Độc đáo múa Chăm “thánh nữ” tại Tháp Bà Ponagar

VHO- Tỉnh Khánh Hòa đã đưa đội múa Chăm vào trình diễn thường xuyên tại di tích Tháp Bà Ponagar ở TP Nha Trang để phục vụ người dân và du khách. Những vũ điệu múa Chăm do đội múa này trình diễn luôn quyến rũ, làm say lòng biết bao du khách trong nước và quốc tế khi đến với phố biển Nha Trang.

Độc đáo múa Chăm “thánh nữ” tại Tháp Bà Ponagar - Anh 1

Độc đáo điệu múa Apsara

 Đến với Tháp Bà Ponagar những ngày này, bất cứ lúc nào du khách cũng có thể được “mục sở thị” các hoạt động múa Chăm từ đội múa “thánh nữ” gồm múa quạt, múa đội lu, múa đạp lửa, múa âm dương, múa Apsara… Bằng những điệu múa trên nền nhạc truyền thống, người Chăm thể hiện tâm tư tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động… Theo đó tại đây sẽ luôn có đội múa Chăm của các “thánh nữ” biểu diễn hằng ngày phục vụ du khách, chỉ trừ những hôm mưa, gió. Có lẽ đây là nơi duy nhất ở miền Trung không chọn người Việt múa Chăm và không sử dụng “sân khấu hóa” múa Chăm.

Sau một thời gian đưa múa Chăm vào hoạt động ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang, đội múa Chăm “thánh nữ” đã thực sự gây ấn tượng mạnh với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Cụ thể, không ít câu chuyện du khách lên tháp nhưng không thấy múa Chăm nên bày tỏ sự hụt hẫng. Được xem là đội múa Chăm “thánh nữ” bởi các thiếu nữ Chăm trong đội múa có tuổi đời từ 16-20 và phần lớn được tuyển chọn từ huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Điều đặc biệt, tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn họ phải là thiếu nữ Chăm chưa lấy chồng, rất xinh đẹp được ví là “thánh nữ”, những em trong đội múa nếu lấy chồng thì phải dừng công việc này.

Trao đổi với chúng tôi, em Sử Ngọc Thanh Thùy (thiếu nữ Chăm, 20 tuổi, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết, đến nay em đã tham gia đội múa ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang được gần 4 năm. Được múa tại Tháp phục vụ du khách em cảm thấy rất vui và tự hào về điệu múa dân tộc mình. Theo em Sử Ngọc Thanh Thúy, ngay từ thuở còn rất nhỏ em đã được các thầy trong làng Chăm cho làm quen với múa, tham gia văn nghệ ở trong làng. Có những điệu múa truyền thống rất khó như điệu Apsara hay Siva… thì thầy phải dạy chúng em từng đoạn, từng động tác, từng điệu. Qua quá trình tập luyện rất dài múa Chăm cũng đã ăn sâu vào tâm hồn và trở thành thân thuộc đến mức không thể thiếu.

Độc đáo múa Chăm “thánh nữ” tại Tháp Bà Ponagar - Anh 2

 Tháp Bà Ponagar thu hút du khách tham quan

Ông Vạn Ngọc Chí (một người nghiên cứu văn hóa Chăm, làng Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận) cho biết, văn hóa Chăm, đặc biệt là múa Chăm rất độc đáo nên du khách thích thú ngay lần đầu tiên thấy điệu múa này là điều dễ hiểu. Trong âm nhạc truyền thống, người Chăm có nhiều loại nhạc cụ nhưng có 3 loại chính, đó là trống Ghi năng, trống Paranưng và kèn Sranai. Hiện nay, cả 3 nhạc cụ này đều được đưa vào diễn tấu, phục vụ cho du khách tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Đến khu di tích này, du khách sẽ nhận thấy những điệu múa Chăm “không sân khấu hóa” mà được thể hiện mộc mạc. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tháp Bà Ponagar được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm. Đây là nơi thờ Thiên Y Thánh mẫu Ana, được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ. Tháp là công trình kiến trúc có giá trị rất lớn về văn hóa, đồng thời là nơi để du khách đến tham quan du lịch. Chính vì những yếu tố đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đưa đội múa Chăm cùng các nhạc cụ của người Chăm múa ở dưới chân của Tháp Bà Ponagar.

Chúng tôi “không sân khấu hóa” múa Chăm để giữ được “cái hồn” của người Chăm trong các bài múa. Từ đó tạo sự lan tỏa văn hóa của người Chăm cũng như người Việt đến du khách quốc tế. Mỗi năm, Tháp Bà Ponagar đón hơn triệu lượt du khách trong nước, quốc tế tới tham quan, đặc biệt là thưởng thức các vũ điệu múa Chăm tại đây. 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc