Nhân chứng lịch sử Trại Davis và hồi ức không quên

VHO- Tọa đàm "Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis" vừa diễn ra tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27.1.1973- 27.1.2023), 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2023). Những hồi ức không quên được ôn lại từ các chứng nhân lịch sử, sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc từ nửa thế kỷ trước.

Nhân chứng lịch sử Trại Davis và hồi ức không quên - Anh 1

Các nhân chứng lịch sử ôn lại ký ức tại buổi toạ đàm

Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh- Ban Liên hợp quân sự Trại Davis (Ban liên lạc Trại Davis) và Hội Những người bạn di sản Việt Nam (FVH) tổ chức.

Ký ức về “pháo đài” trong lòng địch

Tọa đàm được tổ chức với mong muốn tri ân, tôn vinh và làm sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam 50 năm về trước và hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban Liên hợp quân sự trong Trại Davis.

Ngày 27.1.1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Đây là một bước tiến dài để chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975. Vấn đề bảo đảm thi hành Hiệp định đặt ra yêu cầu rất cao, nhằm giám sát sự rút quân của Mỹ cũng như việc trao trả nhân viên quân sự và dân sự giữa các bên liên quan.

Để đảm bảo Hiệp định được các bên thực thi nghiêm túc, Điều 16 của Hiệp định quy định, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 4 bên. Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản quân sự mà Hiệp định đã quy định. Phía Việt Nam thành lập hai đoàn đại biểu quân sự gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ ưu tú của các lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris.

Trại Davis nguyên là một trại lính bị bỏ hoang của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP. HCM), là trụ sở của Ban liên lạc Trại Davis và là nơi hai đoàn đại biểu quân sự của ta đóng quân. Để cô lập hai phái đoàn của ta, chính quyền Sài Gòn đã cho rào kín nhiều tầng dây thép gai xung quanh Trại Davis. Bên ngoài, đối phương cho dựng 13 tháp canh gác, chĩa súng vào trại suốt ngày đêm và thực hiện nhiều hoạt động đe dọa nhằm khủng bố tinh thần, gây sức ép với hai phái đoàn của ta.

Nhân chứng lịch sử Trại Davis và hồi ức không quên - Anh 2

Hơn 50 cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis, đại biểu tham dự Tọa đàm

Sau nửa thế kỷ, hơn 50 cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis ngày ấy đã cùng nhau kể lại những câu chuyện về quá trình thực thi Hiệp định Paris. Với họ, những ngày cam go thi hành Hiệp định Paris tại Trại Davis là những ký ức không thể nào quên. Nhiều câu chuyện được kể lại về quá trình đấu tranh trực diện, khôn khéo và quả cảm của các thành viên trong Ban Liên hợp quân sự với chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ ngay từ khi hai phái đoàn của ta đặt chân đến Trại Davis.

Đại tá Đào Chí Công, sĩ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc Hội CCB Ban Liên hợp Quân sự Trại Davis, cho biết, ngay sau khi Hiệp định được ký kết ngày 27.1.1973, Đảng đã điều động lực lượng cán bộ, sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Trại Davis vào ngày 28.1.1973. Đến ngày 30.4.1975, lực lượng Liên hợp quân sự đã đấu tranh cách mạng, thực thi Hiệp định Paris ngay giữa trung tâm đầu não của Việt Nam Cộng hòa. “Chúng tôi bị cô lập trong các dãy nhà mái lợp fibro xi măng, bao quanh là hàng rào thép gai dày đặc. Đồ dùng, bàn ghế bằng sắt, sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng của Sài Gòn… khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, các thành viên trong đoàn vẫn lợi dụng tiếng máy bay lên xuống để cắt sàn nhà, đào hầm trú ẩn. Xẻng cuốc không đủ, chúng tôi phải dùng lưỡi lê, dao găm, cọc màn bằng sắt đập dẹt làm xà beng. Và thế là Trại Davis đã hình thành hệ thống hầm hào, công sự liên hoàn, có hầm chỉ huy, hầm quân y…”, Đại tá Đào Chí Công ôn lại.

Còn với Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc Phái đoàn, ký ức tại các dãy nhà, địch giở các thủ đoạn hòng quấy nhiễu như đặt máy nghe trộm, cắt điện nước. Để bảo đảm bí mật, Ban An ninh của đoàn phải dò tìm nhằm phát hiện và tháo gỡ các thiết bị nghe trộm gắn trong tường. Việc bị cắt nước thì anh em tổ chức đào giếng, bị cắt điện mọi người vẫn bình thản chịu đựng dù phải sống trong những căn nhà lợp fibro xi măng, dưới cái nắng như thiêu đốt.

Nhân chứng lịch sử Trại Davis và hồi ức không quên - Anh 3

Những bức ảnh tư liệu tại Tọa đàm

Sĩ quan chính trị Phạm Văn Lãi ôn lại hồi ức một thời làm nhiệm vụ chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ của ta trong Trại Davis. Cuộc sống dù bị giới hạn bên trong 13 vọng gác của địch, luôn bị chĩa súng vào nhưng các thành viên hai đoàn vẫn rất bình thản. Những hoạt động thể thao như chơi bóng bàn, bóng chuyền, chương trình giải trí âm nhạc, chiếu phim được duy trì đều đặn. Kể cả khi bị gây khó khăn trong việc tiếp tế nhưng tất cả vẫn vui vẻ, lạc quan, phục vụ mục đích lớn nhất là đấu tranh buộc đối phương tuân thủ các điều khoản Hiệp định Paris.

Cho ngày Thống nhất non sông

Sự đấu tranh quyết liệt nhưng khôn khéo của hai phái đoàn ta đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành trao trả tù quân sự và dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh, buộc quân đội Hoa Kỳ và quân đồng minh phải rút hết ra khỏi miền Nam trong thời hạn 60 ngày, yếu tố quan trọng nhất làm chuyển biến tương quan lực lượng trên chiến trường có lợi cho cách mạng, tạo bước ngoặt quyết định để đi đến chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Đào Chí Công nhớ lại, hai đoàn đại biểu quân sự của ta luôn thực hiện nhiệm vụ đàm phán, đấu tranh dư luận- nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Hiệp định Paris ở miền Nam một cách chủ động, tích cực. “Chúng tôi đấu tranh mạnh mẽ thúc đẩy việc hoàn thành trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh, buộc đội quân xâm lược ra khỏi miền Nam đúng thời hạn. Chúng tôi phối hợp và hỗ trợ cho tiếng súng ngày càng mạnh của ta trên chiến trường, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới để tiến hành trận quyết chiến cuối cùng, thống nhất Tổ quốc…”. Ông Công cho biết, hằng tuần, các cuộc họp báo được tổ chức, có sự tham gia của hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế, kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến trên chiến trường, bằng chứng xác thực về hành động của đối phương để thực thi nhiệm vụ...

Nhân chứng lịch sử Trại Davis và hồi ức không quên - Anh 4

Trại Davis, ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Sĩ quan Chính trị Phạm Văn Lãi nhớ mãi ký ức được giao nhiệm vụ cắm cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước Trại Davis. 9h30 sáng ngày 30.4.1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn kéo lên tại tháp nước trong trại Davis. Lá cờ giải phóng tung bay trên đỉnh tháp, từ xa hàng cây số đã nhìn thấy, vừa là vật chuẩn cho pháo binh ta tính toán phần tử bắn chính xác, vừa khích lệ bộ đội ta dũng mãnh xông lên. Quân địch ở Bộ Tổng Tham mưu ngụy tại cổng Phi Long cách đó gần 1 cây số, lính Sư đoàn dù, đơn vị tăng - thiết giáp ngụy đóng gần Trại Davis và tàn quân đang tháo chạy nhìn thấy lá cờ giải phóng, càng thêm hoảng loạn.

Qua 823 ngày đêm tại Trại Davis (28.1.1973 - 30.4.1975), phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao quân sự, đấu tranh bảo đảm việc thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, góp phần làm nên thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 Phó Chủ tịch Hội Những người bạn di sản Việt Nam Stella Ciorra bày tỏ sự cảm kích khi nghe những câu chuyện có giá trị lịch sử mà đến tận hôm nay bà và nhiều người mới được nghe. Bà Stella Ciorra cho rằng, để những câu chuyện này sống mãi với thời gian và lan tỏa sâu rộng hơn nữa, Việt Nam cần xây dựng các bộ phim để công chiếu rộng rãi, giúp cho không chỉ các thế hệ trẻ tại Việt Nam hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, mà còn giúp cho bạn bè thế giới hiểu biết sâu sắc hơn về những khó khăn, gian khổ trong quá trình Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Năm 2017, Trại Davis được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng những dấu tích cũ hiện không còn nữa. Những cựu chiến binh từng có mặt trong 823 ngày đêm tại nơi này bày tỏ mong mỏi có thể phục dựng di tích. Bà Stella Ciorra cũng cho rằng, di tích được phục dựng có giá trị rất lớn trong giáo dục truyền thống lịch sử với thế hệ trẻ.

Tại buổi Tọa đàm, các nhân chứng lịch sử và đại diện các gia đình có người thân tham gia phái đoàn ta tại Trại Davis đã trao tặng lại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử liên quan đến thời gian sống và làm việc tại Trại Davis.

MỘC MIÊN

Ý kiến bạn đọc