp hàng xin ấn. “Năm nay do tiết trời mưa gió nên lượng khách thức qua đêm tại đền không đông, chỉ mất vài phút đồng hồ chúng tôi đã xin được những lá ấn lộc cầu may mắn đầu năm”, anh Phú cho hay.

Trưởng BQL di tích đền Trần - chùa Tháp Nguyễn Đức Bình cho hay, đã thành nếp từ vài năm trước, đúng 5h sáng ngày 15 tháng Giêng, BTC lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định tiến hành phát lộc ấn cho người dân, du khách thập phương. “Năm nay, dù khách về đền chưa đông nhưng chúng tôi cũng đã chứng kiến hình ảnh nhiều người dân, du khách thập phương đã thức đêm chờ đợi đến giờ phát ấn. Bất chấp cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhiều người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi để nhận được lộc ấn đầu năm. Càng về trưa ngày Rằm, lượng du khách về đền càng đông hơn…”, ông Bình nói. Ngôi đền thiêng ở thành Nam nhiều năm trước từng là “điểm nóng” trên truyền thông, cơ quan quản lý lúng túng, dư luận bức xúc trước nhiều hình ảnh lộn xộn, phản cảm, việc đi xin ấn gắn liền với cảnh chen chúc, xô đẩy, cướp ấn cướp lộc... Nhằm khắc phục những bất cập này và từng bước đưa lễ hội đi vào nề nếp, qua mỗi năm, cùng với việc tuyên truyền, BTC lễ hội cũng có nhiều phương án an ninh khác nhau nên việc chen lấn, xô đẩy khi xin ấn lộc đã không còn.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng nhận định, đêm khai ấn xuân Quý Mão tại đền Trần (Nam Định) đã được chuẩn bị kỹ, bài bản, các hoạt động phần lễ, phần hội trong ngày khai ấn đều diễn ra trong sự kiểm soát chặt chẽ về mặt an ninh, đảm bảo an toàn và không gian thiêng cho các hoạt động nghi lễ tâm linh đầu năm. Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý, việc bố trí lực lượng an ninh dầy đặc là cần thiết, song BTC cũng cần tính toán phương án phù hợp để đảm bảo hài hoà giữa yêu cầu đảm bảo an toàn với sự lan toả những giá trị văn hóa của một lễ hội truyền thống đến với cộng đồng. 

 Đêm khai ấn xuân Quý Mão tại đền Trần đã được chuẩn bị kỹ, bài bản, các hoạt động phần lễ, phần hội trong ngày khai ấn đều diễn ra trong sự kiểm soát chặt chẽ về mặt an ninh, đảm bảo an toàn và không gian thiêng cho các hoạt động nghi lễ tâm linh đầu năm.

Tuy nhiên, việc bố trí lực lượng an ninh dầy đặc là cần thiết, song BTC cũng cần tính toán phương án phù hợp để đảm bảo hài hoà giữa yêu cầu đảm bảo an toàn với sự lan toả những giá trị văn hóa của một lễ hội truyền thống đến với cộng đồng.

(Ông LƯƠNG ĐỨC THẮNG, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở)

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top