Cần Thơ: Trao Bằng công nhận nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

VHO - Ngày 19.5, Sở VHTTDL TP Cần Thơ phối hợp cùng với UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ tổ chức Lễ công bố, trao, đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) Nghề thủ công truyền thống Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng.

Cần Thơ: Trao Bằng công nhận nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Anh 1

Trao quyết định, giấy chứng nhận cho đại diện UBND quận Thốt Nốt

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là nghề thủ công truyền thống, hình thành từ giữa thế kỷ XIX và được trao truyền tiếp nối qua nhiều thế hệ. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển với bao thăng trầm, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc được kết tinh từ những thành quả lao động và sáng tạo của những người dân nơi đây, cho ra thị trường nhiều sản phẩm bánh tráng mang hương vị đặc trưng của vùng đất Thuận Hưng.

Để làm nên những chiếc bánh tráng thơm ngon, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân địa phương và quanh vùng, người làm bánh tráng ở Thuận Hưng sử dụng nguyên, vật liệu tại chỗ để chế biến. Trải qua thời gian, cho đến nay quy trình sản xuất của bánh tráng Thuận Hưng không có nhiều thay đổi, ngoại trừ người làm bánh tráng truyền thống có sử dụng thêm một số loại máy móc để hỗ trợ sức người như máy xay bột, máy nạo dừa, nhưng trong các khâu chính là pha bột, tráng bánh, phơi bánh đều làm bằng tay và sử dụng kinh nghiệm của người thợ để làm ra chiếc bánh phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng, giữ nguyên hương vị xưa. 

Sản phẩm chủ yếu của các lò thủ công truyền thống là bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa. Ngoài ra, ở địa phương, một số người còn kết hợp một số nguyên liệu phổ biến như ớt, ruốc để chế biến món bánh tráng ruốc. Loại bánh được tráng dày hơn, khi sử dụng thì nướng hoặc chiên cho phồng, giòn, thơm ngon. Hoặc nếu như bánh tráng nem trước đây được làm từ các lò thủ công, nhưng hiện nay được sản xuất trên dây chuyền máy móc tương đối hiện đại vừa tráng và sấy, mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn bánh tráng thành phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường.

Cần Thơ: Trao Bằng công nhận nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Anh 2

Biểu diễn văn nghệ chào mừng tại lễ công bố

Theo Bảo tàng TP Cần Thơ, tại thời điểm thực hiện hồ sơ, phường Thuận Hưng có 4/4 khu vực của phường có người làm nghề bánh tráng, tập trung nhiều nhất là khu vực Tân An và Tân Phú. Tổng số có 58 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống thường xuyên liên tục với khoảng 250 người thực hành. Ngoài ra, còn khoảng 30 lò truyền thống chờ đến dịp Tết mới sản xuất. Hiện tại, có 3 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng máy, trong đó có 1 lò tráng bánh nem vừa tráng và sấy khô bánh tự động. Hiện nay, đã có 2 sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt cho biết, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, được bao thế hệ trao truyền tiếp nối. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm bánh tráng vẫn được lưu giữ những giá trị truyền thống mang đậm nét văn hóa sâu sắc được kết tinh từ những thành quả lao động miệt mài sáng tạo của bà con Nhân dân khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, để cho ra nhiều sản phẩm bánh tráng mang hương vị đặc trưng của vùng đất Thuận Hưng. 

"Song song với thành quả lao động của người dân, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể nâng cao nhận thức, từng bước duy trì và bảo tồn làng nghề như hỗ trợ bà con làng nghề được vay vốn sản xuất với số tiền 600 triệu đồng, hướng dẫn hộ dân tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; gắn kết phát triển du lịch, tham quan, trải nghiệm làm bánh tại làng nghề; hoàn thiện bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cho 1 hộ làng nghề; và hiện nay quận đang phối hợp Sở Khoa học công nghệ TP thực hiện nhiệm vụ khoa học xây dựng quản lý và phát triển thương hiệu Bánh tráng Thuận Hưng (kinh phí dự kiến 800 triệu đồng)", bà Lê Thị Thúy Hằng cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, TP Cần Thơ hiện có 38 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, 6 DSVHPVT quốc gia. Riêng quận Thốt Nốt đã có 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 5 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố và 1 DSVHPVT quốc gia. “Hôm nay, chúng ta tổ chức Lễ công bố, trao, đón nhận quyết định, giấy công nhận DSVHPVT nghề thủ công truyền thống nghề làm bánh tráng Thuận Hưng. Đây là niềm vui chung của TP Cần Thơ, và niềm phấn khởi, tự hào của quận Thốt Nốt nói riêng. Đại diện lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền quận Thốt Nốt làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích cũng như DSVHPVT quốc gia này; luôn quan tâm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ bà con xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa. Hãy chung tay, nâng cao hơn nữa vai trò của mình, với lòng yêu quê hương, bằng năng lực hiện có để giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống nghề làm bánh tráng, xứng đáng là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển hơn trăm năm, được bao thế hệ trao truyền và tiếp nối. Đồng thời, thực hiện tốt mục tiêu phát triển quận Thốt Nốt thành đô thị trung tâm công nghiệp – thương mại – dịch vụ phía Bắc TP Cần Thơ, trong đó chú trọng lĩnh vực phát huy du lịch gắn với phát huy di tích, di sản văn hóa, tạo thêm sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc trưng của thành phố”, ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc