Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

70% dân số Việt Nam mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP

Thứ Sáu 12/05/2023 | 06:08 GMT+7

VHO- Bệnh lý đường tiêu hóa là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ lối sống tĩnh tại, ít vận động; ăn ít chất xơ; nhiễm vi khuẩn H.pylori, sử dụng chất kích thích; áp lực tâm lý, tuổi cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tiêu hóa đối với sức khỏe của người dân, hưởng ứng “Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29.5”, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 30 (VIETNAM MEDI-PHARM 2023 diễn ra từ ngày 10 – 13.5 tại Cung văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội), Ban tổ chức triển lãm phối hợp tổ chức tọa đàm “Bệnh lý về đường tiêu hóa – Chẩn đoán và phòng ngừa”. Toạ đàm nhằm chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, đồng thời tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn và áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh lý về đường tiêu hoá.

Toạ đàm thu hút đông đảo người dân quan tâm

Tại toạ đàm, bác sĩ Nguyễn Thế Phương, Trung tâm tiêu hóa Gan Mật – Bệnh viện Bạch Mai, trong năm 2022, số bệnh nhân đến điều trị nội trú về đường tiêu hóa là 9.689 người, siêu âm ổ bụng là 33.307 người và nội soi tiêu hóa là 162.750 người. Đối tượng mắc các bệnh về đường tiêu hóa không phân biệt lứa tuổi, giới tính hay nghề nghiệp. Các bệnh lý tiêu hóa thường gặp được chia làm 3 nhóm chính : Đường tiêu hóa trên (gồm các bệnh trào ngược dạ dày, viêm loét, nhiễm vi khuẩn H.pylori); Đường tiêu hóa dưới (gồm các bệnh tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích, trĩ); Gan mật (gồm các bệnh viêm gan B-C, viêm gan do rượu, sỏi mật).

Bệnh tiêu hoá có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Với rối loạn tiêu hoá gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi với nhiều biểu hiện như chán ăn, không muốn ăn, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, phân nát, phân lỏng, thậm chí táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài ra máu… Hầu hết rối loạn tiêu hoá thuộc dạng nhẹ, nếu được khám bệnh sớm có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu mắc tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, lỵ… gây ra không được điều trị đúng phác đồ thì sẽ gây biến chứng trụy mạch rất nguy hiểm...

Về bệnh lý dạ dày, tại Việt Nam tỉ lệ người mắc bệnh dạ dày rất cao. Trên thế giới số bệnh nhân mắc bệnh dạ dày chiếm từ 5 đến 10% toàn dân số thế giới và ở nước ta con số này đã lên đến 7%. Một con số đáng nói khác là có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Bệnh lý phổ biến là viêm dạ dày mạn tính với 31% – 64% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa. Bệnh lý dạ dày đáng sợ nhất là viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc hang vị là những vị trí rất dễ biến chuyển thành ung thư. Khi tình trạng bệnh trở nên xấu hơn, bệnh nhân rất dễ gặp phải biến chứng xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày. Ngoài ra, bệnh rất dễ tái phát gây mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng sống của người bệnh.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thế Phương, nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng: có thể xuất phát từ lối sống tĩnh tại (nhân viên văn phòng, tài xế, người ít vận động…); ăn ít chất xơ; nhiễm vi khuẩn H.pylori; sử dụng chất kích thích; áp lực tâm lý, thường xuyên gặp stress; ăn thực phẩm không thích hợp; tuổi cao; giảm cân (nếu béo phì);… Do đó, để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chúng ta nên thực hiện phương châm: “Không ăn quá no, không để quá đói, không ăn quá muộn, không thức quá khuya”; tránh ăn thức ăn chứa nhiều cholesterol (chiên, xào, sốt mayonnaise, thức ăn nhanh); uống thức uống ngọt, cồn; dùng nhiều đường. Các thói quen cần tạo dựng hàng ngày là ăn điều độ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong không nằm ngay; uống đủ nước, không sử dụng các chất kích thích có hại, giữ vệ sinh cá nhân; nên vận động cơ thể đều đặn; thường xuyên khám sức khỏe để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây hại cho hệ tiêu hóa.

Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29.5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF), nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

 

Q.HOA - T.XUÂN

Print
Tags: Y tế

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top