Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bàn giải pháp thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến với Việt Nam

Thứ Tư 10/05/2023 | 21:30 GMT+7

VHO- Nằm trong khuôn khổ sự kiện LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ I năm 2023, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi ở Đà Nẵng.

Với sự tham gia của các nhà làm phim, nhà nghiên cứu điện ảnh trong nước và quốc tế, Hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập, đưa ra kế sách thu hút các đoàn làm phim quốc tế tới Việt Nam, Đà Nẵng trong thời gian tới. 

Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi ở Đà Nẵng

Trên thực tế, ngành công nghiệp điện ảnh tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế địa phương, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, thu hút đầu tư và khách du lịch; thúc đẩy các ngành hạ tầng khách sạn, vận tải, ăn uống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim… phát triển. Tuy nhiên vấn đề khó khăn cần giải pháp đồng bộ vẫn là việc cấp giấy phép cho cá nhân, doanh nghiệp, các nhà làm phim khi đến Việt Nam. 

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, thì việc xin giấy phép là quá trình vất vả nhất của đoàn làm phim. “Nếu một ngày đoàn làm phim phải quay hai chỗ thì việc xin giấy phép các sở, ngành rất vất vả làm giảm đi thời gian, năng suất hoạt động. Hy vọng sẽ có cơ chế mới thuận lợi cho các đoàn làm phim, để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Luật điện ảnh đã có chính sách hỗ trợ rồi, còn chính sách hỗ trợ thiết thực là nằm trong tay của các địa phương để áp dụng linh hoạt cho các đoàn làm phim", bà Hạnh nói.

LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ I năm 2023 diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam gọi những khó khăn của các đoàn làm phim khi tới Việt Nam là sự “rủi ro” bất ngờ. Ông Tú đề nghị cần cụ thể hóa hơn các nghị định để tạo sự hấp dẫn đầu tư và yên tâm cho đoàn làm phim nước ngoài. “Chính sách dành cho các đoàn làm phim cần được thông thoáng. Đôi khi sự cản trở rủi ro không đến từ thiên tai, khí hậu mà chính là từ những điều nhỏ nhất mà thành cản trở lớn nhất, ví dụ như cấp giấy phép. Đoàn làm phim tới Việt Nam hay Đà Nẵng thì cũng cần sự cởi mở trong việc cấp phép. Mỗi địa phương nên có chế tài khuyến khích từng đoàn làm phim, từ đó lan tỏa tiếng tốt thì sẽ lôi kéo được các đoàn làm phim nước ngoài. Để phát triển ngành điện ảnh Việt Nam cần có sự phối hợp, mở rộng với đoàn phim nước ngoài, tổ chức các dịch vụ làm phim. Việt Nam đang tập trung rất nhiều nguồn lực ưu tú về sáng tác nhưng không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ hợp tác từ phía bên ngoài”, ông Tú cũng so sánh với môi trường đầu tư điện ảnh thuận lợi ở các quốc gia khác như Thái Lan, Pháp, và  cho rằng hiện nay hầu như tất cả các nước phát triển đều có chính sách ưu đãi thu hút các cá nhân, đoàn làm phim quốc tế, như miễn thuế thu nhập cá nhân, triết khấu chi phí… đã làm tăng sức cạnh tranh và sự hấp dẫn cho điểm đến.

Các nghệ sĩ trên thảm đỏ tại LHP

Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản Oshitaka Sugihara cũng cho rằng vai trò của địa phương đối với việc thu hút điện ảnh là rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần có chế độ ưu đãi, hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn làm phim hoàn thành bộ phim một cách thoải mái và thuận lợi nhất. Ông Oshitaka Sugihara  dẫn chứng về sự lan tỏa của ảnh hưởng hình ảnh đến sự phát triển du lịch, trong thời đại công nghệ chỉ cần một bức ảnh hấp dẫn đưa lên mạng xã hội thì mạng lưới khán giả các quốc gia sẽ có khát khao tiếp cận. Như vậy, nếu địa phương “chịu khó” dẫn các nhà làm phim đến nhiều địa điểm để tạo ra nhiều sự chuyển động của thành phố, thì sẽ tạo ra những thước phim đẹp để quảng bá hình ảnh của chính thành phố đó.

Khán giả trẻ đón chào đoàn diễn viên và các nhà làm phim tại LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ I

Đánh giá tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Đà Nẵng, các nhà làm phim cho rằng Đà Nẵng là địa phương được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp điện ảnh, như sự phát triển của công nghệ thông tin, môi trường khí hậu… Thêm đó là giá trị tiềm năng về nhân văn, chiều sâu văn hóa, lịch sử của thành phố sẽ là bối cảnh, chất liệu tiềm năng phong phú và quan trọng để cho các nhà làm phim thuận lợi trong việc khai thác. Đà Nẵng đang phát triển ngành văn hóa, từ đó nên nghĩ đến tầm nhìn chiến lược cho điện ảnh, tìm cách kêu gọi đoàn làm phim đến Đà Nẵng. Thấy được chính sách ưu đãi cũng như môi trường cạnh tranh để mở cửa cho ngành điện ảnh và những người làm phim. Ông Oshitaka Sugihara nhận định, Đà Nẵng đã có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên, phong cảnh, từ nguồn lực sẵn có đó, Đà Nẵng cần chào đón những đoàn làm phim đến thành phố, hỗ trợ họ, từ đó học hỏi  kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức trong phát triển công nghiệp điện ảnh. Cụ thể hơn có thể tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia để tạo chuỗi cung ứng dành cho điện ảnh.

Đánh giá được sự quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, thời gian qua, Đà Nẵng liên tục phát triển các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống nhằm làm tư liệu phong phú cho các đoàn làm phim. Qua đó cũng nhận được sự phối hợp trách nhiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp, đơn vị. Trên cương vị quản lý văn hóa, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng, ông Hà Vỹ nhận định, để phát triển ngành điện ảnh thì các đơn vị, các cơ quan cần tìm cách cải thiện năng lực tổ chức, tự tổ chức sự kiện đồng thời liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác. Về phía chính quyền sẽ có cơ chế hỗ trợ những nhà đầu tư độc lập về điện ảnh nói riêng.

MINH CHÂU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top