Cùng “cõng” nhà vệ sinh về làng

VHO- Hàng chục người dân làng từ trẻ nhỏ đến người lớn cùng với sự hỗ trợ của các bạn đoàn viên thanh niên xã Trà Tập, đã lội bộ hơn 4 tiếng đồng hồ, băng đường núi cõng vật liệu, thiết bị để làm nhà vệ sinh ở bản làng.

Cùng “cõng” nhà vệ sinh về làng - Anh 1

 Cô giáo trẻ Trà Thị Thu, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), người ghi lại những hình ảnh xúc động này cũng chính là người đã kết nối các Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng 23 nhà vệ sinh miễn phí cho 23 hộ dân ở làng Răng Chuổi, thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Đã có thời gian dài đứng lớp ở các điểm trường vùng cao, chứng kiến cuộc sống còn thiếu thốn của người dân nơi đây, nhiều nhà dân không có nhà vệ sinh, tắm rửa lộ thiên…, cô giáo Thu đã đứng ra kết nối và nhận được sự hỗ trợ từ Mạnh Thường Quân là chị “Trinh Sài Gòn và những người bạn” đã ủng hộ 58,5 triệu đồng để xây 23 nhà vệ sinh miễn phí cho các hộ dân ở làng Răng Chuổi. “Ngày 8.6, với sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, chương trình bắt đầu khởi động. Em mua vật liệu vận chuyển lên bản làng, nhưng từ điểm cuối đường xe tập kết vật liệu muốn về được làng Răng Chuổi phải lội bộ băng đường núi hơn 4 tiếng đồng hồ. Rất may, nghe thông tin, người làng ai cũng vui mừng và thống nhất sẽ cùng xuống điểm tập kết “cõng” vật liệu, thiết bị về dựng nhà vệ sinh. Cùng hỗ trợ với dân làng vận chuyển, xây nhà vệ sinh có các anh chị ở đoàn thanh niên xã Trà Tập đồng hành”, cô Thu xúc động kể lại.

Cùng “cõng” nhà vệ sinh về làng - Anh 2

Đường từ nơi tập kết vật liệu về làng dốc đứng cheo leo, nhiều đoạn còn sình bùn do những cơn mưa chiều, xe chở vật liệu không thể đến tận nơi, xe máy cũng không dám chạy chở nặng nên mọi người cùng nhau chia ra mỗi người một việc để cùng nhau “cõng” hết số lượng vật liệu như tôn, xi măng, ống dẫn nước, thiết bị vệ sinh,…về làng. Thanh niên, đàn ông, người mạnh khỏe thì chia nhau cõng những vật liệu nặng, cồng kềnh, còn phụ nữ, trẻ em thì tùy sức của mình mà mang. Có gia đình, địu cả con nhỏ, cả mẹ, con cái cùng đùm nhau xuống núi cõng vật liệu. “Mệt, nhưng ai cũng vui, cũng cười, cũng cảm động vì đón nhận được tấm chân tình của các Mạnh Thường Quân. Các bạn đoàn viên ở xã Trà Tập cũng không nề hà, cùng xắn tay lao vào lo việc chung cho người làng. “Cõng” hơn 4 tiếng đồng hồ, leo qua nhiều đoạn dốc đứng cheo leo mới về tới làng, rồi cùng hỗ trợ giúp nhau xây, lắp dựng nhà vệ sinh nhưng ai cũng vui, chung tay cùng làm”, cô Thu xúc động chia sẻ. Điều thú vị là, cô giáo trẻ Trà Thị Thu cũng chính là nhân vật trong bài viết Trăng tròn yêu thương nơi vùng cao trên Văn Hóa (tháng 9.2022) với câu chuyện xúc động khi cùng với đồng nghiệp tự tay nấu hơn 100 suất mì Quảng dành cho 36 học sinh của mình cùng 34 trẻ chưa đủ tuổi tới trường ở nóc Tắk Pổ, xã Trà Tập được ăn ngon vào ngày Trung thu ngay sau ngày khai giảng năm học 2022-2023.

Đây không phải lần đầu, trước đó, cùng với câu lạc bộ “Kết nối yêu thương Nam Trà My”, cô giáo trẻ này cũng đã kêu gọi, kết nối các Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng 6 điểm trường, lắp đặt các bộ điện năng lượng mặt trời, hỗ trợ làm 30 nhà vệ sinh cho bà con tại làng Tắk Pổ… Mới đây nhất, đầu tháng 6 vừa qua, cùng với sự hỗ trợ của CLB Bạn thương nhau, chương trình “Đi học trên núi”, cô giáo cũng đã tổ chức một “tour” du lịch lần đầu tiên cho các em học sinh ở vùng cao được xuống tham quan, vui chơi hai ngày ở TP Đà Nẵng. Được biết, năm 2015, cô Trà Thị Thu bước vào nghề giáo và cũng chừng ấy năm cô gái trẻ sinh năm 1994, quê ở vùng biển Thăng Bình, Quảng Nam gắn bó với các điểm trường thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập ở huyện miền núi Nam Trà My. Trong đó đã gắn bó 3 năm trời tại điểm trường Tắk Pổ, nằm trên đỉnh Ngọc Linh, cách trung tâm xã khoảng hơn 8 km, mỗi năm học chỉ có khoảng hơn 30 học sinh là con em đồng bào Ca Dong. Muốn đến được điểm trường, từ điểm trường chính, vừa đi xe máy, vừa lội bộ hơn 4 tiếng đồng hồ mới đến lớp.

Cùng “cõng” nhà vệ sinh về làng - Anh 3

 Các bạn đoàn viên, người làng, trẻ em cùng nhau "cõng" vật liệu về làng làm nhà vệ sinh

Những năm gắn bó với học trò vùng cao, cô giáo này đã tận tâm với hành trình gieo con chữ cho trẻ em vùng cao và nỗ lực kết nối, kêu gọi rất nhiều sự chung tay, góp sức của các Mạnh Thường Quân, những nhà hảo tâm để tổ chức những bữa ăn ngon đong đầy yêu thương, hỗ trợ điểm trường được xây dựng khang trang, kiên cố hơn. Từ sự kết nối của cô giáo Thu, hàng ngàn phần quà đã được các Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho học sinh và người dân, hỗ trợ mua sắm trang bị thiết bị dạy học, bàn ghế, máy tính, ti vi, đồ chơi,… cho học sinh và thầy cô giáo. Điều cảm động là bên cạnh sự hỗ trợ từ Mạnh Thường Quân, mỗi khi có việc cần phải vận chuyển vật liệu làm trường, trang thiết bị dạy học, đào đường để các em học sinh đến trường..., cô giáo trẻ này luôn được già làng uy tín, cán bộ địa phương, đoàn thanh niên và bà con dân làng chung tay hỗ trợ, đóng góp công sức để mọi việc diễn ra thuận tiện, nhanh chóng cho các em học sinh.

Mỗi khi thiên tai, bão lũ, hay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, từ những thông tin, hình ảnh được cô ghi lại từ thực tế ở vùng cao, cùng với sự kêu gọi, kết nối, nhiều hỗ trợ sinh kế, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ thực phẩm, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19… đã được các Mạnh Thường Quân gởi ủng hộ đồng bào và học sinh ở những điểm trường vùng cao thông qua cô giáo. Với những đóng góp của mình, cô Thu đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

 THU HOÀI; ảnh: T.THU

Ý kiến bạn đọc