Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tháo gỡ “điểm nghẽn”để hút khách quốc tế

Thứ Sáu 28/04/2023 | 10:04 GMT+7

VHO- Cần tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong hoạt động đón khách quốc tế, thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; xây dựng sản phẩm theo xu hướng du lịch mới để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

 Đón khách quốc tế tại Sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa)

 Đó là ý kiến của đa số đại biểu đại diện của các doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tại Hội thảo Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế do Báo Văn Hóa phối hợp với một số đơn vị vừa tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Hàng không - du lịch phải tương hỗ

Theo các đại biểu tại Hội thảo, ngành Du lịch chỉ thực sự phục hồi và phát triển khi hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế trở lại sôi động mạnh mẽ. Trước Covid-19, Việt Nam đã có nhiều bài học về sự cạnh tranh điểm đến so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, sau đại dịch đã có rất nhiều thay đổi từ thị trường quốc tế khiến chúng ta phải thật sự nhìn nhận lại cách thức tiếp cận và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc hoàn thiện sản phẩm, cơ sở vật chất đón tiếp du khách, đào tạo lại nhân sự đáp ứng yêu cầu mới của thị trường hậu Covid-19, xúc tiến quảng bá tìm kiếm các thị trường khách quốc tế… thì doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc đồng bộ và có quy mô của các bên liên quan.

Đề cập về sự hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không để phục hồi du lịch, ông Trương Trần Ngọc Hùng, Phó ban tiếp thị bán sản phẩm Vietnam Airlines cho biết: “Cần tạo lập thị trường và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các thị trường khách quốc tế vào Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh điểm đến về thu hút khách quốc tế. Tiếp tục triển khai và công bố chính sách miễn, giảm các loại thuế phí cho đến hết năm 2024 khi thị trường phục hồi hoàn toàn để các hãng hàng không chủ động lập kế hoạch. Cùng đó, giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2023, 2024 như đã áp dụng trong giai đoạn 2020-2021; đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực”.

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi tourism JSC) cho hay, trong du lịch đặc biệt là du lịch quốc tế, các hãng hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối và chất xúc tác để kết nối du khách với điểm đến. Do đó, doanh nghiệp du lịch rất cần sự đồng hành hợp tác chặt chẽ từ phía các hãng hàng không. Sau đại dịch, khả năng chi trả của du khách bị ảnh hưởng khá lớn, nên việc kích cầu bằng các chính sách khuyến mãi của hàng không là yếu tố đặc biệt quan trọng. Với bối cảnh hiện nay, vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế, là một bất lợi lớn trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.

Bà Ngần đặt vấn đề: “Doanh nghiệp lữ hành mong muốn có được sự quan tâm hỗ trợ của các hãng hàng không, nhằm tăng cường liên kết các bên cùng có lợi. Trong đó, hãng hàng không mở đường bay mới, giúp du khách có thêm lựa chọn về sản phẩm mới, tiết kiệm thời gian đi lại; doanh nghiệp lữ hành quảng bá điểm đến mới với thị trường mục tiêu. Đối với các đường bay không có chuyến bay thương mại, khích lệ các doanh nghiệp lữ hành kết hợp với hãng hàng không mở các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) với chính sách ưu đãi, để khuyến khích phong phú đa dạng sản phẩm, thêm lựa chọn mới lạ và ưu thế hơn cho du khách”.

Bà Ngần cũng thẳng thắn: “Nên sáng tạo hình thức khích lệ các sản phẩm mới theo đường bay mới, các hãng hàng không cùng lựa chọn đơn vị lữ hành chiến lược để triển khai sản phẩm mới khác biệt, đặc thù. Nhằm cùng xúc tiến quảng bá chéo để hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tiếp cận thị trường mục tiêu, tạo hiệu quả kinh doanh tối ưu”.

Nên khai thác những điểm mạnh về tài nguyên du lịch

Không chỉ riêng Việt Nam, mà tất cả các quốc gia trên thế giới muốn phát triển du lịch đều chịu ảnh hưởng của chính sách, điều kiện xuất - nhập cảnh quốc tế. Một số công ty lữ hành cho rằng, tại Việt Nam hiện nay còn khá khó khăn do thời gian du khách chờ xét duyệt visa từ 3 đến 5 ngày, thậm chí 7 ngày làm việc. Chưa kể chi phí xét duyệt visa là khá cao, thời gian lưu trú cho phép ở lại ngắn ngày. Thủ tục xuất nhập cảnh tại Việt Nam còn rườm rà, yêu cầu nhiều loại giấy tờ phức tạp so với trước dịch Covid-19. Thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận lý do từ chối hồ sơ. Do đó, du khách gặp phải nhiều khó khăn không đáng có. Đây là những bất lợi điển hình, khiến du khách quốc tế còn nhiều e ngại khi lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho kì nghỉ của mình. Doanh nghiệp du lịch và du khách đều kì vọng vào một chính sách visa thân thiện, cởi mở hơn, nhanh gọn hơn, thuận tiện hơn… để du khách có thể coi Việt Nam là một điểm đến lý tưởng, không còn những rào cản về thời gian hay thủ tục rườm rà. Khi du khách có được trải nghiệm thân thiện, chạm được vào cảm xúc của họ, thì chúng ta có thể xuất khẩu tại chỗ những sản phẩm đặc trưng, mang lại nguồn thu và lợi ích lớn hơn nhiều so với chỉ trông chờ vào phí thu từ thủ tục xuất nhập cảnh.

Đại diện Lux Group chia sẻ, Việt Nam có bốn điểm mạnh về tài nguyên du lịch khác biệt, độc đáo so với các nước trong khu vực là: Văn hóa, thiên nhiên, con người và ẩm thực. Tuy nhiên, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến, quản lý điểm đến và ứng dụng chuyển đổi số lại là những điểm yếu của Việt Nam hiện nay. Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cần cấp thiết tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác quảng bá và xúc tiến một cách hiệu quả. Định vị Việt Nam là một điểm đến di sản văn hóa và thiên nhiên là cần thiết. Trong đó, di sản là khác biệt và khẳng định bản sắc của điểm đến Việt Nam. Việc định vị và cung cấp trải nghiệm độc đáo sẽ giúp du khách đến Việt Nam có trải nghiệm tốt hơn và muốn quay lại nhiều lần.

Đại diện Lux Group cũng cho rằng, ngành Du lịch Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước trong khu vực và một trong các nguyên nhân đó là giá vé rất cao. Ngoài ra, cần đặt khách hàng là trung tâm và phát triển các sản phẩm trải nghiệm mới, sáng tạo, phù hợp với bản sắc dân tộc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

PHAN HIẾU - XUÂN HƯỚNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top