Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kon Tum: Tìm hướng đi cho du lịch ở “thủ phủ” sâm Ngọc Linh

Thứ Tư 08/02/2023 | 13:16 GMT+7

VHO - “Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng du lịch của địa phương vẫn còn như “một nàng tiên đang ngủ” chưa được đánh thức. Do vậy, chúng tôi mong muốn những chuyên gia, những doanh nghiệp, doanh nhân có những giải pháp, định hướng phát triển du lịch hỗ trợ cho địa phương”, đó là chia sẻ của ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tại Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp triển du lịch huyện Tu Mơ Rông”.

Quang cảnh buổi Hội thảo

UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vừa phối hợp Sở VHTTDL tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp triển du lịch huyện Tu Mơ Rông”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của “Phiên chợ Sâm Ngọc linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông năm 2023” diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9.2; hướng tới chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9.2.1913 – 9.2.2023).

Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế Việt Nam; lãnh đạo Viện phát triển Du lịch châu Á; đại diện Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam; Hiệp hội du lịch cách tỉnh Đồng Nai, Gia Lai; đại diện các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh; các HTX du lịch trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và đông đảo người dân.

Tiềm năng phát triển du lịch…

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên như: thác nước Đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông xã Đắk Na, thác Y Hai xã Măng Ri, hồ Ba Khen xã Văn Xuôi; hồ thủy điện Đắk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri, xã Đắk Na, điểm săn mây đỉnh đèo Văn Rơi… Bên cạnh đó, ẩm thực nơi đây hết sức hấp dẫn với nhiều món ăn độc lạ như thịt trâu gác bếp, cơm nấu ống, gà nấu sâm dây, cá bống đuôi đỏ… Đặc biệt, Tu Mơ Rông được biết đến là vùng đất của “thánh địa” sâm Ngọc Linh, loại dược liệu đặc hữu chỉ có trên núi Ngọc Linh. Huyện đã từng bước xây dựng các tour về miền quốc bảo, chinh phục núi Ngọc Linh, du lịch dược liệu…

Tu Mơ Rông được biết đến là "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh với diện tích hơn 1700 ha

"Mặc dù vậy nhưng tất cả những tiềm năng đó chưa được khám phá, khai thác. Tu Mơ Rông hiện tại như “nàng tiên ngủ trong rừng” cần được đánh thức. Do vậy, chúng tôi mong muốn những chuyên gia, những doanh nghiệp, doanh nhân có những giải pháp, định hướng phát triển du lịch hỗ trợ cho địa phương", ông Mạnh chia sẻ.

Cũng theo ông Mạnh, việc tổ chức Hội thảo là kỳ vọng lớn của lãnh đạo và nhân dân huyện để đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện, từ đó đề xuất các giải pháp, định hướng quản lý, khai thác, phát huy giá trị của các tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa huyện Tu Mơ Rông, với các huyện trong tỉnh trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động dịch vụ du lịch; hình thành các sản phẩm, tuyến du lịch nội địa. Tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch mang dấu ấn độc đáo, khác biệt, góp phần đưa du lịch huyện Tu Mơ Rông trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài tỉnh.

… cần được đánh thức

Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia, các đơn vị quản lý du lịch đều cho rằng, Tu Mơ Rông nên lựa chọn du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, du lịch cộng đồng… là hướng đi chủ đạo trong định hướng phát triển du lịch của huyện nhà.

Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum cho biết, Tu Mơ Rông có núi non hùng vĩ, hệ sinh thái rừng tự nhiên hết sức đa dạng với các loài sinh vật đặc hữu, đã tạo cho địa phương có những tiềm năng, lợi thế so với các vùng miền khác để phát triển du lịch. Trong đó, lý tưởng nhất là khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên trong lành, gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng cao Tây Nguyên. Những tiềm năng, lợi thế này là tiền đề để huyện khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch sâm cộng đồng.

Các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà làm du lịch cho rằng Tu Mơ Rông nên lựa chọn loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng... gắn với vùng trồng sâm Ngọc Linh

“Du lịch sâm ra đời sẽ gắn với việc phát triển cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Du lịch sâm và phát triển sâm phải đi đôi song hành cùng nhau. Khi đến tham quan vùng sâm du khách sẽ nghĩ đến tỉnh Kon Tum nói chung và huyện “Tu Mơ Rông nói riêng. Du khách vừa nghi dưỡng, vừa sử dụng sâm Ngọc Linh để bồi dưỡng sức khỏe. Điều này sẽ tạo điều kiện cho ngành trồng sâm công nghiệp chế biến, chuỗi giá trị từ cây sâm phát triển”, ông Long gợi ý và cho biết thêm.

"Tu Mơ Rông cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch sâm Ngọc Linh cộng đồng. Theo đó, cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch như làm homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản địa phương… bằng các quy định cụ thể về hỗ trợ vốn và ưu đãi vay vốn để người dân đầu tư phát triển du lịch xanh cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế hoạt động trong mô hình du lịch sâm Ngọc Linh cộng đồng, xây dựng cơ chế và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan như: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, chuyên gia tư vấn đối với cộng đồng làm du lịch để phát triển bền vững".

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Việt Nam cho rằng, Tu Mơ Rông có nét văn hóa “độc nhất vô nhị” với 95% người đồng bào dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Cùng với rừng và đặc biệt là quốc bảo sâm Ngọc Linh sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển. “Tôi nghĩ rằng, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông phải có chương trình rất đặc biệt nhằm tạo ra cơ đồ, tầm vóc, đẳng cấp mang đến sự khác biệt để du lịch Tu Mơ Rông không chỉ ở Việt Nam và vươn ra thế giới”, ông Thiên chia sẻ.

Đại diện Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đề xuất, Tu Mơ Rông cần xần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch áp dụng với nhiều thị trường và các phân khúc thị trường khác nhau hoặc xây dựng các sản phẩm chuyên biệt, chuyên đề. Trong đó, xây dựng các tour tham quan cuối tuần, trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm và cây dược liệu, du lịch cộng đồng... 

“Có thể xây dựng tour du lịch chuyên đề liên quan đến sâm và cây dược liệu. Đến Tu Mơ Rông sẽ tham quan vườn sâm, trồng sâm, thu hoạch sâm, chế biến món ăn với sâm; thưởng thức món ăn từ sâm, uống trà lá sâm, làm đẹp bằng sâm, mua quà là các sản phẩm từ sâm... Muốn vậy, huyện nên tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh định kỳ 2 năm/ lần”, đại diện Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam gợi mở.

Cũng theo đại diện Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, sau dịch Covid-19, hiện nay nhu cầu thị trường đã có rất nhiều thay đổi và cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến. Khách du lịch có xu hướng không đi theo đoàn đông mà đi cá nhân, nhóm gia đình, bằng phương tiện riêng, thích trải nghiệm, khám phá văn hóa và đến những miền quê gần gũi với thiên nhiên; quan tâm đến những dịch vụ, sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe... Huyện Tu Mơ Rông phải nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch theo nhu cầu mới của thị trường và du khách. Trong đó, chú trọng tới các tour du lịch bằng xe tự lái, đa dạng hóa sản phẩm để có thể phục vụ các đối tượng khách khác nhau.

Việc tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch là cơ hội quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa truyền thống các dân tộc và đặc sản "quốc bảo sâm Ngọc Linh" đến bạn bè, du khách, trong và người nước

Còn ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Công ty du lịch Ngọc Linh Kon Tum cho biết, đơn vị đã thực hiện tour du lịch lên Tu Mơ Rông tham quan vườn sâm được 2 năm và có trải nghiệm khá thu vị. Tuy nhiên, mô hình du lịch này cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, đường xá đi lên thăm vườn sâm Ngọc Linh còn rất xấu, khó khăn cho việc đi lại, địa phương cần lưu tâm đến vấn đề này. Ngoài ra, khi đến vườn sâm dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm cuộc sống văn hóa nơi đây còn hạn chế. Về vấn đề này, huyện cần xây dựng mô hình chuẩn, nâng cấp các dịch vụ đồng thời tập trung phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong việc liên kết, hợp tác, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông

Tại Hội thảo, UBND huyện Tu Mơ Rông đã cùng với Viện Phát triển du lịch châu Á, Chi hội du lịch Cộng đồng Việt Nam ký kết 6 biên bản ghi nhớ thỏa thuận trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch nhằm cụ thể hóa những mục tiêu và triển khai thực hiện các hoạt động liên kết giữa các cặp doanh nghiệp, tổ chức… nhằm thúc đẩy du lịch Tu Mơ Rông phát triển.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, ngay sau khi Phiên chợ sâm, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 năm 2023 kết thúc, huyện sẽ giao cho các phòng, ban chuyên môn cụ thể hóa các biên bản ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Tiếp đó, là xây dựng đề án du lịch để lấy ý kiến các nhà khoa học, các Sở ngành và có sự tham gia đóng góp ý kiến của Viện phát triển Du lịch châu Á. Trên cơ sở đề án này huyện sẽ mời các HTX du lịch trên địa bàn ngồi lại bàn bạc hướng tổ chức, phát triển du lịch trong thời gian tới. Song song với đó, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch như: tổ chức liên hoan cồng chiêng, liên hoan ẩm thực, tập huấn nguồn nhân lực làm du lịch trên địa bàn...

NGỌC HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top