Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 6): Định vị được vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế đất nước

VHO- Nhận nhiệm vụ “tư lệnh” ngành VHTTDL nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở Việt Nam và thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những chỉ đạo quyết liệt, thể hiện rõ quyết tâm hành động và khát vọng cống hiến, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 6): Định vị được vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế đất nước - Anh 1

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 (ngày 15.3.2023) Ảnh: NHẬT BẮC

 Đồng hành cùng doanh nghiệp, giữ chân người lao động

Để du lịch sớm phục hồi và phát triển bền vững sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành Du lịch ngoài các nhiệm vụ được giao của năm, cần phải có những cách tiếp cận mới, mục tiêu mới và cách định hình khác, đặt nền móng cho phát triển du lịch cả 5 năm của giai đoạn 2021- 2025, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Có thể nói, đại dịch Covid-19, đã tác động nặng nề đến mọi mặt kinh tế toàn cầu, khiến ngành Du lịch sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử và quay trở lại mức phát triển của 30 năm trước. Du lịch Việt Nam không là ngoại lệ. Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch, thế giới đã ghi nhận 96% các điểm đến áp dụng đóng cửa biên giới hoàn toàn hoặc một phần đối với du khách. Việt Nam có những lúc không có một du khách nào, ngừng toàn bộ các dịch vụ, đóng cửa các điểm tham quan, công ty lữ hành, khách sạn; du lịch hoàn toàn “đóng băng”. Đại dịch đã làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, đưa hoạt động của toàn xã hội cũng như của ngành Du lịch sang một trạng thái mới.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng liên tục có những chỉ đạo để hoạt động du lịch từng bước mở cửa trở lại, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành Du lịch. Trong đó, nổi bật nhất là gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; miễn, giảm lãi vay... Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch mức 3.710.000 đồng/người; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất... Trong thực tế, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng kể cả sức khỏe, tài chính, công việc cho tất cả mọi người, gây ra nỗi hoảng loạn chưa từng có trong lịch sử thì số tiền hỗ trợ không thấm vào đâu. Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất, sự hỗ trợ thiết thực này đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ với người dân, đặc biệt là người làm trong ngành Du lịch. Qua đó cũng cho thấy, Bộ VHTTDL rất quan tâm và mong muốn giữ chân các lao động, nguồn nhân lực đã được đào tạo, có kinh nghiệm, giỏi nghề.

Bộ VHTTDL cũng liên tục kiến nghị với các Bộ, ngành và Chính phủ ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch như: Chính sách về giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch. Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, áp dụng đến hết năm 2022. Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến hết năm 2022. Đề nghị điều chỉnh thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 24 tháng thay vì 12 tháng; xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện trong năm 2022 hoặc đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lao động ngành Du lịch.

Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi và thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó tập trung triển khai Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và chủ động tổ chức chương trình quảng bá điểm đến thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện nghệ thuật, du lịch thu hút du khách du lịch. Các địa phương cùng với doanh nghiệp đã chủ động hoàn thiện, làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm du lịch chủ đạo.

Mở cửa hoàn toàn từ rất sớm và những tính toán cho việc hồi phục

Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành Du lịch đã dần được phục hồi và từng bước nới lỏng hạn chế đi lại kể từ cuối năm 2021. Đặc biệt là từ ngày 15.3.2022, Việt Nam đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam là một trong 5 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch sớm nhất. Việc mở cửa sớm không những góp phần kích cầu các hoạt động du lịch trong nước mà còn thu hút khách du lịch nước ngoài trở lại Việt Nam sau dịch Covid-19. Việc Việt Nam mở cửa sớm còn có ý nghĩa về mặt chính trị, văn hóa - xã hội. Việc mở cửa sớm cũng cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch.

Tuy kết quả khách du lịch quốc tế năm 2022 không như mong muốn nhưng du lịch nội địa lại phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 103 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019. Sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau dịch Covid-19 là một điểm sáng của toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn trên toàn cầu. Trong đó, không thể không kể đến những nhận định chuẩn xác về việc khó phục hồi ngay du lịch quốc tế, kể cả khi mở cửa sớm. Đặc biệt là chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong việc tính toán lại thị trường, sản phẩm, cách quảng bá cho phù hợp với tình hình mới.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 6): Định vị được vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế đất nước - Anh 2

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo phục hồi và phát triển du lịch tại Nghệ An năm 2021 Ảnh: TRẦN HUẤN

Thay đổi tư duy và hành động

Ngay khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hơn lúc nào hết, Bộ VHTTDL cần phải định vị lại vị trí trong mối tương quan với các Bộ, ngành khác để phát huy, trân quý, giữ gìn những điều đã làm được và khắc phục những gì còn khó khăn, có chương trình hành động cụ thể, sát thực, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó phải làm rõ được ngành Du lịch

 đóng góp như thế nào cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng văn bản quản lý nhà nước, đề án, chiến lược cần chọn việc, chọn điểm để tổ chức thực hiện theo hướng dễ làm, dễ nhớ. Có những chương trình, dự án, đề án, kế hoạch cụ thể. Có sự phân công, phân nhiệm, giảm bớt tính hàn lâm trong các hoạt động để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Nhằm tạo nhiều dấu ấn đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Toàn ngành tập trung nghiên cứu, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ làm VHTTDL sang quản lý nhà nước về VHTTDL. Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch toàn diện, bền vững.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Bộ đã chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19.5.2022 về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm…

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 6): Định vị được vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế đất nước - Anh 3

 Du lịch nội địa đang là bệ đỡ trong khi du lịch quốc tế chưa thể phục hồi ngay sau đại dịch

Kiến tạo chính sách để phát triển du lịch bền vững

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục nêu cao vai trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa làm bệ đỡ trong bối cảnh Việt Nam từng bước lấy lại đà tăng trưởng thị trường quốc tế. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, Bộ, ngành khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch. Bộ Công an và các Bộ, ngành khác đã áp dụng giao dịch điện tử trong xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thường xuyên đi thực tế địa phương để nắm bắt tình hình, đưa ra các chỉ đạo sát thực tế trong quản lý ngành; làm việc và tham dự các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các địa phương về tình hình phát triển du lịch... Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch, dịch vụ có tính cạnh tranh. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đạt 60% kế hoạch của năm, du lịch nội địa duy trì sự phát triển ổn định.

Liên tục từ khi mở cửa, Bộ VHTTDL đẩy mạnh thông tin, truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch, giúp du lịch có bước phục hồi nhanh. Công tác chuyển đổi số trong du lịch được đẩy mạnh nhằm góp phần hình thành nền kinh tế số. Hệ sinh thái du lịch thông minh từng bước được xây dựng trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai Đề án “Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06”. Từ đó, thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách tham quan điểm đến… làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch trong thời gian tới.

Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hai Hội nghị toàn quốc về Du lịch trong vòng 3 tháng (Hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”, tháng 12.2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch tháng 3.2023) cho thấy sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với ngành. Tại 2 Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã thay mặt ngành Du lịch đề xuất Chính phủ các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo cơ chế cởi mở, thuận lợi để phát triển. Trong đó, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù; chính sách visa thông thoáng; tổ chức chuyên nghiệp, hiệu quả các chương trình xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc…

Cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan, công bằng là thời gian vừa qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành Du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại. Một phần là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự phục hồi, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, giá vé máy bay cao, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới… Phần nữa là do khách du lịch quốc tế cũng chưa sẵn sàng đi du lịch và cần có thời gian tích lũy tài chính sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo toàn ngành chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng. Trong đó, tập trung định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường.

Để ngành Du lịch đẩy nhanh phục hồi, phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu ngành Du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 82 của Chính phủ. 

 NGUYỄN ANH

 

Ý kiến bạn đọc