Học sinh thiết kế “Quyển sách lịch sử của tôi”

VHO - Sáng nay 9.2, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, gần 200 học sinh THCS trên địa bàn TP.HCM đã tham gia vòng chung kết hội thi "Lớn lên cùng sách" lần thứ 23 năm 2023.

Học sinh thiết kế “Quyển sách lịch sử của tôi” - Anh 1

Các thí sinh tham gia hội thi sáng ngày 9.2

Hội thi "Lớn lên cùng sách" do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức thường niên. Với gần 200 thí sinh tham gia vòng chung kết cấp TP, các em được chia làm 2 bảng: Bảng thi dành cho học sinh khối 6-7 và bảng thi cho học sinh khối 8-9, các em được nghe thuyết minh và trải nghiệm tương tác với Robot Batalis, tham gia đố vui có thường qua những câu hỏi liên quan về bảo tàng và lịch sử. Trải nghiệm đã mang lại những góc nhìn, tư duy mới và cả "chất liệu" để các em sử dụng vào bài thi.  

Đề thi năm nay yêu cầu các em thiết kế một quyển sách với nhan đề "Quyển sách lịch sử của tôi" để giới thiệu với mọi người những gì mình đã biết với các yêu cầu như sau: Từ trang 1 - 10: “Những dấu ấn lịch sử”, các em ghi tên những phòng trưng bày đã tham quan và nêu đặc điểm nổi bật của những phòng này; Từ trang 11 - 12: “Những suy nghĩ và cảm xúc đọng lại”, nếu được giới thiệu Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với các bạn, em sẽ dùng 3 từ nào để miêu tả bảo tàng, 33 từ nào để nói lên giá trị của các hiện vật nơi đây và 3 từ nào để chia sẻ cảm nhận của em về "hành trình đọc trang sách Bảo tàng"? Vì sao?. Ở trang 13 có nội dung “Lời nhắn gửi của tiền nhân”, với đoạn trích dẫn về lời hịch của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trước khi đem quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, các em ghi lại những thông điệp rút ra được từ văn bản này vào trang sách thứ 13. 

Điểm mới của hội thi năm nay chính là "hành trình đọc" ở bảo tàng. Đọc ở đây là đọc lịch sử qua những hiện vật, mô hình, kiến trúc,… Điều này góp phần giúp các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc, tận mắt nhìn thấy những di sản của ông cha ta, những góc nhìn mới về việc học lịch sử tại bảo tàng, sự sáng tạo và mối liên kết giữa môn Ngữ văn và Lịch sử. 

Hội thi "Lớn lên cùng sách" hướng đến sự trưởng thành của học sinh qua quá trình đọc sách, sự phát triển bền vững của thói quen đọc sách và kỹ năng đọc ở học sinh, năng lực sử dụng công nghệ thông tin để chiếm lĩnh tri thức, lan tỏa của niềm đam mê đọc sách và văn hóa đọc trong môi trường học đường. Đồng thời, phát huy chức năng, vai trò của thư viện trường học hiện nay. 

ANH HUY

Ý kiến bạn đọc