Tạo đột phá trong khát vọng xây dựng gia đình hạnh phúc

VHO- “Mục đích lớn nhất của công tác quản lý nhà nước về gia đình là hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp để làm sao mỗi gia đình Việt Nam luôn lấy hạnh phúc làm khát vọng hàng đầu. Để làm được điều này, Vụ Gia đình cần tích cực nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo Bộ đề ra những giải pháp hiệu quả để công tác quản lý nhà nước về gia đình chuyển biến mạnh mẽ”…

Tạo đột phá trong khát vọng xây dựng gia đình hạnh phúc - Anh 1

 Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chí cụ thể và được phát động trên khắp các tỉnh, thành

Trong muôn vàn những vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, người đứng đầu ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ngay từ ngày đầu tiếp cận với lĩnh vực này đã xác định như vậy. Và dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ, công tác gia đình đã có những bứt phá nổi trội.

“Định vị” nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về gia đình

Dấu ấn lớn nhất là nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, thể hiện rõ ở các văn bản của công tác gia đình đã từng bước được hoàn thiện thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp của nhà nước. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản như: Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030… Đồng thời, chỉ đạo cơ quan tham mưu triển khai các nhiệm vụ thường xuyên như: Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, các nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới trong gia đình tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trên cả nước… Các văn bản đã được triển khai tới các Bộ, ban, ngành liên quan và tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, là cơ sở để xây dựng Kế hoạch triển khai công tác gia đình hằng năm.

Công tác truyền thông cũng được lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo Vụ Gia đình đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa loại hình, kênh thông tin để các tầng lớp nhân dân có thể tiếp cận được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về gia đình. Các kênh truyền thông về lĩnh vực gia đình đã được đẩy mạnh thời gian qua như: Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam, báo Văn Hóa, báo Pháp luật Việt Nam, báo Điện tử Tổ quốc…

Điểm nổi bật nhất trong quản lý nhà nước về công tác gia đình là Bộ VHTTDL đã xây dựng và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV (Luật số 13/2022/QH15 ngày 14.11.2022). Luật có nhiều điểm mới tiến bộ, khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành; trong đó tập trung hỗ trợ người bị BLGĐ, nhất là đối tượng yếu thế trong gia đình; các điều kiện bảo đảm cho công tác PCBLGĐ. Để triển khai thi hành Luật PCBLGĐ, lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo Vụ Gia đình tham mưu xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Có được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới phải kể tới sự đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong công tác chỉ đạo cũng như trực tiếp tham gia bảo vệ đầy quyết liệt và thuyết phục tại nhiều phiên họp, hội nghị, hội thảo tiếp thu, giải trình ý kiến do Quốc hội tổ chức về rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật. Lãnh đạo Bộ đã vượt qua nhiều “cửa ải” của quy trình từ dự thảo đến sửa chữa, hoàn thiện và cuối cùng là đạt cái đích là từ 1.7.2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực thi hành. Tại bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu, sự kiện “Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình” được bình chọn là sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2022.

Xác định hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới

Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24.11.2021. Trong đó, Hệ giá trị gia đình được xác lập rất rõ với giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc sẽ là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc, đó cũng là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc, thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng... Từ đó, đưa nước ta hội nhập sâu rộng quốc tế song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới và đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Vụ trưởng Vụ Gia đình, TS Trần Tuyết Ánh chia sẻ: “Tại phiên họp đầu tiên với Vụ Gia đình, đánh giá về những vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những nhận định và chỉ đạo xác đáng. Bộ trưởng cho rằng, những người làm công tác quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ của xã hội mà của chính mình để có một cách tiếp cận mới, mạnh dạn tháo gỡ dần những vướng mắc để tạo sự đột phá trong công tác quản lý gia đình nói riêng và cái đích lớn nhất là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Điều này không chỉ là trách nhiệm của Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL mà còn là trách nhiệm cần phối hợp thực hiện của tất cả các Bộ, Ban, ngành, tổ chức, xã hội và mỗi thành viên trong gia đình”.

Năm 2020-2021, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên toàn quốc. Sau 2 năm thí điểm thành công, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân, Bộ đã tổng kết và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn. Bộ cũng đã kịp thời hướng dẫn các Bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 Năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2002 - 28.6.2022); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các chương trình, đề án về công tác gia đình trên phạm vi cả nước...

Năm 2022, Vụ Gia đình là tập thể tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu trong các tập thể của Bộ VHTTDL đón nhận cờ thi đua của Chính phủ, điều này đã chứng tỏ dấu ấn của cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình. Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh cho biết thêm: “Hiện Bộ trưởng đang chỉ đạo Vụ Gia đình triển khai nhiệm vụ của chiến lược phát triển gia đình đến 2030, Kế hoạch định thí điểm xây dựng Tiêu chí gia đình hạnh phúc tại Yên Bái và TP.HCM, Nghiên cứu đề xuất thử nghiệm mô hình dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn tại Hải Phòng và Bình Dương năm 2022-2023; định hướng đến 2030. Vụ Gia đình đang đề xuất các nhiệm vụ về Xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; Hoàn thiện và triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Văn hóa ứng xử và giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; Thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045…”.

Đánh giá cao sự vào cuộc của nhiều Bộ, Ban, ngành và tổ chức trong các hoạt động của công tác gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Sự chung tay của toàn xã hội với cơ quan quản lý nhà nước đã mang lại những kết quả tích cực của công tác gia đình trong tổng thể chung các thành tựu của văn hóa, thể thao, du lịch. Công tác gia đình cần phải nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển. Qua đó, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh giúp cho ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn được sự xuống cấp đạo đức. Phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển” của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2020-2025 rất cần những người làm công tác quản lý nhà nước về gia đình đặt lên hàng đầu”.

Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và toàn xã hội cho thấy gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội. Vai trò đặc trưng và ý nghĩa quan trọng nhất của gia đình là duy trì nòi giống và nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người suốt cuộc đời. Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt thì xã hội mới phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc