“Bội thực” với những…kỷ lục (Kỳ 2): Xác lập kiểu như thế bao giờ mới hết Kỷ lục?

VHO- Không phải đợi đến bây giờ mà cách đây năm, sáu năm nhiều ý kiến đã lên tiếng bày tỏ bức xúc trước việc rầm rộ kỷ lục “to nhất, dài nhất, nặng nhất…”. Đến mức họa sĩ, nhà nghiên cứu Lê Thiết Cương đã phải nhận định: Không quá khó để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thích hoành tráng, thích phô trương hình thức hào nhoáng kiểu trọc phú này. Cốt lõi vẫn là ở văn hóa.

“Bội thực” với những…kỷ lục (Kỳ 2): Xác lập kiểu như thế bao giờ mới hết Kỷ lục? - Anh 1

 Chiếc bánh tét được đánh dấu “Kỷ lục Việt Nam” lớn nhất nước Ảnh: CHƯƠNG ĐÀI

 Ông còn nói thêm rằng: “Cho dù mình nhỏ bé nhưng mình đứng trên một cái nền, cái phông văn hóa chắc chắn, dày dặn thì mình vẫn cao lớn. Ngược lại nếu cái gốc rễ văn hóa yếu, mỏng, thấp thì dù có cao to lênh khênh đến mấy cũng vẫn là thấp bé thôi”.

Kỷ lục phải cho ra kỷ lục chứ!

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện kỷ lục Việt Nam ngày càng rầm rộ cái “nhất”, PGS.TS, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết: “Phải nói thật là tôi rất ủng hộ Văn Hóa tiếp tục nêu vấn đề này, tạo diễn đàn để những ai quan tâm đến sự “lạm phát” kỷ lục Việt Nam bày tỏ ý kiến để cái chuyện ngày càng kỳ cục ấy giảm bớt đi. Vì có nhiều kỷ lục khi được công bố đã khiến cho dư luận xã hội hồ nghi về tiêu chí, quy chuẩn và cách đánh giá xác lập kỷ lục của Ban tổ chức, như kiểu chiếc bánh chưng lớn nhất từ trước đến nay hay chai rượu “khủng” hàng nghìn lít...”.

“Tôi rất đồng tình với ý kiến với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khi cho rằng, “việc trao kỷ lục như đã làm, đã được công bố rộng rãi trên truyền thông, thì thấy quá nhiều bất cập vì nó thiếu cơ sở cả về định lượng, định tính”. Có thể thấy việc xác lập hay công nhận trong thời gian qua là chưa ổn, cứ nhằm vào cái “nhất” để trao, trong khi đó những sản phẩm ấy dường như ít có giá trị tích cực, góp phần kích thích sự sáng tạo, tìm tòi. Với kiểu xác lập, công nhận kỷ lục như thế này thì không biết bao giờ mới có thể kết thúc… kỷ lục. Ai cũng biết, đã là kỷ lục thì phải có sức thuyết phục, phải nổi trội và có sức lan tỏa, điều chỉnh vào hoạt động của đời sống xã hội, phải làm biến đổi đời sống và phải có tính hướng đích, giúp những người khác phấn đấu để đạt được cái đích đó. Ví dụ như trường hợp ca nương Tú Thanh vừa qua đời vì bị tai nạn giao thông. Tú Thanh đã từng nhận bằng kỷ lục Việt Nam là ca nương trẻ tuổi nhất khi đó mới 6 tuổi, được phát hiện trong chương trình “Người hùng tí hon 2016”, là nghệ sĩ hát các dòng nhạc cổ truyền dân tộc nhỏ tuổi nhất nước. Kỷ lục này được trao khiến mọi người khi nghe Tú Thanh hát đều cảm thấy khâm phục tài năng đặc biệt nổi trội của cô bé. Vì thế, danh hiệu kỷ lục phải góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn chứ không thể có những kiểu như gói chiếc bánh chưng nặng cả nghìn kg để rồi không ai ăn được’, ông Bình nói.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, trong bối cảnh này cần làm gì để chấn chỉnh, đưa kỷ lục xứng đáng là kỷ lục Việt Nam là câu chuyện rất khó. “Tuy nhiên, theo tôi bản thân tổ chức ấy cần xem lại lại tôn chỉ mục đích hoạt động, phải tìm trong đời sống xã hội những giá trị đích thực có sức tác động tới đời sống, hối thúc sự vận động phát triển của xã hội chứ không thể công nhận máy móc bằng những con số thuần túy hoặc thích ai thì trao. Không có tiêu chí lựa chọn xác lập kỷ lục cụ thể, rõ ràng và minh bạch sẽ dẫn tới xu hướng vì chạy theo kỷ lục dẫn tới bịa kỷ lục”, ông Bình chia sẻ.

Kỷ lục… bánh tét có nhân xúc xích

Ở đóc độ của mình, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, việc đề ra các kỷ lục để các tổ chức, cá nhân thi đua xác lập và công nhận là cách khuyến khích mọi người phấn đấu để đạt đến những điều kỳ diệu trong lao động, sản xuất, nghiên cứu, sáng tạo… Cho nên việc công nhận hay xác lập kỷ lục thì không có gì đáng phải bàn.

“Tôi rất ủng hộ việc xác lập kỷ lục trong rèn luyện thân thể, ví dụ như là phấn đấu vươn lên, chạy nhanh hơn, nhảy xa hơn, leo núi được nhiều hơn, kể cả các kỷ lục làm vườn, làm nông với năng suất cao nhất, trái cây to nhất… Nghĩa là những kỷ lục ấy có ý nghĩa, giá trị, đóng góp vào đời sống xã hội. Cạnh đó, tôi cũng ủng hộ những kỷ lục trong lĩnh vực từ thiện xã hội. Người muốn xác lập kỷ lục họ sẽ đặt ra một mục tiêu, một câu chuyện, như muốn trở thành người bền bỉ tham gia công tác xã hội nhiều năm liên tục, hỗ trợ được bao nhiêu mảnh đời khó khăn, xây dựng được bao nhiêu cây cầu, nhà tình thương... Thế nhưng, thông thường những người có tâm làm từ thiện thì họ ít quan trọng đến danh hiệu hay thành tích, cho nên chúng ta ít khi thấy có những kỷ lục như vậy. Tuy nhiên, kỷ lục này nếu có sẽ rất thiết thực vì nếu như người ta đã đặt mục tiêu xác lập thì bản thân họ sẽ phấn đấu tham gia vào việc làm từ thiện an sinh trong xã hội, sẽ góp phần mang lại giá trị cho cộng đồng, nên nếu họ có muốn xác lập kỷ lục cũng sẽ được dư luận xã hội ủng hộ”, bà Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thế Thanh cũng cho rằng, “còn lại những kỷ lục khác cũng không có ý nghĩa lắm. Tôi nói thật là tà áo dài có dài thế chứ có dài nữa thì cũng chỉ trong một chốc lát thôi, vì sau đó cũng không đóng góp gì cho xã hội cả. Cùng lắm thì mang trưng bày rồi hết. Do đó cá nhân tôi, tôi không ủng hộ những thứ như vậy. Còn mỗi người họ có quyền, có sở thích riêng trong việc xác lập, tham gia các kỷ lục, nhưng về phần mình tôi chỉ ủng hộ những kỷ lục về lao động, rèn luyện, sáng tạo, nghiên cứu… Nếu nhiều người có suy nghĩ như vậy sẽ hạn chế được những thứ kỷ lục không có ý nghĩa, giá trị”.

Khi được hỏi về những kỷ lục Việt Nam gần đây, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, cho hay việc có một tổ chức để công nhận hoặc xác lập kỷ lục cũng là cần thiết, nhưng thiết nghĩ tiêu chí xác lập kỷ lục cần phải được bổ sung và quan tâm hơn nữa về ý nghĩa, giá trị. “Nói ví dụ, những người sưu tầm bộ sưu tập hiện vật nào đó với số lượng khá lớn là vì họ đã dành tâm huyết có khi cả đời để tìm kiếm, tuyển chọn, nghiên cứu và giá trị ấy đáng cho nhiều người ngưỡng mộ”, bà Cẩm nói. Còn ngược lại, theo bà Cẩm thấy có những cái, nếu chỉ lấy chuyện “to, nặng, dài nhất” ra để đo làm kỷ lục thì không hay, thậm chí phản cảm. “Cách đây nhiều năm, tôi nhớ vào dịp Tết Nguyên đán, có đòn bánh tét được xác lập kỷ lục là đòn bánh tét to nhất. Nhưng bánh tét là di sản ẩm thực trong đời sống văn hóa người Việt, dù có làm to thì cũng phải đảm bảo giá trị, cái hay, cái tinh túy của bánh. Tức là đòn bánh tét phải đầy đủ ý nghĩa và thành phần nguyên liệu mà ông bà ta đã xây dựng nên. Bánh tét truyền thống Việt phải đảm bảo bên ngoài nếp, bên trong nhân đậu xanh, thịt mỡ. Khi nấu thời gian dài thì những nguyên liệu này hòa quyện với nhau tạo thành hương vị rất thơm ngon, tinh tế, mang đậm giá trị Việt. Điều đó cũng để thấy sự khéo tay của người thợ gói… Thế nhưng, đến khi xác lập kỷ lục thì những người gói đã để vào trong đó xúc xích, rồi cắt ra cho người nước ngoài ăn. Tôi nghĩ họ sẽ cười mình, họ nghĩ hóa ra bánh tét của Việt Nam chỉ đơn giản như vậy, cũng lấy xúc xích của họ đưa vào bánh thì nét tinh túy nằm ở đâu?”, bà Cẩm thông tin.

Theo bà Cẩm, “dạo đó nói đến đòn bánh tét to, cắt ra nhân bên trong có xúc xích là tôi đã thấy khó chịu lắm. Xu thế ấy nếu mình không chỉnh ngay thì sẽ có các kiểu “to, nặng” khác, cũng lập nên kỷ lục. Gần đây nhất là chiếc áo dài được xác lập kỷ lục dài nhất, nặng nhất, nhưng tôi muốn đặt vấn đề, áo dài như vậy như vậy để làm gì, trong khi áo dài là để mặc, làm sao tiện dụng thì mới hay, đâu phải áo dài chỉ để treo. Sở dĩ áo dài trở thành di sản của người Việt là nhờ khi mặc vào nó đẹp, cái hay nữa là áo dài tiện dụng trong đời sống đương đại ngày nay, vậy tại sao mình không tự hào điều đó, tự nhiên mình làm ra chiếc áo dài nhất, to nhất, hoặc đính nhiều đá quý nhất, những cái đó chẳng có giá trị gì đối với di sản mà mình muốn tôn vinh”.

Bà Lê Tú Cẩm đề nghị, “theo tôi, việc công nhận kỷ lục cũng cần thiết nhưng tiêu chí phải rõ ràng hơn nữa, cần đảm bảo giá trị, ý nghĩa đích thực, tránh gây phản cảm, vì giá trị mà đã biến đổi thì không còn ý nghĩa gì nữa”.

 

 Có thể thấy việc xác lập hay công nhận trong thời gian qua là chưa ổn, cứ nhằm vào cái “nhất” để trao, trong khi đó những sản phẩm ấy dường như ít có giá trị tích cực, góp phần kích thích sự sáng tạo, tìm tòi. Với kiểu xác lập, công nhận kỷ lục như thế này thì không biết bao giờ mới có thể kết thúc… kỷ lục.

Đã là kỷ lục thì phải có sức thuyết phục, phải nổi trội và có sức lan tỏa, điều chỉnh vào hoạt động của đời sống xã hội, phải làm biến đổi đời sống và phải có tính hướng đích, giúp những người khác phấn đấu để đạt được cái đích đó.

(PGS.TS TRỊNH HÒA BÌNH)

THÚY HIỀN - THÙY TRANG

 (Còn nữa) 

Ý kiến bạn đọc