Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023: “Ngày hội về nguồn” của dân tộc

Thứ Hai 24/04/2023 | 10:34 GMT+7

VHO- Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ 2023 cùng các hoạt động quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra tại TP Việt Trì (Phú Thọ).

 

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”

Một không gian đậm đặc những giá trị văn hóa, di sản được thế giới vinh danh, cùng sự hiện diện của hàng trăm nghệ nhân, chủ thể của 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã hội tụ về vùng đất Tổ trong những ngày này. Chương trình do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức.

Sức mạnh Việt Nam

Phát biểu tại đêm khai mạc Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, truyền thống đạo hiếu của người Việt đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, để đến ngày này, triệu triệu con tim Việt Nam trong và ngoài nước cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng, nơi khởi nguồn Tổ quốc để thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam gắn liền truyền thống nông nghiệp lúa nước; ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Cùng với 14 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa ở mọi miền Tổ quốc. Chuỗi sự kiện sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt, đây là dịp để nhìn lại chặng đường Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước 2003. Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giữ gìn, xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh thông điệp của tiền nhân tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa cộng đồng, có sự độc đáo trên thế giới. Tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, chúng ta cũng ý thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa truyền thống cộng đồng. Giá trị văn hóa chỉ trường tồn khi trở thành nét truyền thống, một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt Nam.

Khẳng định trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, phục hồi, phục dựng và trùng tu các di sản văn hóa; kêu gọi sự chung tay, góp sức phát huy các giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản phi vật thể khác…, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa; đưa tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực phát triển đất nước. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa quốc gia và con người Việt Nam, phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp Việt Nam cùng với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng và triển khai Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Đồng thời, thực hiện kiểm kê di sản văn hóa và dữ liệu hóa di sản văn hóa; lập bản đồ di sản trên nền tảng số… Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục đầu tư nguồn lực nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội để bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ, phong phú, đa dạng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ văn hóa tầm chiến lược, văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật trong nhà trường các cấp. Đánh giá cao sáng kiến kết nối các di sản văn hóa phi vật thể nhân dịp Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm nay, Phó Thủ tướng chia sẻ mong muốn UNESCO, các tổ chức quốc tế và đối tác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn, vinh danh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, với quyết tâm đưa tinh thần Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng về văn hóa vào cuộc sống thông qua các hoạt động thiết thực, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ. Theo Thứ trưởng, các di sản văn hóa Việt Nam trong những năm qua đã lần lượt được nhận diện giá trị, xếp hạng, ghi danh để bảo vệ và phát huy giá trị; góp phần duy trì, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, di sản văn hóa góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thứ trưởng khẳng định, Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam là “Ngày hội về nguồn” của cả dân tộc. Đây cũng là hoạt động cụ thể, thiết thực đưa tinh thần Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng về văn hóa vào cuộc sống; làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao lưu với các nghệ nhân

Nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản - ký ức nhân loại

Tháng 9.2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, điểm đáng tự hào là sau những nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đề nghị và được Ủy ban Liên chính phủ đồng ý đưa di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đối với di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ...

Chứng kiến và chia sẻ niềm vui của cộng đồng các nghệ nhân, chủ thể 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh tại ngày hội chung này, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart khẳng định, di sản văn hóa phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống con người trên thế giới, giúp chúng ta cảm nhận mình là một phần trong xã hội. Để di sản sống được chuyển giao cho các thế hệ mai sau, di sản cần được coi trọng và đánh giá đúng. Công ước 2003 chính là công cụ thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Trong chưa đầy 2 năm sau đó, Việt Nam là quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước và hiện đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh. Điều này đã thể hiện rõ những nỗ lực, trách nhiệm của Việt Nam đối với di sản văn hóa, một phần ký ức của nhân loại. Theo ông Christian Manhart, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO khi luôn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong bối cảnh phức tạp của cộng đồng quốc tế hiện nay. Với thành công này, Việt Nam đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của UNESCO. Việt Nam cũng cho thấy có thể chia sẻ bài học về thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa.

 Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và các đại biểu tại Diễn đàn

Để di sản trở thành nguồn lực bất tận

Sự thăng hoa của những giá trị di sản tại ngày hội chung, khi Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Xòe Thái, dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… cùng tỏa sáng đã không chỉ nhân lên niềm tự hào ở mỗi nghệ nhân, chủ thể di sản mà còn khẳng định sức hút, giá trị của nguồn lực bất tận cho sự phát triển bền vững được tạo nên từ những “kho báu” vô giá này.

Điều đó một lần nữa lại được khẳng định qua những góc nhìn tại “Diễn đàn bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”, diễn ra sáng 22.4, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Lễ hội đền Hùng năm 2023. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ, các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh, được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế. Trước dịch Covid-19 bùng phát, chỉ riêng tại 8 di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách, doanh thu khoảng 1.776 tỉ đồng; năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu khoảng 2.322 tỉ đồng. “Đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững.

Cũng theo Thứ trưởng, những đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua được UNESCO và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tại buổi hội kiến với Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội vào ngày 6.9.2022, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã bày tỏ ấn tượng về chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa, công nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc coi trọng chính sách văn hóa, gìn giữ và phát huy di sản. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3.2023, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo đã nói Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vàmong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.

 Màn trình diễn “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, di sản văn hóa và thiên nhiên được xem là tài nguyên chính, phục vụ cho phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua du lịch và các chính sách của nhà nước, đã giúp mang đến lợi ích cho cộng đồng được hưởng lợi từ di sản văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước. Các khu di sản ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng cho rằng, di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực quý giá, tạo ra động lực, thương hiệu, sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam. Các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản đã được ghi danh quốc gia và quốc tế đều trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch, mang đến cho Việt Nam nhiều giải thưởng quốc tế, gần đây nhất là bình chọn “Điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022.

Khẳng định tiềm năng của du lịch Việt Nam từ di sản, tuy nhiên, GS Aaron Ahuvia, Đại học Michigan, chuyên gia hàng đầu thế giới về tình yêu thương hiệu chỉ ra rằng, Việt Nam cần có cách để biến những khách du lịch đến một lần thành những người yêu quý Việt Nam, quay lại nhiều hơn và lan tỏa niềm yêu thích về văn hóa và con người Việt Nam. Bởi, việc nuôi dưỡng tình yêu thương hiệu của du khách đối với Việt Nam có thể giúp đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược này, đưa Việt Nam đi trên con đường bền vững. 

 Đặc biệt, đây là dịp để nhìn lại chặng đường Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước 2003. Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

(Phó Thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ)

 HÀ PHƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top