Thanh Hóa phát triển mô hình chuỗi giá trị tre, luồng bền vững

VHO- Thanh Hóa có hơn 78.000 ha rừng tre luồng, bình quân mỗi năm cung cấp 60 triệu cây (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80.000 tấn nguyên liệu khác (mùn cưa,...), phục vụ chế biến và xuất khẩu. Giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 553 tỉ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu bình quân 2,17 triệu USD.

Thanh Hóa phát triển mô hình chuỗi giá trị tre, luồng bền vững - Anh 1

Toàn cảnh hội nghị

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, UBND huyện Lang Chánh, Công ty CP Bamboo King Vina vừa phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị xây dựng mô hình chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng phát triển bền vững tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo Hiệp hội Tre luồng Thanh Hóa, loài cây này có khả năng hấp thụ CO2 gấp năm lần các loại cây xanh khác; sau hấp, sấy, ép thành gỗ có độ cứng chỉ xếp sau sắt thép và khi ứng dụng công nghệ nhiệt phân, chế biến thành các sản phẩm phân bón. Qua chế biến, tre, luồng được ví như “vàng đen”, có giá trị gấp hàng chục lần bán nguyên liệu thô.

Vùng trồng luồng thâm canh tập trung chủ yếu tại các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy giải quyết việc làm cho 102.000 lao động, chiếm 40,8% lao động trong ngành lâm nghiệp. Hiện nay có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cấp chứng chỉ FSC cho rừng tre, luồng với 5.414,6 ha. Trong đó, Công ty CP Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn với 69 hộ/3.045 ha rừng luồng, vầu; Công ty CP BWG Mai Châu với nhóm hộ huyện Quan Hóa với 545 hộ/2.369,6 ha rừng luồng. Do đó, tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng và xem đây là loài cây chủ lực của tỉnh. Hiện tre, luồng được sử dụng làm nguyên liệu giấy, vật liệu xây dựng, ván ép, tăm, mành, đũa xuất khẩu; làm đồ trang trí, mỹ nghệ, chế biến thành than hoạt tính... Thanh Hóa có 50 cơ sở chế biến tre, luồng nhưng phần lớn là sơ chế, sản xuất bột giấy nên giá trị xuất khẩu sản phẩm từ tre, luồng mới đạt bình quân 2,17 triệu USD/năm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp để nâng cao giá trị, thúc đẩy sự phát triển cây luồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế và phát triển tre luồng bền vững. Theo đó, tăng cường sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc phát triển vùng nguyên liệu tre, luồng. Quản lý và phát triển bền vững rừng tre, luồng trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đặc tính sinh thái, điều kiện lập địa, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc