“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi”

VHO- Phát động trong một thời gian ngắn, Giải thưởng Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và hào hứng tham gia của các nhà báo, phóng viên theo dõi các lĩnh vực này tại các cơ quan báo chí. Ngay tại Lễ phát động cách đây gần bảy tháng, nhiều nhà báo đã giãi bày: “Giải thưởng đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu sự mong mỏi bấy lâu của cánh nhà báo chúng tôi”.

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 1

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển VHTTDL” lần thứ nhất Ảnh: TRẦN HUẤN

 Cần lấy cái đẹp dẹp cái xấu

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 2

Quan sát đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân hiện nay, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp, trong sáng, tử tế thì cái xấu, cái ác, cái tiêu cực cũng cùng hiện hữu. Do vậy, không ít người cho rằng đạo đức xã hội đang có chiều hướng xuống cấp; bạo lực hay diễn ra, chỉ cần một sự va quẹt xe ngoài đường, một cái nhìn thiếu thiện chí trong quán ăn, một lời nói thiếu cẩn trọng trong giao tiếp…, thì cũng dẫn đến ẩu đả một cách dã man, có trường hợp gây thương tích nặng nề hoặc tử vong. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng không chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thậm chí trong các lĩnh vực mà xã hội từng rất coi trọng như giáo dục, y tế, báo chí, lực lượng vũ trang, thi đua khen thưởng…

Vì vậy, bên cạnh việc phê phán các hiện tượng tiêu cực nói trên thì báo chí cần đặc biệt chú trọng đề cao các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động những con người tử tế cùng những việc làm tình nghĩa, giàu tính nhân văn, ca ngợi những gương người tốt việc tốt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… Thực tế cho thấy phương pháp “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” là một cách làm hay và hiệu quả của báo chí cần được trân trọng.

Việc giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc gần đây cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm, như tu bổ di tích tuỳ tiện dẫn đến làm mất đi các yếu tố gốc, thậm chí làm biến dạng di tích; khai thác di tích phục vụ du lịch nhưng thiếu trách nhiệm bảo vệ khiến di tích hư hỏng, xuống cấp, sai lệch; hoặc lợi dụng các lễ hội truyền thống để trục lợi, để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan như đồng bóng, bói toán, cúng sao giải hạn, xin quẻ v.v…

Di sản văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Việc ứng xử với di sản văn hóa thể hiện đạo lý của chúng ta đối với các thế hệ cha ông, thể hiện trách nhiệm của chúng ta trong việc bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước đối với các thế hệ hiện nay và mai sau. Do vậy, báo chí nói chung và báo chí của ngành Văn hóa nói riêng cần nỗ lực truyên truyền cho nhiệm vụ gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

(NSND HUỲNH HÙNG, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng)

Muốn làm được tốt trước hết phải luôn trau dồi nghề nghiệp

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 3

Chúng tôi chờ Giải thưởng này từ lâu lắm rồi. Tôi cũng là phóng viên về văn hóa, nghệ thuật, cụ thể được phân công đảm nhận các chương trình trong Không gian văn hóa nghệ thuật, phát sóng 9h45’ mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV1. Chương trình như một tờ tạp chí về đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà diễn ra trong tuần, bởi vậy mang đậm tính báo chí. Để chương trình hay, hấp dẫn trên sóng với độ dài 45’, chúng tôi phải tính toán rất kỹ từ việc lên ý tưởng, đề tài, chủ đề, khách mời tham gia ghi hình tại trường quay đến nội dung các phóng sự lõi phục vụ chủ đề chương trình. Cũng bởi đây là chương trình đề cập đến mọi vấn đề của đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà, đậm tính chính luận, chuyên sâu, nên đối tượng khách mời của chúng tôi đều là những chuyên gia, những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các nhà báo, nhà chuyên môn, giới phê bình, lý luận…

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng: Muốn làm được tốt trước hết phải luôn trau dồi nghề nghiệp, đọc - nghiên cứu, tìm hiểu nhiều thông tin và kiến thức xung quanh các vấn đề của văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, phải luôn bám sát thực tiễn sôi động, phong phú của đời sống văn học nghệ thuật nước nhà một cách khách quan và trung thực. Để từ đó tìm ra các vấn đề nổi bật mà xã hội quan tâm đưa vào chương trình, qua đó góp phần thúc đẩy sáng tạo, định hướng thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng. Điều quan trọng hơn cả đó là chúng tôi luôn mong muốn được kéo khán giả về phía mình. Được đồng hành, được công chúng quan tâm, theo dõi đó là niềm vui, là phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi. Và đó cũng luôn là cái đích mà bất cứ người làm truyền hình nào cũng mong muốn và hướng tới.

(Nhà báo ĐOÀN HẢI YẾN, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam)

Động lực cho người làm báo tìm tòi, đào sâu hơn các vấn đề, góc cạnh

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 4

Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất tạo động lực cho những người làm báo tìm tòi, đào sâu hơn các vấn đề, góc cạnh của đời sống Văn hóa, Thể thao, Du lịch và gia đình. Trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, báo chí cũng không tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của tin tức nhanh, bắt xu hướng từng giờ từng ngày, thậm chí đôi khi chạy theo thị hiếu “ăn liền” của một bộ phận độc giả. Chính vì thế, giải báo chí “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” là cơ hội, là sân chơi cho những người làm nghề nhìn sâu, mổ xẻ kỹ lưỡng nhiều vấn đề có sự bao phủ rộng, tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của xã hội.

Bên cạnh những tác phẩm lan tỏa tấm gương điển hình tiên tiến, nêu bật những thành tựu của ngành, với vai trò phản biện xã hội, nhà báo sẽ có tác phẩm phản ánh những hiện tượng chưa đẹp trong đời sống. Góc nhìn và quan điểm phê phán trước những sự xấu xí này không nhằm bôi đen, mà hơn hết người làm báo có tính xây dựng sẽ đề xuất giải pháp chấn chỉnh, nhằm góp phần nhân lên điều tốt đẹp, đóng góp cho sự phát triển chung của ngành VHTTDL.

(Nhà báo TOAN TOAN, Báo Tiền Phong)

Tiếng nói của người cầm bút vì sự nghiệp phát triển VHTTDL

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 5

Tòa soạn của tôi, rất nhiều nhà báo giành giải thưởng từ Giải báo chí quốc gia, tới giải của các Bộ, ngành theo dõi.

Ban của tôi trước kia chỉ đặt tên cate là Giải trí, những vấn đề văn hóa cũng đăng vào mục này, chính vì thế, nhiều độc giả cảm thấy như “văn hóa” không được trân trọng, nó như một thứ giải trí. Và đương nhiên, những bài viết của chúng tôi tự nhiên cũng bị co lại, “tự ti” không tham gia tranh giải thưởng dù chúng tôi triển khai khá nhiều đề tài liên quan tới lĩnh vực văn hóa, di sản.

Sếp của tôi hay đùa rằng, bao giờ có giải giành cho lĩnh vực văn hóa nhỉ? Mong mỏi đó đã thành hiện thực khi Bộ VHTTDL tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất.

Không phải Bộ chưa quan tâm vinh danh những cây bút trong lĩnh vực này, trước đó, Bộ tổ chức trao bằng khen cho những tác giả cống hiến miệt mài vì sự nghiệp văn hóa, tôi đã từng được nhận. Nhưng giải thưởng lần này chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Nhóm phóng viên theo dõi mảng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bàn tán sôi nổi kể từ khi phát động giải. Hy vọng rằng, tiếng nói của người cầm bút, cùng với sự ghi nhận của cơ quan quản lý, sự nghiệp vì văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam ngày càng phát triển.

(Nhà báo LÊ THÚY TÌNH, Báo VietNam Net)

 Đáp ứng đúng và trúng nhu cầu, sự mong mỏi bấy lâu của các nhà báo

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 6

Giải thưởng Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” ra đời vào thời điểm Đảng, Nhà nước đẩy mạnh các chủ trương nâng tầm văn hóa, đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; chấn hưng nền văn hóa đất nước, đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu, sự mong mỏi bấy lâu của các nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Giải thưởng này sẽ như một đòn bẩy cực mạnh để các nhà báo, các cơ quan báo chí… đầu tư hơn trong việc xây dựng các tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh đúng thực tế của văn hóa và đưa ra những giải pháp thúc đẩy sự phát triển văn hóa.

Là người theo sát giải thưởng từ đầu và nhiệt tình gửi tác phẩm dự thi, tôi đặt toàn bộ niềm tin của mình vào giải thưởng lần này. Ngay ở Hội đồng Giám khảo chấm các vòng Sơ khảo, Chung khảo… đã cho chúng tôi có được niềm tin đó. Quan trọng hơn cả đó là các tiêu chí chấm giải rất rõ ràng và có sự linh hoạt về mặt thời gian để giải thưởng thực sự là diễn đàn, là tiếng nói, là cơ hội để những người làm báo thể hiện tài năng, cống hiến tâm huyết và đóng góp những kiến giải sâu sắc, giúp cho các cơ quan quản lý văn hóa có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về lĩnh vực của mình.

(Nhà báo HÀ TÙNG LONG, Báo điện tử Dân Việt)

Vui mừng và háo hức tham gia giải thưởng

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 7

Đây là lần đầu tiên giới phóng viên theo dõi văn hóa trên toàn quốc có một giải báo chí dành riêng sau nhiều năm chờ đợi. Tôi rất vui mừng và háo hức tham gia giải thưởng này, bởi lẽ trước giờ có khá ít tác phẩm báo chí viết về văn hóa đoạt giải cao tại các giải báo chí khác. Có một “sân chơi” dành riêng cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cũng là cơ hội để các anh chị em phóng viên thỏa sức thể hiện tài năng, tâm huyết với ngành thông qua những tác phẩm, chùm tác phẩm chất lượng.

Bản thân tôi đã theo dõi văn hóa, du lịch nhiều năm qua, cũng hưởng ứng giải bằng cách đóng góp 3 chùm bài dự thi, phản ánh những nỗ lực vượt qua khó khăn của toàn ngành Văn hóa trong công cuộc phát triển Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc trên tinh thần “quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”. Không chỉ nêu những thành tựu, kết quả đạt được mà còn phản ánh những khía cạnh còn tồn tại, vướng mắc cần toàn ngành chung tay giải quyết để ngành phát triển bền vững trong thời gian tới...

(Nhà báo HÀ THANH GIANG, TTXVN)

Kịp thời và cần thiết

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 8

Trong khi các giải thưởng báo chí về lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội nhiều thì giải thưởng báo chí về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch chưa có. Vì vậy, sự ra đời của giải thưởng này là kịp thời và cần thiết. Giải thưởng cũng thêm một “sân chơi” cho chúng tôi, nhất là cánh phóng viên báo chí chuyên về lĩnh vực này.

Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ thêm chuyện nghề nghiệp. Cái khó của phóng viên văn hóa nói riêng và của phóng viên nói chung hiện nay đó là làm việc trong môi trường báo chí điện tử, phải chạy đua với mạng xã hội. Điều này khiến cho phóng viên luôn phải gồng mình chạy đua sản xuất tin, bài “nhanh, nhiều, rẻ” theo đòi hỏi của tòa soạn và cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các báo với nhau và giữa báo với mạng xã hội. Vì thế rất khó để phóng viên viết được những bài viết chất lượng, nhiều chất văn hóa. Ngoài ra bệnh “lười” đọc, xem cái gì dài và cần suy nghĩ của người đọc hiện nay cũng làm nản lòng nỗ lực của các phóng viên muốn viết tử tế.

Gần đây, những câu chuyện chia sẻ giữa mấy chị em phóng viên chúng tôi, rất tiếc lại thường là nhiều tiếng thở dài. Tôi đã và đang chứng kiến những nhà báo giỏi nghề và tâm huyết quyết định chia tay với nghề hoặc còn ở lại thì nhiều người nản vì cảm giác mình đã thành quá cũ, quá già với cách làm báo hiện nay. Nhất là các anh chị vốn xuất phát là người làm báo giấy, phải vận động để thích nghi làm thêm báo điện tử.

Đối với áp lực từ toà soạn, kinh nghiệm của tôi là, phóng viên ngoài việc có sức lao động bền bỉ, chịu được áp lực công việc lớn thì còn phải rất bản lĩnh để giữ được những tiêu chuẩn nghề nghiệp khắt khe mà một phóng viên chuyên nghiệp và có khát vọng làm nghề tử tế phải tự đặt ra cho mình. Một trong những tiêu chuẩn đó với tôi là cố gắng vươn tới tính nhân văn trong mỗi bài báo. Dù viết về người tốt việc tốt hay những việc chưa tốt, những tiêu cực thì đều phải hướng tới tinh thần chung là tính nhân văn, nâng đỡ con người. Tất nhiên đây chỉ là những tố chất khác bên cạnh những yêu cầu cơ bản như có kỹ năng tốt, hiểu biết rộng, sâu về lĩnh vực, có nguồn tin tốt...

Đối với việc bạn đọc ít lựa chọn các bài báo có giá trị mà bị hút vào những tin bài giật gân, nhà báo cần mạnh mẽ vững tin vào việc mình làm, và tiếp tục kiên trì với công việc của một người làm vườn cần mẫn gieo trồng những hạt giống thiện, lành. Trước tiên nhà báo phải có niềm tin vững chắc vào việc mình làm, những bài báo tử tế mình viết thì rồi độc giả cũng sẽ nhận ra những gì thực giá trị cho cuộc đời.

(Nhà báo ĐOÀN THỊ THÚY HƯƠNG, bút danh Thiên Điểu) Báo Tuổi Trẻ TP.HCM)

Thấm nhuần tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng: Văn hóa còn thì dân tộc còn…

“Chúng tôi mong chờ Giải thưởng Báo chí này từ lâu lắm rồi” - Anh 9

Thấm nhuần tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, phát huy vai trò làm báo, những năm qua, những người làm báo tại Báo Sơn La đã tập trung cao độ trong tuyên truyền sâu rộng, giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát hiện những điển hình tiên tiến đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch để tuyên truyền, nhân rộng.

Tham gia giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất năm 2023, với mong muốn góp phần vào thành công giải, chúng tôi sẽ thể hiện và gửi dự thi những tác phẩm bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật có tính chính xác, khách quan nhất. Nội dung tác phẩm nêu những vấn đề về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao, với cách thể hiện tác phẩm hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới, phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

(Nhà báo LÊ QUỲNH NGỌC, Báo Sơn La)

 

HÀ PHƯƠNG - THÚY HIỀN - NGỌC DIÊN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc