Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đột phá thể chế, chính sách cho văn hóa phát triển (Bài 1):  Ở đâu quan tâm đầu tư cho văn hóa, ở đó có sự phát triển

Thứ Hai 24/04/2023 | 10:48 GMT+7

VHO- LTS: Quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đã được chỉ rõ trong các Nghị quyết của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. 
Tròn một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hội thảo Văn hóa năm 2022 đã đề cập những vấn đề quan trọng: “Thể chế, chính sách và phát triển nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Trong loạt bài này, Văn Hóa trở lại câu chuyện đầu tư cho văn hóa, yếu tố then chốt cần được “cởi trói”, khơi thông để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của văn hóa. 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan quần thể danh thắng Tràng An (6.9.2022)  

 Từ thực tế ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, có thể thấy, chỉ khi nào văn hóa được nhận thức một cách đầy đủ, quan tâm thực sự, dành nguồn lực xứng đáng mới có thể phát huy được các giá trị và đóng góp vào sự phát triển bền vững. 
Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo văn hóa năm 2022 nhấn mạnh, phải hoàn thiện thể chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu kiến tạo và chấn hưng, phát triển văn hóa. 
Nguồn lực để phát triển, chấn hưng văn hóa còn nhiều “điểm nghẽn”
Chúng tôi về Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá văn hóa, di sản Việt Nam, nhiều năm qua cũng được nhắc đến là một điển hình mẫu mực trong phát huy giá trị di sản hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 
Còn nhớ, trong Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới tại Ninh Bình, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên. Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ. Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ nhưng cần đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có. Cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ở Việt Nam và như mô hình mẫu mực của Tràng An”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ, Khu du lịch sinh thái Tràng An là một ví dụ điển hình cho cơ chế, mô hình hợp tác công - tư với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Đây cũng là nơi khai thác, phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch hàng đầu của tỉnh hiện nay. Hợp tác công - tư trong bảo tồn di sản ở Ninh Bình được thực hiện thông qua phát triển du lịch có trách nhiệm, dựa trên nền tảng các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Danh thắng Tràng An. Từ đó, biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả. “Ninh Bình luôn nhận thức di sản là tài sản, nhiều năm qua, các thể chế, chính sách tạo nguồn lực cho phát triển ở Ninh Bình được chú trọng; đặc biệt, những vướng mắc “trói buộc” trước đây đều được tìm cách tháo gỡ…”, ông Mạnh cho biết. Ninh Bình cũng là một trong những địa phương chú trọng bảo tồn, phát huy truyền thống, giá trị di sản để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, chất lượng cao, có thương hiệu. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2021-2030.

 Ninh Bình xác định phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các thiết chế văn hóa cổ xưa là nhiệm vụ trọng tâm 

Câu chuyện đầu tư cho văn hóa ở đất cố đô được Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường đã mang đến sự bất ngờ: “Ninh Bình là một trong những địa phương thực sự quan tâm đến văn hóa và dành nguồn lực đáng kể để phát triển văn hóa. Trong khi các địa phương đang chỉ dành khoảng 1,6-1,7% ngân sách nhà nước cho văn hóa, phấn đấu lên 1,8-2% thì Ninh Bình, một tỉnh tự chủ về ngân sách đã dành 3,3% ngân sách sự nghiệp cho văn hóa. Vốn đầu tư công trung hạn cho văn hóa hàng năm ở Ninh Bình giai đoạn này lên tới 20%”. “Ninh Bình luôn chú trọng việc hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Khó ở đâu, gỡ ở đó, tạo mọi điều kiện để văn hóa phát triển. Chúng tôi đã báo cáo thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục hoàn thiện, khai thác và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế này”, ông Cường nhấn mạnh. 
Minh chứng cho thấy hiệu quả từ sự quan tâm đầu tư cho văn hóa có thể được thấy ở nhiều nơi, nhiều địa chỉ cụ thể tại Ninh Bình. Đưa chúng tôi tới nhà văn hóa phố Khánh Minh (TP Ninh Bình), cán bộ của Sở VHTT Ninh Bình cho biết, ở Ninh Bình rất nhiều thôn, xóm, đường phố có nhà văn hóa đẹp, đầy đủ như thế này. Trước mắt chúng tôi là một cơ ngơi khang trang; bên trong đầy đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, sân khấu... Liền kề là một sân thể thao rộng lớn, cỏ được chăm sóc cẩn thận. Đây là nơi vui chơi, luyện tập thể thao thường xuyên của người dân trong khu phố. Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 1.599/1.679 thôn, xóm, bản, làng, phố, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 95,20%). Các nhà văn hóa cấp thôn, xóm thường gắn với sân thể thao, có diện tích chung từ 400m2 trở lên, quy mô nhà văn hóa có sức chứa 80 chỗ ngồi, có sân khấu trong hội trường, sân thể thao đơn giản từ 250m2 trở lên. Cơ bản các nhà văn hóa đều có đủ bàn ghế, âm thanh, tủ sách, bộ trang trí khánh tiết, tranh ảnh phục vụ tuyên truyền, các bảng tin, nội quy hoạt động. Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình được đầu tư, xây dựng mới theo Nghị quyết số 42/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên diện tích 6.453m2 với kinh phí 200 tỉ đồng, sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng cuối năm 2023 nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ về văn hóa của nhân dân, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. 
Tuy nhiên, ông Cường cũng trăn trở, các nhà văn hóa cấp thôn, xóm, phố, tổ dân phố chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ khi xây dựng, còn lại chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa huy động nhân dân đóng góp. Do khó khăn về kinh phí nên trong quá trình đầu tư, các trang thiết bị không được đồng bộ, nhiều trang thiết bị sử dụng từ nhiều năm đã xuống cấp, chưa được thay thế bổ sung. Hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; kinh phí tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn bỏ ngỏ, nơi có hỗ trợ, nơi không... cũng gây khó khăn cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo Văn hóa năm 2022, lĩnh vực văn hóa càng được tỉnh Ninh Bình chú trọng đầu tư nhiều hơn. Năm 2022, mức chi cho sự nghiệp văn hóa, thể thao là 211.522 triệu đồng. Ninh Bình cũng ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và các thiết chế văn hóa thể thao của tỉnh. Vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bố trí 338.226 triệu đồng. 
“Quan trọng nhất vẫn là nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát  triển. Trong thực tế hiện nay vẫn cần các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa. Cơ chế tài chính phải thật sự tạo động lực, cởi mở, tháo gỡ những “trói buộc” để khuyến khích sự sáng tạo mới có thể thu hút được các chủ thể tham gia. Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là vô cùng cần thiết, để văn hóa là một trong các trụ cột phát triển bền vững đất nước”, Giám đốc Nguyễn Mạnh Cường cho hay. 

 Khu du lịch sinh thái Tràng An là ví dụ cho cơ chế, mô hình hợp tác công - tư

Văn hóa chưa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội 
Không như ở Ninh Bình, thực tế đầu tư cho văn hóa ở Hà Giang, Cao Bằng cho thấy khoảng cách phát triển, mức hưởng thụ văn hóa khá xa. Nhiều thôn, xóm, bản, làng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới phía Bắc không xây dựng nổi nhà văn hóa vì không có đất, hoặc có đất rồi không có tiền xây, xây xong rồi thì “rỗng ruột”. Các CLB dân ca, dân vũ thành lập rất khó khăn nhưng không có kinh phí hoạt động. Nhiều làng nghề truyền thống thất truyền; nghệ nhân dần vắng bóng. Di tích, thiết chế văn hóa xuống cấp không có kinh phí tu bổ, tôn tạo. Di sản phi vật thể ngày càng mai một... 
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, tỉnh đã có 3 Nghị quyết chuyên đề liên quan đến văn hóa. Trong mỗi Nghị quyết đều có điểm nhấn, quan trọng nhất là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, phát huy những giá trị đó để phát triển kinh tế xã hội, tạo sinh kế cho người dân, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Đồng thời thể hiện rõ quan điểm, không thể chạy theo kinh tế mà làm mất đi giá trị bản sắc văn hóa... Thế nhưng, đầu tư cho văn hóa ở Hà Giang vẫn còn rất khó khăn, hạn chế so với mặt bằng chung cả nước. Hiện nay, những thiết chế văn hóa, thể thao ở vùng sâu vùng xa chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và sự phát triển mạnh mẽ của xã hội. “Chúng tôi rất trăn trở và liên tục báo cáo với Trung ương, tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách tháo gỡ, tuy nhiên những việc này không phải chỉ ngày một, ngày hai là giải quyết được. Có những nơi không có quỹ đất đáp ứng thiết chế văn hóa, thể thao đa năng. Nguồn lực tài chính, con người thiếu trầm trọng. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang rất quan tâm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, tăng đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được khởi động trở lại hoặc có chính sách đặc thù cho vùng biên giới, ít nhất người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng có cơ hội nâng mức hưởng thụ văn hóa, có thêm những thiết chế văn hóa thể thao phục vụ hiệu quả đời sống của đồng bào các dân tộc…”, ông Nguyễn Hồng Hải chia sẻ. 

 Nhà văn hóa phố Khánh Minh (TP Ninh Bình) được xây dựng khang trang, bề thế…

Vấn đề nguồn nhân lực ngành văn hóa hiện nay cũng khiến hầu hết các địa phương trên cả nước quan tâm, thậm chí bức xúc. Đội ngũ cán bộ văn hóa thiếu trầm trọng ở cơ sở. Đa số phải kiêm nhiệm nhiều công việc, hiểu biết về văn hóa hời hợt, kinh nghiệm thiếu, đam mê không có. Trình độ chuyên không đồng đều, trái ngành nghề. Văn hóa là chuyện con người, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lối sống và giá trị của con người. Thế nhưng đâu đó, văn hóa vẫn bị coi là ngành “cờ, đèn, kèn, trống”, “bưng, bê, kê, đặt”, “cắt dán, đóng đinh”... Trước thực tế này, lãnh đạo các địa phương kiến nghị, cần phải có chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện. Ở đó, con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” cho thấy, rõ ràng, ở đâu có sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, bao gồm cả thể chế, chính sách và nguồn lực thì ở đó, có sự phát triển bền vững. Văn hóa đã thực sự đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội hay chưa? Ở nhiều nơi, nhiều lúc, đây vẫn đang là một câu hỏi lớn. 
Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Cần coi phát triển nguồn nhân lực văn hóa là “khâu đột phá” trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách để tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật cả chất lượng, số lượng, cơ cấu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bảo đảm cơ chế, chính sách thuận lợi cho hợp tác đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Bổ sung, hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh một cách xứng đáng cả về vật chất và tinh thần đối với cống hiến thực tế của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ ngành Văn hóa”. 

 “Quan trọng nhất vẫn là nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong thực tế hiện nay vẫn cần các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa. Cơ chế tài chính phải thật sự tạo động lực, cởi mở, tháo gỡ những “trói buộc” để khuyến khích sự sáng tạo mới có thể thu hút được các chủ thể tham gia. Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là vô cùng cần thiết, để văn hóa là một trong các trụ cột phát triển bền vững đất nước” .

 

NGUYỄN ANH - PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top