Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong

VHO - Tối 25.2 (nhằm ngày 16 tháng giêng), tại xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tổ chức lễ hội đập trống của người Ma Coong. Lễ hội là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn ở tỉnh Quảng Bình.

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 1

Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình)

Lễ hội đập trống là nét sinh hoạt tâm linh, tính ngưỡng đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ma Coong. Mỗi năm, lễ hội chỉ diễn ra một lần vào đêm 16 tháng giêng, để cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để cho những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò.

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 2

Không gian lễ hội được trang trí đẹp mắt

Ngay sau phát biểu khai mạc của lãnh đạo huyện, già làng Đinh Xon được dân bản tín nhiệm làm chủ lễ cúng Giàng. Mâm cỗ cúng Giàng được chuẩn bị gồm có: Rượu cần, gà, cá, xôi, bắp chuối rừng, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác...

Sau lễ cúng Giàng, bà con dân bản và cán bộ địa phương, các đại biểu đã cùng nhau uống rượu mừng mùa trăng mới, tham gia đập trống trong không khí vui tươi. Trống được đánh cho tới khi thủng, cũng là lúc những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò.

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 3

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 4

Chiếc trống được người Ma Coong chuẩn bị chu đáo, tỉ mĩ

Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó, người Ma Coong đã làm trống, dựng trại, chuẩn bị đồ ăn để đón tiếp người dân bản khác về dự.

Theo phong tục, để chuẩn bị chiếc trống cho đêm hội, những trai làng người Ma Coong lên rừng chọn cây chí cúp (một loại cây thuốc quý có cấu tạo khá đặc biệt với thân cây bị rỗng ruột sống trong rừng già Trường Sơn) để dùng làm tang trống. Tang trống được sử dụng trong nhiều năm, cho đến khi nào hỏng thì mới làm tang trống mới.

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 5

Trai bản có kinh nghiệm làm trống được "chọn mặt gửi vàng"

Da bịt trống là da của con bò to nhất bản được mổ trước đó nửa năm. Tới ngày hội, trai bản lấy tấm da đó bịt lên tang trống rồi dùng dây mây già néo chặt lại bằng những chốt tre mộng già.

Cùng với việc chuẩn bị trống, người Ma Coong còn chuẩn bị mâm cơm và các lễ vật để cúng Giàng. Trên hương án cúng Giàng trong đêm lễ hội, mỗi mâm cơn bao gồm một líp xôi, một con gà, một ít măng rừng, hoa chuối, ngọn mây, ngọn đoác và cá suối (được bắt lên từ suối cấm) và các sản vật của núi rừng.

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 6

Đinh Xon người có uy tín được chọn làm chủ lễ

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 7

Mỗi mâm cơn bao gồm một líp xôi, một con gà, một ít măng rừng, hoa chuối, ngọn mây, ngọn đoác và cá suối...

Trước mỗi mâm cơm là một ché rượu cần được nấu bằng men lá rừng thơm lừng và bồ nước suối trong mát. Mùa lễ hội năm nay càng thêm đủ đầy, ấm cúng hơn khi cả 18 bản trên địa bàn xã Thượng Trạch đã cùng chuẩn bị các lễ vật dâng lên Giàng trông đêm hội.

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 8

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch tham dự lễ hội

Lưu truyền và lan toả lễ hội đập trống của người Ma Coong - Anh 9

Đông đảo du khách miền xuôi và đồng bào miền ngược cùng tham gia lễ hội đập trống người Ma Coong

Ngày 27.8.2019, Bộ VHTTDL đã công nhận lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các bản sắc văn hóa đặc sắc trong lễ hội đã và đang được cộng đồng người Ma Coong bảo vệ, duy trì, thực hành, lưu truyền nguyên bản từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào; góp phần đa dạng thêm các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

TÂN BÌNH; ảnh: BÙI CƯỜNG

Ý kiến bạn đọc