Đi tìm dấu tích "hoa cái" vua Tây Sơn

VHO- Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều người ở Huế đã lan truyền nhau về câu chuyện ba vò "hoa cái" (đựng xương sọ) của các vị vua triều Tây Sơn bị biệt giam trong Ngục Thất nhà Nguyễn, đã biến mất trong cuộc tháo chạy của quan quân triều đình và tù nhân khi xảy ra chính biến thất thủ Kinh đô năm 1885. Từ đó đến nay, nhiều chuyên gia vẫn quan tâm, theo đuổi nghiên cứu để mong tìm ra nơi chôn cất và thờ các vò xương sọ ấy.

Đi tìm dấu tích

 Mặt trước Miếu Đôi có hai cổng vào, cùng hàng tường rào dày đã phủ rêu phong

Nhiều nhà nghiên cứu đã điền dã, khảo cứu tư liệu trong suốt hơn 6 tháng qua để có bước đầu đặt ra những nghi vấn về công trình Miếu Đôi tại làng Dạ Lê Chánh, và rằng đây có phải là nơi thờ hai vò xương sọ của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ triều Tây Sơn.

Miếu Đôi thờ ai?

Cuối tuần qua chúng tôi có dịp cùng với thành viên của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm về lịch sử triều Tây Sơn tại Thừa Thiên Huế đến dâng hương và khảo sát tại công trình Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân, TP Huế.

Theo con đường hẹp ven bờ mương dẫn đến bãi đất cuối xóm Hói là khu Miếu Đôi mà dân làng vẫn thường hương khói. Công trình khu miếu nằm trên một doi đất cuối làng Dạ Lê Chánh, trước mặt là đồng ruộng, phía bên kia là làng Thanh Thủy Chánh (hay Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy). Miếu Đôi gồm hai miếu, nằm cách nhau khoảng 2,3m, có tường các góc. Mỗi miếu có chiều ngang 2,95m và chiều dài 3,83m, mái lợp ngói âm dương. Lối kiến trúc, vật liệu của hai miếu hoàn toàn tương đồng nhau. Trong mỗi miếu có dựng trụ cột gỗ dạng nhà giàn, ba mặt (mặt trước và hai bên) trống, mặt sau có bệ thờ và vài tấm ván nhỏ làm vách hậu. Trên bệ thờ có bát hương, không có bài vị, không có bất cứ ghi chú nào trên vách hậu. Xung quanh Miếu Đôi có dãy tường dày bao bọc ba mặt, rêu phong đã phủ đầy, có đoạn tường đã xuống cấp và đổ nát. Mặt trước có hai cửa, mặt sau không có tường nhưng có một mô đất đã bị xói lở, cây cối xâm lấn.

Ông Nguyễn Hữu Tường, 72 tuổi, Trưởng làng Dạ Lê Chánh kể với chúng tôi, một trong hai miếu đã bị hư hại xuống cấp nghiêm trọng nên dân làng đã góp công góp sức để trùng tu, tôn tạo và vừa hoàn thành vào tháng 6 này. Ông Tường còn cho biết trong làng Dạ Lê Chánh có đình làng và nhiều đền miếu. Các miếu thờ đều có bài vị, có văn sớ cúng tế nhưng chỉ có Miếu Đôi là “trống trơn”. Đã trải qua bốn, năm đời, nhiều bậc cao niên trong làng cũng không rõ là miếu này được lập vào năm nào, thờ ai. Đây là điều rất lạ thường đối với các công trình đền, miếu ở làng xã. “Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà cửa, công trình ở xóm Hói đã bị bom đạn tàn phá nặng nề nhưng Miếu Đôi không hề bị hư hại. Hàng trăm năm qua, dân làng vẫn hương khói, gìn giữ Miếu Đôi. Nhiều người xưa trong làng cũng kể về những câu chuyện linh thiêng ở đây…”, ông Tường nói. Nhiều bậc cao niên và Trưởng các họ tộc tại làng Dạ Lê Chánh cũng mong mỏi tìm ra “gốc tích” của Miếu Đôi, để biết được thờ ai mà hương khói, thực hiện nghi lễ phù hợp. Những dấu tích bằng chữ Hán được khắc trên một trụ tiêu ở bên trong Miếu Đôi cho biết công trình này từng được trùng tu vào năm 1912 dưới thời vua Duy Tân. Còn lại gần như không có bất cứ thông tin gì về Miếu Đôi trong các văn sớ của làng. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, Tết, ngày rằm âm lịch, dân làng vẫn đến dâng hương tại Miếu Đôi chứ không biết khấn vái như thế nào.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế thông tin, tại Thừa Thiên Huế cũng có nhiều Miếu Đôi ở các làng, xã nhưng là những nơi thờ tự hữu danh, không có miếu nào ẩn danh như ở làng Dạ Lê Chánh. Như Miếu Đôi ở làng An Cựu, một ngôi miếu thờ Âm hồn, một thờ Phúc thần, sau này cả hai miếu có phối thờ thêm Thần tài, Thần thổ địa và các vị thần linh khác của làng An Cựu xưa; làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) có Miếu Đôi được dựng từ thời vua Tự Đức, một miếu thờ ngài khai canh làng, một miếu thờ ngài tổ nghề gốm của làng; Miếu Đôi xưa ở làng Thủy Thanh Chánh (đã bị phá hủy) thì các bậc bô lão cho biết thờ Lang Lại Nhị đại tướng quân…

Đi tìm dấu tích

 Miếu Đôi nằm cuối làng Dạ Lê Chánh, dân làng không biết thờ ai

Những câu chuyện của dân làng

Theo các sử liệu ghi lại, năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi mở ra triều đại nhà Nguyễn, ông đã trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn. Xương đầu lâu (xương sọ) của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản bị giam ở Nhà Đồ Ngoại, đến năm Minh Mạng thứ 2 thì chuyển vào giam ở Ngục Thất cấm cố mãi mãi.

Ngục Thất hay Khám Đường nằm ở góc Tây Nam của Kinh thành Huế, nay thuộc phường Tây Lộc, TP Huế. Dẫn lại “Ghi chú về những hài cốt của Tây Sơn trong nhà tù Khám Đường” của Nguyễn Đình Hòe, đăng trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Hué, nhà nghiên cứu Phan Thuận An dịch) năm 1914, có thông tin: Theo một câu chuyện có tính cách lịch sử, thì ở Khám Đường có ba cái vò, hai cái nhốt sọ của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ, cái thứ ba đựng hài cốt hoặc của Nguyễn Văn Lữ hoặc của Nguyễn Quang Toản. Đó là điều người ta chưa biết được một cách chính xác. Ba cái vò này bị giam giữ trong những ngăn cách biệt nhau của Khám Đường, chúng bị xích lại và những cánh cửa của các ngăn ấy đều bị niêm phong. Mỗi tháng đều có một phái đoàn đặc biệt đến xem xét, xác nhận lại sự phong bế ấy… Những cái vò ấy chắc đã biến mất vào thời kỳ xảy ra vụ âm mưu chiếm Huế năm 1885, các tù nhân trong khi đào thoát đã cố ý mang đi. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thanh Tùng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều người ở Huế đã truyền đời câu chuyện, sau chính biến thất thủ Kinh đô năm 1885, có một nhân vật trong triều đã ôm hai chiếc vò đi về hướng Đông Nam Kinh thành Huế.

Cuối năm 2022, các bậc cao niên trong làng Dạ Lê Chánh đã kể lại nhiều câu chuyện về sự xuất hiện “kỳ lạ” của Miếu Đôi và đặt ra nghi vấn liệu đây có phải là nơi thờ hai vò xương sọ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và vua Quang Trung Nguyễn Huệ, triều Tây Sơn? Từ những nghi vấn đó, các bậc cao niên làng Dạ Lê Chánh đã mời Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế cùng các nhà nghiên cứu về triều Tây Sơn tiếp tục quan tâm, làm rõ. Ông Nguyễn Đắc Lớn (90 tuổi) kể lại câu chuyện liên quan đến hai vò xương sọ mà ông đã nghe lại được từ ông nội Nguyễn Đắc Tiêu (là con trai của cụ Nguyễn Đắc Đạo, Phó Vệ Úy dưới triều Hàm Nghi).

Đó là đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị; súng bắn đùng đoàng, dân chúng quá sợ chen chúc chạy đạp lên nhau, quân lính cũng mạnh ai nấy chạy. Cụ cố Nguyễn Đắc Đạo và một số binh lính khi chạy ra hướng cửa Đông Ba thì gặp đoàn người cầm dao búa, gậy gộc bưng hai cái vò, tương truyền đựng hộp sọ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Họ chạy, bơi qua sông Hương, qua Cồn Hến, đến Vỹ Dại rồi qua Xuân Hòa về làng Dạ Lê Chánh thì trời gần sáng. Nhóm người đã vội vã đem chôn hai cái vò linh cốt trên một mô đất giữa đồng ruộng cuối làng, rồi tản đi các nơi khác. Hai năm sau có một trận lụt lớn, có thông tin nói lụt đã cuốn trôi mất hết nên dân làng đã lập miếu thờ, nhưng tuyệt đối không nói thờ ai.

“Nhà mình bốn đời là công bộc của triều Nguyễn, nếu lộ tin mình che giấu Tây Sơn là bị khép vào tội chết. Nay triều Nguyễn đã cáo rồi, ông mới nhắc lại chuyện cũ với cháu. Ông nội tôi kể nhiều lần, nhiều chi tiết, nhưng nay tôi đã gần 90 tuổi, trí nhớ giảm nên chỉ nhớ ngang mức đó”, ông Lớn cho hay. 

 Cuối năm 2022, các bậc cao niên trong làng Dạ Lê Chánh đã kể lại nhiều câu chuyện về sự xuất hiện “kỳ lạ” của Miếu Đôi và đặt ra nghi vấn liệu đây có phải là nơi thờ hai vò xương sọ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và vua Quang Trung Nguyễn Huệ, triều Tây Sơn? Từ những nghi vấn đó, các bậc cao niên làng Dạ Lê Chánh đã mời Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế cùng các nhà nghiên cứu về triều Tây Sơn tiếp tục quan tâm, làm rõ.

 

SƠN THÙY

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc