Giáo viên lên TikTok khoe "quyền lực”: Đừng làm tổn thương học trò vì thiếu hiểu biết

VHO- “Hiện tại lớp đang rất ồn, mình sẽ cho các bạn biết quyền lực của một giáo viên là như thế nào”; “Quyền lực của giáo viên chủ nhiệm” hay “Uy lực của giáo viên”… hiện đang là những câu nói, tiêu đề xuất hiện nhan nhản ở các clip được một số nhà giáo đăng tải trên nền tảng TikTok.

Giáo viên lên TikTok khoe

TikTok tràn ngập clip giáo viên thể hiện “uy quyền”

 Theo chuyên gia tâm lý giáo dục và chính những giáo viên trong nghề, hành động đó thực sự phản cảm, phản giáo dục. Thậm chí, một số cá nhân còn vi phạm pháp luật khi để lọt hình ảnh học sinh vào các clip đăng tải khi chưa có sự đồng ý của phụ huynh.

Vô tư thể hiện “quyền lực”

Khi phóng viên Văn Hóa tìm kiếm từ khóa “quyền lực của giáo viên” trên thanh công cụ TikTok, kết quả cho ra sẽ là hàng chục clip với nội dung “Đố dám nói tiếp”, “Quyền lực của giáo viên nè” hay “Uy lực độc quyền của cô giáo”… Trong các clip, đa phần các nhân vật đều cố gắng chứng minh “uy quyền” của giáo viên khi chỉ với một câu nói, học sinh trong lớp phải yên lặng; hoặc thích quay học sinh là quay.

Cô giáo tên Linh, chủ sở hữu tài khoản TikTok “colinh_maylangthang” là một trong những giáo viên thường xuyên đăng tải clip học sinh của mình lên trang cá nhân. Cô này thường quay clip cận cảnh lúc học sinh đang học bài, bị phạt hay ngay cả lúc các em chuẩn bị chỗ nằm để ngủ trưa. Hay trong một clip của tài khoản TikTok “Cô Hà hiền lắm”, hình ảnh cô giáo chỉ với câu nói “Chép bài bằng tay hay chép bài bằng mồm” khiến lớp phải im lặng cũng thu hút nhiều lượt xem. Ngoài những bình luận cho rằng cô đang cố tình đăng clip để câu view thì nhiều người cũng đặt dấu hỏi về việc giáo viên mải mê quay TikTok trong giờ học có khiến chất lượng tiết học đi xuống hay không?

Không những vậy, với những hình ảnh để lộ học sinh lên mạng, giáo viên đó ngoài việc trở thành nạn nhân của những chỉ trích tiêu cực thì còn có thể đang vi phạm pháp luật. Cô giáo Tâm Trần, người có clip chia sẻ về việc “cô bị áp lực, không dạy nổi” từng ăn “gạch đá” vì cố tình đăng tải hình ảnh học sinh lên mạng dù các em thể hiện rõ thái độ ngượng ngùng, không muốn xuất hiện trong clip. Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ khi cô giáo này đi vòng quanh lớp, đưa camera quay cận mặt rồi chỉ đích danh học sinh này là con của ai. “Đây, con của Thư ký hội đồng trường. Tiếp đến con của Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh. Bỏ quạt xuống cho mọi người thấy mặt đi con, đây con của Hiệu trưởng…”, cô vô tư bình luận trong clip thu hút gần 4 triệu lượt xem của mình. Bị chỉ trích gay gắt, cô Tâm đã phải tắt tính năng comment...

Học sinh phải được tôn trọng

Trao đổi với Văn Hóa, ThS Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam khẳng định, trong môi trường giáo dục, không tồn tại hai chữ “quyền lực” giữa giáo viên và học sinh. “Tôi đồng ý giáo viên phải giữ kỷ luật trong lớp học. Nhưng việc này phải được thực hiện dựa trên phương pháp giáo dục khoa học chứ không phải… quay TikTok. Đây là hành động thái quá, thậm chí phản cảm. Trong một số trường hợp, nếu cá tính của học sinh trong lớp đó mạnh, cùng với việc các em đang ở độ tuổi đang có nhiều biến động tâm lý thì giáo viên có thể nhận lại những phản ứng tiêu cực; thậm chí là các hành động chống đối”, ThS Vũ Thu Hà nêu.

ThS Vũ Thu Hà cho biết thêm: “Nhiệm vụ của giáo viên là giảng dạy kiến thức, cùng với đó là định hướng, khuyến khích học sinh phát triển nhân cách theo hướng chân, thiện, mỹ. Việc giáo viên quay TikTok trong giờ học như vậy là đang làm sai vai trò, trách nhiệm của mình. Cùng với đó, giáo viên cũng không nên để nền tảng này chi phối quá nhiều thời gian, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”.

Hơn 20 năm trong nghề, cô giáo Phạm Thị Huyền Trang (Trường Tiểu học Tứ Liên, Hà Nội) thể hiện sự trăn trở khi một số giáo viên đang thiếu tôn trọng học sinh: “Các em cần được tôn trọng. Khi học sinh hay phụ huynh không đồng ý quay clip có xuất hiện hình ảnh cá nhân thì giáo viên không được phép thực hiện. Bản thân tôi khi muốn quay clip để lưu trữ, nghiên cứu thêm về phương pháp giảng dạy trong các tiết học cũng phải được sự đồng ý của các em”. Cô Trang cũng nêu rõ, pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về việc bảo mật thông tin, đảm bảo sự riêng tư của trẻ trên môi trường mạng thì các giáo viên buộc phải tuân thủ. Việc một số cá nhân đi ngược lại những quy định này đang thể hiện sự thiếu hiểu biết, khiến công chúng đánh giá không chính xác về hình ảnh nhà giáo.

Cô Nguyễn Mai Anh, giáo viên Trường quốc tế The Dewey Schools (Hà Nội) còn bày tỏ nghi ngờ về tính xác thực của các clip. Cô cho rằng, dù là tự nhiên hay “diễn xuất”, giáo viên cũng không nên làm như vậy: “Sau này khi xem lại clip, các em sẽ nghĩ như thế nào về việc lỗi sai của mình bị công chúng hóa trên mạng? Tâm lý tổn thương là khó tránh khỏi, nguy hiểm hơn là học sinh có thể sợ đi học, mất niềm tin vào giáo viên. Muốn giáo dục hiệu quả thì giáo viên phải áp dụng những giải pháp khoa học và hướng các em đến những giá trị tích cực; khen công khai khi các em làm tốt, góp ý riêng khi các em mắc lỗi”. 

 Trong bối cảnh mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều nội dung xấu, độc, phản cảm, đoàn liên ngành gồm Bộ TT&TT, Bộ Công thương và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam vào tháng 5 tới. Nội dung cuộc thanh, kiểm tra sẽ gồm các phương diện pháp lý, kỹ thuật và thương mại của nền tảng này khi hoạt động tại Việt Nam, trong đó có vấn đề phân phối nội dung và quảng cáo.

 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc