Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Sống mòn trong những biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài cuối): Cần đưa “di sản đô thị” vào Luật

Thứ Tư 17/05/2023 | 10:01 GMT+7

VHO - Trao đổi với Văn Hóa về giải pháp mang tính định hướng, chiến lược cho việc bảo tồn các biệt thự cũ tại Hà Nội, ông Đặng Khánh Ngọc (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, khái niệm “di sản đô thị” nếu được đưa vào Luật Di sản Văn hóa sửa đổi trong thời gian tới sẽ tạo nên nhiều thay đổi về hiệu quả quản lý đối với hệ thống biệt thự này.

Ông Đặng Khánh Ngọc -Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL

P.V: Nhìn nhận những biệt thự cũ tại Hà Nội là thành tố quan trọng của di sản đô thị, ông đánh giá thực chất việc bảo tồn khối di sản này thời gian qua như thế nào?

- Ông Đặng Khánh Ngọc: Sự xuống cấp của hệ thống biệt thự kiến trúc Pháp cũ ở Hà Nội phần lớn ở nhóm công trình do người dân sử dụng. Một thời gian dài, việc quản lý và sử dụng, duy tu, bảo dưỡng những công trình này không được quan tâm, càng ngày xuống cấp càng trầm trọng hơn. Điều kiện sống của người dân trong những ngôi biệt thự vang bóng một thời hiện rất khó khăn, chật chội, trong khi giá trị kinh tế, sự thuận tiện trong việc kết nối tiện ích đô thị của chúng lại quá cao.

Vì thế, dù đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phải bảo tồn, níu giữ giá trị gốc của những căn biệt thự cũ thì các phương án đưa ra đều gặp khúc mắc, liên quan đến quyền lợi người dân và người được giao quản lý, sử dụng. Một vấn đề kéo dài mà chúng ta chưa xử lý được là cân bằng quyền lợi, cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho những người đang sống trong đó. Từ nhiều thập kỷ trước, một biệt thự được chia sẻ cho 5, 7 người sống, sau đó các gia đình mở rộng quy mô, đông hơn gấp 5, gấp 7 lần. Dù biết ở thì khổ nhưng sự tiện lợi, vị trí trung tâm thành phố, giá trị tinh thần và vật chất, các tiện ích khiến cho chủ nhân những ngôi biệt thự này không dễ gì rời bỏ chúng.

Khi chưa cân bằng được các quyền lợi thì việc đầu tư bảo tồn cũng rất khó. Đối với việc một thời gian dài các biệt thự cũ ở Hà Nội tồn tại trong tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” như thế, dù nhận thức của cả chính quyền và người dân về giá trị của các biệt thự đã rất rõ ràng nhưng vẫn chỉ là nhận thức, chuyển biến lớn là câu chuyện còn dài phía trước.

 Ngôi biệt thự cũ số 44 Hàng Bè

Thực tế là những công trình do các cơ quan Nhà nước sử dụng vẫn được bảo tồn, phát huy tốt, trong khi hệ thống biệt thự do người dân sử dụng thì ít được quan tâm, ứng xử còn tuỳ tiện? Theo ông nguyên nhân này là gì?

- Chuyện bảo dưỡng, duy tu và sử dụng ở các công thự được giao cho các cơ quan Nhà nước quản lý có nguồn ngân sách, được chăm sóc thường xuyên thì điều kiện sẽ tốt hơn. 1216 biệt thự cũ đang có nhiều kiểu quản lý, sử dụng khác nhau. Người dân sống trong các biệt thự cũ trước đây đa phần gốc gác là trí thức, thành viên các gia đình danh gia vọng tộc, gia đình tư sản, văn nghệ sĩ… Cũng khó trách khi nhiều người ngày càng thờ ơ trước sự xuống cấp của những di sản đô thị này.

Một biệt thự nhìn tổng thể bên ngoài không thấy vấn đề gì lớn, nhưng bên trong thì xập xệ, quá trình sinh sống người dân đôi khi phải tự cải tạo sửa chữa để đáp ứng nhu cầu trước mắt, mặc dù họ biết rằng quy định pháp lý không cho phép tự sửa chữa, tôn tạo. Tất cả đặt ra vấn đề phải khẩn trương, cấp thiết có giải pháp “cứu” hệ thống biệt thự cũ như một thành tố quan trọng của di sản đô thị. Quá trình khảo sát, đánh giá và phân loại dựa trên tổng thể hệ thống biệt thự cũ mà Hà Nội đã thực hiện cho thấy có những cấp độ ưu tiên khác nhau. Trong đó, nhóm cần được bảo tồn nguyên vẹn là các công trình do các cơ quan Nhà nước, ngoại giao đoàn, ĐSQ quản lý. Khó nhất vẫn là biệt thự người dân ở, nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp nhưng không ai hướng dẫn họ phải làm như thế nào.

 Văn Hóa đã ghi nhận hiện trạng xuống cấp trầm trọng của nhiều biệt thự cũ tại Hà Nội mà nếu không có giải pháp kịp thời sẽ rất nhanh chóng bị biến dạng. Theo ông, bảo tồn biệt thự cũ cần chú ý những vấn đề gì?

- Thực ra người dân sống trong các biệt thự chỉ được ở đấy thôi và khi có nhu cầu sửa chữa gì thì đều phải qua chính quyền. Các biệt thự thuộc nhóm ưu tiên số 1 là 222 công trình và nhóm 2, 3 có số công trình lớn gấp đôi, ba lần; vì thế kinh phí sửa chữa, bảo tồn không hề nhỏ.

Công tác bảo tồn có đặc thù là cần sự tham gia của rất nhiều chuyên ngành. Chương trình của Hà Nội mới là khảo sát, đánh giá, mà chủ yếu cũng chỉ là khảo sát trực quan và chuyên gia, đo đạc sơ bộ, đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài, chỉ có hơn 20 công trình được sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để khảo sát, đánh giá chi tiết. Vì vậy sẽ còn rất nhiều vấn đề, ví dụ, khảo sát xong thì các công trình được ưu tiên còn phải được kiểm định chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Con số gần 1.200 biệt thự còn lại cũng mới chỉ được thống kê, tạm lưu lại hiện trạng. Để đề xuất giải pháp xử lý, bảo tồn thì ngay sau khi có kết quả đánh giá, kiểm định chúng cần phải được phân định, xếp loại mức giá trị...

Công việc này nhất thiết phải có định hướng và mục tiêu cụ thể. Sau khi đánh giá, phân loại thì việc sắp xếp thứ tự ưu tiên bảo tồn là cần thiết, nhưng có lẽ việc ưu tiên cuối cùng cũng sẽ chủ yếu tập trung vào các công trình nổi tiếng, có giá trị, thuộc sở hữu Nhà nước... Các công trình biệt thự người dân đang ở rất ít có cơ hội được hưởng ưu tiên đó. Ở đây cần tính đến việc huy động, đa dạng hóa nguồn lực tham gia. Vì thế, dù muốn hay không thì cũng phải thấy rằng đây là câu chuyện không thể chỉ vài ba năm mà giải quyết được.

 Bên trong biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ

Từ trường hợp cụ thể ở biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, theo ông, cần nhìn thấy những kinh nghiệm gì để áp dụng vào bảo tồn các công trình biệt thự khác trong thời gian tới?

- Hà Nội tập trung trùng tu biệt thự ở 49 Trần Hưng Đạo cũng nhằm tạo mô hình kiểu mẫu về bảo tồn, với sự hỗ trợ cả về kinh phí và chuyên môn từ Pháp, quốc gia rất mạnh về bảo tồn di sản, kiến trúc. Thế nhưng, thực tế vẫn có những phản ứng từ dư luận và cả giới chuyên môn. Chúng ta nhìn thấy điều gì ở đây?

Câu chuyện bảo tồn trên lý thuyết khác rất nhiều với việc xử lý cụ thể trong thực tế, thậm chí giải pháp xử lý bảo tồn từ nhà này đã không thể áp dụng nguyên vẹn sang ngay nhà kế bên. Thường mỗi ngôi biệt thự đều mang dấu ấn của một chủ nhân. Và một điều chắc chắn nữa là công trình nào khi được bảo tồn cũng luôn tạo nên những tranh luận. Một trong những mục tiêu cơ bản của bảo tồn là nhằm giữ lại công trình với tối đa các thành phần cấu thành công trình gốc ở điều kiện kỹ thuật tốt nhất, với các di sản đô thị thì nhiệm vụ của bảo tồn còn là làm sao lưu giữ lại nhiều nhất những ký ức đô thị, trong từng ngôi nhà, từng di tích. Không thể máy móc đòi hỏi sau khi xử lý bảo tồn thì công trình lại phải có ngay được dáng vẻ rêu phong, hay nét thời gian xưa cũ. Chưa kể, về bản chất thì những yếu tố tạo nên hình ảnh cũ kỹ quen thuộc đó, phần lớn đều là tác nhân phá hoại vật liệu xây dựng công trình di sản. Vấn đề cần thiết ở đây là sự hài hoà, cần có kiến thức chuyên môn nhưng cũng không nên rập khuôn, cứng nhắc.

Góp ý kiến cho Luật Di sản văn hóa sửa đổi, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng đề xuất bổ sung khái niệm “di sản đô thị”. Ông có quan điểm như thế nào?

- Tôi cho rằng đây là điều cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Khái niệm “di sản đô thị” được đưa vào Luật Di sản Văn hóa sẽ tạo ra hành lang pháp lý, là cơ sở cho việc xác định hướng ứng xử phù hợp nhằm bảo tồn được các di sản của đô thị và vẫn đáp ứng được các mục tiêu phát triển. Những thực thể, công trình kiến trúc như biệt thự Pháp cũ, hoặc các đối tượng sống trong những di sản đô thị đó… sẽ nhận được những thay đổi và lợi ích thiết thực từ đề xuất này.

Bên cạnh đó, sẽ có cơ sở để đẩy mạnh các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về di sản đô thị, qua đó tạo ra cách thức ứng xử đúng của cộng đồng cư dân đô thị với di sản của mình. Khi thấy được giá trị, ý thức về lợi ích nhận được, điều kiện sống sẽ được cải thiện tốt hơn thì người dân và những người liên quan trực tiếp sẽ tự giác tham dự vào quá trình giữ gìn, duy trì bền vững các di sản đô thị của Hà Nội, đặc biệt là các biệt thự và công trình kiến trúc Pháp cũ.

 Xin cảm ơn ông! 

 Khi chưa cân bằng được các quyền lợi thì việc đầu tư bảo tồn cũng rất khó. Đối với việc một thời gian dài các biệt thự cũ ở Hà Nội tồn tại trong tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” như thế, dù nhận thức của cả chính quyền và người dân về giá trị của các biệt thự đã rất rõ ràng nhưng vẫn chỉ là nhận thức, chuyển biến lớn là câu chuyện còn dài phía trước.

(Ông ĐẶNG KHÁNH NGỌC, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích)

 THU TRANG - QUỲNH HOA (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top