Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thói quen đọc sách

Thứ Tư 08/02/2023 | 11:01 GMT+7

Luôn đập vào mắt chúng ta là những ông, bà “Tây ba-lô” ngao du đây đó, cứ hễ thả hành lý xuống chờ tàu chờ xe, là họ lấy sách ra đọc, chăm chú như không có người xung quanh. Cũng là chờ tàu chờ xe, nhưng người Việt, từ già đến trẻ, sẽ mở smartphone, lướt nhoay nhoáy. Có gì khác nhau ở đây? Các ông bà “Tây ba-lô” không sắm nổi smartphone như người Việt? Chắc là không phải. Mà là do họ có thói quen đọc sách từ bé. Nhưng sách cũng có năm bảy loại, có loại sách in truyền thống, có loại sách điện tử, có sách trên mạng internet, biết đâu những người Việt đang cầm smartphone kia để đọc sách trên mạng thì sao?

 Xin thưa: Thực tế không có (hoặc rất ít) trường hợp đó. Quan sát thư viện công cộng nhiều tỉnh, huyện trong nước, dễ thấy người ta ít đến thư viện, cũng có nghĩa họ không có thói quen đọc sách, trừ các đô thị lớn, nơi có các trường đại học thì sinh viên đến thư viện đọc sách như một sự “bắt buộc” để kiếm điểm.

Nếu người Việt có thói quen đọc sách, thì với dân số trên 90 triệu, một cuốn sách được in với số lượng 20 ngàn bản sẽ được xem là bình thường, sách in 50-100 ngàn bản trở lên mới có thể xem là sách best-seller. Thực tế, sách in trong nước hiện nay chỉ vài ba ngàn bản. Vì người ta không có thói quen đọc sách, nên cũng không có thói quen mua sách, dẫn đến thị trường sách rất “èo uột”.

Nếu số lượng người đọc sách cao, ắt các thư viện công cộng phải đầy ắp người, người ta còn có thể mở thư viện tư nhân để kinh doanh. Nhưng từ các hiệu sách đến thư viện đều vắng bóng người, nên chưa thể có mô hình thư viện tư nhân. Việc gì tư nhân không đầu tư thì nhà nước phải đầu tư. Các thư viện công từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, huyện, xã tổ chức nhiều cách khác nhau để cổ vũ người đọc sách, phát động phong trào văn hóa đọc, ở Hà Nội và TP.HCM… có con Đường sách, Phố sách. Nhiều cán bộ thư viện bị phê bình oan về việc vắng bạn đọc. Nhưng làm sao, khi mà thói quen đọc sách của xã hội là như vậy, chỉ có thể gây dựng… từ từ!

Nói về thói quen đọc sách, người ta thường nghĩ đến sách văn học, nhưng sách văn học chỉ mới là một phần của thế giới sách. Có thể nói, tất cả các lĩnh vực, tất cả những gì mà con người quan tâm, từ kiến thức thông thường (phổ thông) đến chuyên sâu, đều có sách. Sách bồi bổ kiến thức, giúp cho con người mở mang tri thức, phát triển trí tuệ, học tập và nghiên cứu. Thư viện thuộc ngành văn hóa quản lý, nhưng thật sai lầm nếu khoanh nó trong phạm vi của một ngành. Nó gắn với tầm tri thức, với trình độ dân trí của cả xã hội. Sách là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trí tuệ, cho sáng tạo. Thế nhưng đáng buồn là ở ta, ngay cả những người được coi là “trí thức”, dường như cũng ít đọc sách. Từ ấy mới xảy ra chuyện: Khi hướng dẫn làm các luận án tiến sĩ, do ít đọc nên một số vị giáo sư nhầm lẫn rằng nghiên cứu sinh có “phát hiện”, ai dè chỉ là cóp nhặt, thậm chí do “đạo văn” của người khác!

Tôi từng hỏi, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, liệu sách in có bị lạc hậu hay không. Nhiều người trả lời là không. Là bởi sách in đọc vẫn thuận lợi hơn sách điện tử. Nhìn các học giả thế giới khi trả lời phỏng vấn truyền hình, thấy sau lưng họ luôn có kệ sách cao dày. Họ không thiếu những thiết bị công nghệ số tiên tiến, nhưng sách in vẫn là thứ căn bản. Thói quen đọc sách nhiều, xã hội có dân trí cao, ở các nước Âu Mỹ có khi một cuốn sách in tới hàng triệu bản.

Lại có trường hợp, tiểu thuyết khi chuyển thể sang phim thường bị chê là dở. Vì sao? Có thể người làm phim chưa đủ tầm, cũng có thể do hạn chế công nghệ hay diễn xuất. Đặc thù “trực quan” của phim so với sách giúp người xem ít mất thời gian hơn đọc sách, người vật đều bày ra trước mắt, nhưng cái “chết người” là phim làm cho người ta tiếp nhận một cách thụ động, trí tưởng tượng của con người không được kích hoạt, không có hình tượng từ con chữ được “đồng sáng tạo” bởi người tiếp nhận, nên “sách hay hơn phim” cũng là phải.

Hiển nhiên, đọc sách mất không ít thời gian, người đọc sách có vẻ như đang “sống chậm”, lạc hậu so với thời cuộc. Thật là nhầm. Tri thức con người không thể phát triển một cách đột biến, “tốc hành”. Nói cho đúng, muốn phát triển nhanh, thì phải biết… sống chậm với sách. Bởi lẽ, muốn bồi bổ tri thức, cho con người nắm được đỉnh cao trí tuệ, muốn phát minh sáng chế cái gì, thì phải bắt đầu và luôn cùng sách. Hồi thế kỷ XVIII, nhà học giả thông thái Lê Quý Đôn từng viết: “Hung trung vô tam vạn quyển thư, nhãn trung vô thiên hạ kỳ sơn xuyên, vị tất năng văn”, nghĩa là: Trong bụng không có ba vạn cuốn sách, trong mắt không thấy núi sông kỳ lạ của thiên hạ, chưa chắc đã làm văn được. Thực tế (núi sông kỳ lạ của thiên hạ) là một phần, và sách vở (ba vạn quyển sách) là một phần, thiếu một trong hai hay thiếu cả hai, đúng là cái thiếu chí mạng của người làm văn. Mà không phải chỉ văn chương. Và cũng không hề lạc hậu. n

CAO CHƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top