Về bài “Danh thắng quốc gia Kim Sơn bị “bào mòn” bởi tình trạng khai thác đá”: Báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc nói gì?

VHO- Danh thắng quốc gia Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) với 29 ngọn núi có chiều dài khoảng 3.000m, chiều cao hơn 500m và một hệ thống hang động tuyệt đẹp dài khoảng 2 km được người dân phát hiện vào năm 1919. Danh thắng này không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị địa lý, kiến tạo, địa chất, là nguồn tài nguyên tự nhiên để phát triển loại hình du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh.

Về bài “Danh thắng quốc gia Kim Sơn bị “bào mòn” bởi tình trạng khai thác đá”: Báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc nói gì? - Anh 1

 Cận cảnh Danh thắng quốc gia Kim Sơn nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác đá

 Tuy nhiên, hiện nay xung quanh khu vực khu danh thắng này có một số mỏ đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chỉ cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích gần nhất là 50m và xa nhất là 550m đang khiến cho khu danh thắng này tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng và phá vỡ cảnh quan di tích.

Liên quan đến bài “Danh thắng quốc gia Kim Sơn bị “bào mòn” bởi tình trạng khai thác đá (số 3854 ra ngày 17.3), sau chỉ đạo “nóng” của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng tại văn bản số 3654/UBND-VX ngày 21.3, mới đây, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có báo cáo kết quả phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin Báo Văn Hóa phản ánh. Cụ thể, xung quanh khu vực di tích, danh thắng quốc gia Kim Sơn huyện Vĩnh Lộc hiện có các mỏ đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác gồm: Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh, Công ty TNHH MTV Quỳnh Kim, Công ty CP Vận tải thủy bộ và Thương mại Hương Xuân, cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 200m; khu vực núi Nhót thuộc xã Vĩnh An là Công ty cổ phần Toàn Minh và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Sơn cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 50m và động nước Kim Sơn khoảng 800m theo hướng Tây Nam; khu vực núi Côn Sơn, thuộc xã Minh Tân là Công ty TNHH Sản xuất đá Thái Bình Dương và Công ty TNHH SX-TM Tuấn Linh, cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 550m; khu vực mỏ tại xã Minh Tân và Vĩnh An là doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm và khu mỏ cấp cho Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Thịnh Phát tại xã Vĩnh An cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 300m. Khu vực mỏ đá vôi là doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm và Công ty TNHH MTV Quỳnh Kim nằm cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 50m.

Về nội dung phản ánh của Văn Hóa trên con đường dẫn vào khu danh thắng Kim Sơn có rất nhiều xưởng chế biến đá, đường bụi mù mịt và đang xuống cấp với nhiều ổ trâu, ổ voi khắp nơi… gây nguy hiểm cho người dân và du khách”, “hằng ngày việc khai thác đá hoạt động gây tiếng ồn, tiếng rung do nổ mìn” báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc nêu rõ là có cơ sở. Nội dung này đã được UBND huyện Vĩnh Lộc yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản khẩn trương khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng cục bộ trên tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông. Đối với 15 xưởng chế tác đá, hiện tại UBND huyện Vĩnh Lộc đang tập trung chỉ đạo chủ đầu tư là Công ty TNHH BNB Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng cụm công nghiệp Vĩnh Minh để di dời các xưởng chế biến đá vào cụm công nghiệp, đảm bảo cảnh quan, môi trường xung quanh khu di tích, danh thắng núi Kim Sơn.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, căn cứ kết quả kiểm tra, hiện nay huyện đang chỉ đạo các xã Vĩnh An, Minh Tân cùng các đơn vị khai thác khoáng sản có liên quan khẩn trương sửa chữa các vị trí hư hỏng trên tuyến đường từ Quốc lộ 217 đi vào khu di tích; yêu cầu các đơn vị khai thác đúng phạm vi được cấp phép, thực hiện đảm bảo các quy định khác về môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn, vận chuyển đúng tải trọng; thường xuyên tưới nước, tu sửa đường vận chuyển, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo đúng phương án đã được thẩm định, phê duyệt, tránh làm ảnh hưởng đến khu danh thắng Kim Sơn và đời sống của người dân xung quanh khu vực.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với huyện để đánh giá cụ thể các yếu tố ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến Khu danh lam thắng cảng quốc gia núi Kim Sơn, từ đó đó làm cơ sở để huyện Vĩnh Lộc thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong thời gian tiếp theo. 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc