Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nghề mộc Liên Hà vươn xa

Thứ Tư 15/03/2023 | 10:09 GMT+7

VHO- Có truyền thống làm mộc từ lâu đời, với hàng trăm xưởng sản xuất đồ mộc lớn, nhỏ cung cấp sản phẩm cho thị trường cả nước, làng nghề mộc Liên Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) không chỉ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, mà còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

 Sản phẩm mộc của làng nghề Liên Hà được khách trong và ngoài nước biết tới

Làm giàu trên chính quê hương

Không ai rõ làng mộc Liên Hà có từ bao giờ, chỉ biết đầu làng có một ngôi miếu nhỏ thờ tổ nghề, mỗi năm vào ngày giỗ tổ, người dân trong làng lại mang lễ vật ra miếu dâng cúng để tưởng nhớ công ơn người đã mang đến cái nghề ấm no cho con cháu và cũng là để quây quần tụ hội với nhau, chia sẻ những kinh nghiệm làm mộc.

Nói về sản phẩm của làng mộc Liên Hà, phải kể đến các đồ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ... được chế tác từ các loại gỗ lim, sồi, hương đá... Trước đây, những sản phẩm này được chế tác hoàn toàn thủ công, chính đôi bàn tay người thợ sẽ bào, đục, chạm trổ trên những thớ gỗ để cho ra những sản phẩm tinh xảo. Nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện nay máy móc đã thay thế rất nhiều cho bàn tay con người. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm của làng mộc Liên Hà, trước khi đưa ra thị trường cũng phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ đến chạm trổ hoa văn, họa tiết, phun sơn, mà phần nhiều phải phụ thuộc vào kinh nghiệm và tính cần mẫn, tỉ mỉ của người thợ.

Ông Nguyễn Văn Khải, Phó ban quản lý làng nghề mộc Liên Hà cho biết, làng nghề đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Những người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, người không có năng khiếu với nghề thì vận chuyển hàng. Sức yếu hơn nhưng chịu khó, tỉ mẩn như phụ nữ và những người lớn tuổi đánh giấy ráp, thu gom phế liệu, mùn cưa đem bán. Kể từ khi làng nghề được hồi sinh, hàng nghìn người dân trong làng không còn phải đi tứ xứ kiếm kế sinh nhai. Làng nghề này còn giải quyết được cả vấn đề việc làm cho người dân xã lân cận và hàng trăm thợ từ tỉnh khác đến như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định... Từ chỗ dân nghèo ngày lo hai bữa không no, nay người dân Liên Hà nhiều nhà đã khá giả, có của ăn của để.

Vừa là chủ xưởng mộc, cũng là một trong những tay thợ có 25 năm kinh nghiệm ở làng nghề Liên Hà, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, xã Liên Hà có 3 thôn đều làm nghề mộc, với hơn 500 hộ tham gia sản xuất. Bình quân 1 thợ mộc chính sẽ kéo theo 4 lao động phụ, làng nghề mộc đã giải quyết được việc làm cho hơn 2.000 lao động hằng năm. Với sự phát triển của làng nghề những năm gần đây, các hộ có cơ sở sản xuất lớn hầu hết đều phải thuê lao động ở ngoài địa phương với mức lương dao động đối với thợ chính 12 - 15 triệu/tháng, lao động phụ từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. “Xưởng nhà tôi thuê 6 người thợ nhưng thời điểm cuối năm vừa rồi vẫn rất bận, có khi phải tăng ca đến 10 giờ tối để kịp trả hàng cho khách. Hiện nay xã cũng đã tuyên truyền các hộ sản xuất ký hợp đồng lao động với người lao động và đóng BHXH, BHYT cho người lao động để họ được hưởng các chính sách, quyền lợi của mình”, ông Dũng cho hay.

 Máy móc được sử dụng để tăng năng suất lao động

Mở rộng thị phần, khẳng định giá trị thương hiệu

Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề của thôn Thượng Thôn, chủ trương tái lập và phục dựng lại làng nghề mộc Thượng Thôn, xã Liên Hà. Năm 2008 bắt đầu giao đất cho các hộ đi vào hoạt động, tổng diện tích quy hoạch là 9,6 ha và 266 hộ sản xuất. Đến năm 2018, Đảng ủy xã tiếp tục cho mở rộng 9,5 héc ta đất khu đồng Khoải, nâng tổng diện tích làng nghề lên thành 19,1 ha và giao đất thêm cho 170 hộ sử dụng.

Từ khi phát triển Cụm công nghiệp làng nghề, thị trường trong nước dần ổn định, các hộ sản xuất tìm hướng mở rộng thị phần, xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Để giúp người dân mở rộng thị trường, xã đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Viện Lâm nghiệp châu Âu tập huấn kiến thức cho các hộ sản xuất kiến thức sản xuất và tìm hiểu thị trường xuất khẩu. Đồng thời tổ chức các chuyến thăm quan các công ty, cơ sở sản xuất ở các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Tham gia, tham dự các hội chợ quốc tế về chuyên ngành đồ gỗ.

Từ khi có thị trường rộng lớn, hàng hóa sản xuất và tiêu thụ được nhiều, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Nhiều nhà cao tầng khang trang được xây mới, đường làng ngõ xóm được quy hoạch ngăn nắp, sạch sẽ, môi trường sinh thái được chú trọng đầu tư. Xã cũng chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, hệ thống chiếu sáng, khu vui chơi giải trí tập trung của xã, trồng cây xanh nơi công cộng phục vụ nhu cầu nhân dân.

Để khẳng định giá trị thương hiệu đồ gỗ của làng nghề mộc Liên Hà, ông Nguyễn Hữu Thinh, Phó Chủ tịch xã Liên Hà cho biết, xã đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội lập dự án xây dựng logo nhận diện thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Hiện nay UBND xã đã và đang chỉ đạo Hội làng nghề Mộc đăng ký bản quyền thương hiệu và triển khai các cơ sở sản xuất tham gia đăng ký và sản xuất sản phẩm theo logo nhận diện thương hiệu nhằm xây dựng thương hiệu sản phản phát triển bền vững.

Hy vọng với sự phát triển đồng bộ và sự vươn lên của các hộ sản xuất, trong tương lai làng nghề mộc Liên Hà sẽ trở thành thương hiệu gỗ uy tín, điểm đến tin cậy của khách hàng trên mọi miền Tổ quốc. 

 THƠM NGUYỄN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top