Lại tràn lan quảng cáo vi phạm trên phương tiện giao thông

VHO - Thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, tình trạng quảng cáo vi phạm trên các phương tiện giao thông diễn ra ngày càng nhiều.

Lại tràn lan quảng cáo vi phạm trên phương tiện giao thông - Anh 1

 Một xe khách có dán biển quảng cáo cho sản phẩm nước mắm đang dừng, đỗ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

 Những đơn vị quảng cáo không biết vì vô tình hay cố ý mà ngang nhiên vi phạm, đưa hình ảnh, baner các sản phẩm, nhãn hàng tràn ngập trên các ô tô lớn, sau đó “diễu hành” qua những tuyến đường trung tâm của thành phố, “neo đậu” tại các khu vực tập trung đông người để tạo ấn tượng, thu hút người đi đường.

Còn nhớ đầu năm 2024, hình ảnh quảng cáo cho bộ phim điện ảnh Mai của Trấn Thành xuất hiện, nằm trong chiến lược truyền thông cho tác phẩm điện ảnh mới. Ít nhất 2 ô tô khách được trang trí như một pano di động để quảng cáo cho phim. Hành vi vi phạm phải chấm dứt khi cơ quan chức năng “thổi còi”. Trước đó, trong nhiều ngày, tại một số tuyến đường giao thông công cộng trên địa bàn TP.HCM, xe ô tô 47 chỗ này dán poster để quảng cáo cho bộ phim điện ảnh với nội dung: “Mai - một bộ phim của nghệ sĩ Trấn Thành. Bộ phim tình cảm gia đình cảm động nhất dịp Tết 2024”; “Mùng 1 Tết 2024”. Ngoài các dòng chữ thông tin cho phim, phần quảng cáo còn đi cùng hình ảnh của các diễn viên trong phim… Tại khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), trong nhiều ngày trước và trong Tết, chúng tôi cũng bắt gặp không ít xe ô tô lớn, dán hình ảnh quảng cáo cho nhiều nhãn hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghệ…, nổi bật cả một góc đường. Điều đáng nói là việc quảng cáo thể hiện trên toàn thân xe, cả mặt trước lẫn mặt sau, vượt quá diện tích cho phép quảng cáo. Các nội dung quảng cáo nói trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo, cụ thể tại Điều 32 và khoản 11, Điều 8 của Luật Quảng cáo.

Bà Lý Thị Hồng Loan, Phó Chánh Thanh tra Sở VHTT TP.HCM cho biết, tại Điều 32 Luật Quảng cáo quy định về quảng cáo trên phương tiện giao thông: “Quảng cáo trên phương tiện giao thông không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”. “Căn cứ theo quy định này, nếu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo vi phạm việc quảng cáo trên phương tiện giao thông tại Điều 32 Luật Quảng cáo, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo”, Phó Chánh Thanh tra Sở VHTT nhấn mạnh.

Lại tràn lan quảng cáo vi phạm trên phương tiện giao thông - Anh 2

 Nội dung quảng cáo phim Mai của Trấn Thành dán đầy trên thân xe ô tô khách loại 47 chỗ ngồi, vi phạm Luật Quảng cáo

Bên cạnh đó, trường hợp quảng cáo phim Mai của Trấn Thành còn vi phạm hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo theo khoản 11, Điều 8, khi sử dụng từ “nhất” mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. Cụ thể, tại khoản 11, Điều 8 của Luật Quảng cáo hiện hành, “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ VHTTDL”, đều bị cấm. Căn cứ theo điểm a, khoản 2, Điều 34 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, hành vi này bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Còn đối với trường hợp vi phạm tại Điều 32 Luật Quảng cáo hiện hành, đơn vị vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, với mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng…

Trước mức phạt tiền cho các vi phạm nói trên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt quá nhẹ nên không đủ dức răn đe, dẫn đến các vi phạm tràn lan. “Thay vì chi kinh phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống, có uy tín thì hiện nay có nhiều đơn vị, nhãn hàng đã ngang nhiên vi phạm quảng cáo, bằng hình thức trang trí ấn tượng trên các phương tiện giao thông cỡ lớn, lưu thông trên đường hoặc dừng đỗ tại khu vực trung tâm, để gây chú ý. Trong số các trường hợp sai phạm vì không nắm được luật thì cũng có không ít đơn vị chấp nhận đánh đổi, bỏ ra một mức phạt thấp để quảng cáo cho thương hiệu”, một chuyên gia truyền thông phân tích. Góc độ cơ quan chuyên môn, đại diện Sở VHTT TP.HCM cho biết, Sở không có thẩm quyền trong việc dừng phương tiện đang lưu thông trên đường. Mặt khác, liên quan việc quảng cáo trên phương tiện giao thông (như xe buýt, xe taxi, xe công nghệ, xe ô tô), UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT phối hợp Công an thành phố rà soát, kiểm tra, quản lý việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông.

Theo cơ quan Công an, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông, ngoài việc phải chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ thì cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định về quảng cáo trên phương tiện giao thông. Nếu trường hợp phát hiện vi phạm, ngoài áp dụng các quy định hiện hành theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và các quy định liên quan, tài xế sẽ bị tạm giữ Giấy phép lái xe, buộc phải tháo gỡ phần quảng cáo không đúng quy định… Thế nhưng, vì lợi ích thương mại trước mắt quá lớn, các nhãn hàng, đơn vị đã bất chấp, “làm ngơ” để quảng cáo cho sản phẩm. Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia đề xuất cần tăng mức phạt hoặc đưa ra các chế tài mạnh mẽ hơn để răn đe, tạo ra sự cạnh tranh công bằng, làm lành mạnh môi trường văn hóa quảng cáo hiện nay. 

 ANH HUY

Ý kiến bạn đọc