Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xung quanh bộ ghế khán giả bằng gỗ tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh: Thiết chế văn hóa cần được nhìn trong tổng thể kiến trúc

Thứ Sáu 19/05/2023 | 10:19 GMT+7

VHO- Được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15, hạng mục Kiến trúc công cộng, nhưng Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang được quan tâm bởi những ý kiến trái chiều xung quanh việc đặt hơn 300 ghế ngồi khán giả bằng gỗ chạm khắc cầu kỳ, không giống như những nhà hát khác.

 Hồ bán nguyệt trong khuôn viên Nhà hát Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

 Có ý kiến cho rằng, những hàng ghế này gây cảm giác nặng nề, không phù hợp phong cách thiết kế chung của các nhà hát hiện đại. Bên cạnh đó, số lượng ghế gỗ nhiều như vậy là quá tốn kém và không thân thiện với môi trường…

Di sản văn hóa làng nghề kết hợp di sản văn hóa phi vật thể

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho biết, với tư cách là người quản lý và sử dụng các công năng của Nhà hát, ông thấy việc bài trí những bộ bàn ghế gỗ trong không gian này là phù hợp. Bởi lẽ, nội thất Nhà hát được xây dựng mô phỏng kiến trúc đình làng của người Bắc Ninh để phục vụ các buổi diễn xướng Quan họ. “Trong không gian kiến trúc đó, người Quan họ khi biểu diễn sẽ thấy ấm cúng, quen thuộc, bởi đặc thù của biểu diễn Quan họ là có mời nước, mời trầu, việc bố trí bàn ghế như vậy sẽ tạo ra các lối đi rộng để nghệ sĩ biểu diễn có thể đi xuống các hàng ghế khán giả giao lưu, tương tác”, ông Nguyễn Văn Cương chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh là đất trăm nghề, trong đó có rất nhiều làng nghề nổi tiếng như gỗ Đồng Kỵ, tre trúc Xuân Lai, đúc đồng Đại Bái… Di sản văn hóa làng nghề được kết hợp trong loại di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng sẽ tạo ra đặc trưng độc đáo cho thiết chế văn hóa. Từ đó, tạo ra chuỗi giá trị cho các sản phẩm du lịch, qua đó gắn kết, bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch.

Ông Cương cho biết thêm, mặc dù được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2020, nhưng do đại dịch Covid-19, nên đến đầu năm 2022, Nhà hát mới bắt đầu đón khách. Điều đáng mừng là hiện nay lượng du khách, đặc biệt là những người yêu thích Quan họ, đến với Nhà hát rất đông. Ai cũng háo hức vào tham quan, xem biểu diễn, đặc biệt là đoàn học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Mới đây, Nhà hát cũng tiếp đón các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đến khám phá Bắc Ninh và nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

“Nhà hát được đặt tại làng Diềm, nơi thuỷ tổ của Quan họ Bắc Ninh, được lãnh đạo tỉnh xác định là điểm du lịch trọng yếu với nhiều di tích, danh thắng như Đền Cùng - Giếng Ngọc, Đình làng Diềm với kiến trúc độc đáo, cùng với những nghệ nhân, nghệ sĩ hát Quan họ đang sinh sống trong làng và hình thức diễn xướng Quan họ... Một trong những nhiệm vụ của Nhà hát là cùng với người dân địa phương phát triển thành điểm đến thu hút khách lưu trú bởi sinh hoạt Quan họ là hát đến khuya mới xong. Vừa qua, nhân kịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, chúng tôi đã tổ chức buổi biểu diễn trên thuyền ở hồ bán nguyệt, thu hút hàng nghìn người dân đến thưởng thức. Chúng tôi cũng biểu diễn vào chiều ngày 1 âm lịch hằng tháng để khách thập phương đi lễ có thể kết hợp thưởng thức nghệ thuật. Bắt đầu từ ngày 27.5 tới, Nhà hát sẽ tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí vào thứ 7 hằng tuần để phục vụ nhân dân, kết nối với các tour, tuyến du lịch”, Giám đốc Nhà hát cho biết thêm.

 Các vị đại sứ và trưởng đại diện cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thưởng thức Quan họ tại Nhà hát Ảnh: THÀNH LONG

Cần cái nhìn đa chiều

Ông Nguyễn Văn Cương cũng thông tin, tâm lý chung của khán giả khi vào xem biểu diễn đều rất thích thú, sân khấu thiết kế như mái đình tái hiện lối diễn xướng đối đáp của dân ca Quan họ Bắc Ninh, kết hợp với những hàng ghế gỗ tạo nên một tổng thể hài hoà, hợp lý. Một thiết chế văn hóa cần phải nhìn từ nhiều góc độ, đặt vào tổng thể kiến trúc của Nhà hát, tổng thể cụm di tích lịch sử văn hóa, tổng thể làng Diềm bên dòng sông Cầu thơ mộng.

Trái với những ý kiến tranh cãi về bộ ghế gỗ dành cho khán giả, NNND Quan họ Nguyễn Thị Thềm lại bày tỏ niềm vui khi được biểu diễn ở một không gian “chưa từng có” như thế. Là người sinh ra và lớn lên tại làng Diềm, bà đã biểu diễn ở khắp các không gian như đình làng, sân nhà văn hóa, hội làng, hội diễn, các nhà hát trong và ngoài nước… nhưng khi biểu diễn ở Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, bà cảm thấy thật sự khác biệt. “Khán giả khi ngồi vào ghế cũng có cảm giác được trân trọng hơn và nghệ sĩ cảm thấy tự hào, biểu diễn thăng hoa hơn. Bảo tồn và giữ gìn dân ca Quan họ nhưng cũng phải phát triển, lan toả và đổi mới để xứng tầm với quốc tế”, NNND Nguyễn Thị Thềm chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: “Thiết kế ghế gỗ và bàn trà là nét độc đáo riêng có của Nhà hát này. Bộ bàn ghế đẹp hay không là do cách nhìn của mỗi người, nhưng tôi thấy nhóm kiến trúc sư tư vấn có lý của mình khi thiết kế nội thất như vậy. Nói đến việc sử dụng gỗ tự nhiên không thân thiện môi trường thì cũng không chính xác. Chúng ta có những quy định về việc trồng rừng, lấy gỗ, tất cả đều có quy định riêng cụ thể. Bắc Ninh có các làng nghề làm gỗ nổi tiếng, nên Nhà hát sử dụng ghế gỗ sẽ kích cầu tiêu dùng địa phương…”.

Bên cạnh những ý kiến phản đối, nhiều “dân cư mạng” bày tỏ sự ủng hộ việc sử dụng ghế gỗ. “Hãy để cho sáng tạo lên ngôi. Không có khuôn mẫu nào cho sự sắp xếp, bày biện cả. Đừng áp đặt tư duy của mình cho người khác”, tài khoản Facebook Trần Đại Hiền bình luận trên mạng xã hội. Còn tài khoản Vương Việt Cường lại cho rằng: “Nó không đẹp xuất sắc nhưng cũng ổn. Nghề truyền thống nên họ khoe là phải!’’. Ngoài ra, một số người góp ý các họa tiết chạm khắc trên lưng ghế theo thời gian sẽ bám bụi, cần được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và tính thẩm mỹ… 

 Nhà hát Dân ca Quan họ được coi là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư trên 240 tỉ đồng. Chủ dự án là Ban quản lý Khu vực phát triển Đô thị Bắc Ninh. Tọa lạc trên khu đất có diện tích 19.400m2, gồm các công trình: Nhà hát Quan họ, trụ sở làm việc của Nhà hát và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Trong đó, Nhà hát Dân ca Quan họ có tổng diện tích sàn là 7.900m2, diện tích sàn diễn 100m2 và các không gian chức năng khác. Nhà hát có khu biểu diễn ngoài trời, biểu diễn trên hồ bán nguyệt, trên sân khấu, nội thất được thiết kế với nhiều biểu tượng gắn với Quan họ như nón quai thao, trên lưng ghế khán giả cũng khắc họa hình tượng liền anh, liền chị…

 

 Tôi đã biểu diễn ở khắp các không gian như đình làng, sân nhà văn hóa, hội làng, hội diễn, các nhà hát trong và ngoài nước… nhưng khi biểu diễn ở Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi cảm thấy thật sự khác biệt. Khán giả khi ngồi vào ghế cũng có cảm giác được trân trọng hơn và nghệ sĩ cảm thấy tự hào, biểu diễn thăng hoa hơn. Bảo tồn và giữ gìn dân ca Quan họ nhưng cũng phải phát triển, lan tỏa và đổi mới để xứng tầm với quốc tế.

(NNND NGUYỄN THỊ THỀM)

 QUỲNH HOA - HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top