Khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”

VHO- Trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” đã khai mạc sáng 18.5 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890- 19.5.2023) và Ngày Quốc tế Bảo tàng (18.5). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự khai mạc trưng bày.

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và cắt băng khai mạc trưng bày

Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng sưu tập hiện vật độc đáo, đặc sắc gốm Bát Tràng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX để công chúng trong nước, bạn bè quốc tế có dịp thưởng thức bộ sưu tập gốm cổ vô cùng phong phú, có giá trị mỹ thuật cao.

Trưng bày gồm 4 phần: Lịch sử hình thành; Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV; Gốm Bát Tràng thế kỷ XV – XVIII và Gốm Bát Tràng thế kỷ XIX-XX.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh, Bát Tràng là trung tâm gốm sứ, có lịch sử lâu đời, nằm bên sông Hồng, sản xuất nhiều đồ gốm sứ đặc sắc, quý hiếm, được ưa chuộng sử dụng phổ biến ở làng quê cho tới chốn cung đình, từ đồ thờ tự dân gian cho đến vật phẩm ngoại giao. Thông qua nghiên cứu, khảo cổ học, chúng ta đã xác định từ thế kỷ XIII- XIV Bát Tràng là trung tâm sản xuất gốm sứ, có phạm vi phân bố rộng lớn, các dòng gốm men, loại hình đặc trưng của thời Trần. Bước sang thế kỷ XV- XVI, Bát Tràng phát triển mạnh mẽ hơn, sản xuất mang tính chuyên hóa cao, sản phẩm đạt đến trình độ mỹ thuật cao, thực sự là tác phẩm nghệ thuật được tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, nhiều làng gốm tàn lụi nhưng gốm Bát Tràng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng lớn với đồ gia dụng thiết yếu. Kế thừa truyền thống với những sắc thái chuyên biệt, gốm Bát Tràng đã tồn tại qua những giai đoạn lịch sử khó khăn, phát triển đến ngày nay, trở thành bảo tàng sinh động về gốm sứ nó riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng...

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” - Anh 2

Các hiện vật gốm trưng bày lần này đều nằm trong bộ sưu tập đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trước đây, Bảo tàng cũng đã tiến hành một trưng bày về gốm Bát Tràng với bộ sưu tập được chọn lọc kĩ lưỡng với những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc; ngoài giới thiệu lịch sử, văn hóa còn tập trung vào giới thiệu lịch sử mỹ thuật trên đồ gốm. Còn lần này, Bảo tàng giới thiệu bộ sưu tập theo biên niên lịch sử từ khi gốm Bát Tràng từ khi hình thành cho đến nay. Bảo tàng đã sưu tầm các  hiện vật gốm Bát Tràng trong nhiều năm qua và cho đến nay chưa có một bảo tàng nào có bộ sưu tập trọn vẹn như vậy.

Theo sử liệu thành văn, vùng đất Bát Tràng có tên là xã Bát, lần đầu tiên được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1352. Thế kỷ XV, tên xã Bát Tràng xuất hiện và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) chép: "Làng Bát Tràng làm đồ bát chén". Đến những năm 1958, khu vực này mới được chia tách làm hai bởi công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ngày nay, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp xã Kim Lan và Xuân Quan.

Bát Tràng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay; trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.

Trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” diễn ra đến tháng 9.2023. Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao. Từ đó, giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc