Hà Nội nhìn lại 405 lễ hội tổ chức đầu Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa tích cực nhưng vẫn còn hạt sạn

VHO - Một diện mạo khởi sắc, an toàn và lành mạnh là những “từ khóa” được Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh trong chuyển biến ở mùa lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024. Đến thời điểm này đã có 405 lễ hội được tổ chức trên địa bàn.

Hà Nội nhìn lại 405 lễ hội tổ chức đầu Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa tích cực nhưng vẫn còn hạt sạn - Anh 1

Nhiều lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống Ảnh: HOÀNG QUYÊN

Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội lưu ý, đánh giá, ghi nhận những chuyển biến, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh bất cập là việc cần làm ngay, chuẩn bị cho khoảng hơn 1.000 lễ hội sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm.

Đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, phản cảm

Điều đáng ghi nhận ở mùa lễ hội Xuân 2024 là sự sát sao của Sở VHTT Hà Nội trong công tác chỉ đạo, giám sát việc quản lý và tổ chức lễ hội. Cuối tuần qua, cuộc họp giao ban trực tuyến về nội dung này đã được Sở VHTT Hà Nội tổ chức.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 lễ hội, đến nay đã có 405 lễ hội đã diễn ra. Các lễ hội cơ bản diễn ra an toàn, văn minh, lành mạnh; ý thức người tham gia nâng cao, đặc biệt chú trọng về thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng, thu hút lượng lớn khách tham dự. Năm nay, 100% địa phương có văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý và tổ chức lễ hội, bám sát chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND thành phố và Sở VHTT. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày, Sở VHTT đều hướng dẫn các địa phương thành lập BCĐ các cấp chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia.

Đáng chú ý, so với nhiều năm trước, những điểm “nóng”, những hình ảnh, hiện tượng phản cảm, xấu xí, gây bức xúc trong dư luận đến nay đã cơ bản được đẩy lùi. Nhiều nét mới, tích cực được ghi nhận. Điển hình như tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), việc áp dụng hình thức bán vé điện tử đã tạo nên diện mạo văn minh, chuyên nghiệp, gia tăng sự minh bạch, công khai trong quản lý nguồn thu tại di tích. Việc bỏ bán vé tại 2 vị trí cổng, đưa vào bán vé tại các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông. Nhiều lễ hội tạo không gian văn hóa đậm bản sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách như lễ hội truyền thống “Tế khai sắc -Rước khai xuân” (quận Ba Đình) với nghi thức rước truyền thống, cùng với hội thi bày mâm lễ đẹp tạo ấn tượng mới mẻ trong ngày hội. Nhiều di tích của quận Ba Đình như đền Voi Phục, đền Quán Thánh thực hiện quản lý tiền công đức bằng mã quét QR code. Huyện Mê Linh tổ chức lễ khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng theo hình thức mới, điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping…

Tôn vinh bản sắc, khuyến khích các yếu tố sáng tạo, phát huy giá trị di sản để gắn kết, tạo sản phẩm du lịch văn hóa có đóng góp nguồn thu cho kinh tế địa phương là những mục tiêu hướng đến của công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Một trong những điểm nhấn năm nay là việc thành phố yêu cầu công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin của người dân và du khách. Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, “đường dây nóng” về lễ hội của thành phố chỉ nhận được 3 cuộc gọi, một tin nhắn phản ánh về công tác tổ chức lễ hội, trong đó 2 cuộc điện thoại của du khách phản ánh về việc sắp xếp xuồng đò tại chùa Hương, một cuộc gọi, một tin nhắn phản ánh về hoạt động cúng dâng sao giải hạn tại một chùa trên địa bàn quận Ba Đình. Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát không có hoạt động cúng dâng sao giải hạn như nội dung phản ánh.

Hà Nội nhìn lại 405 lễ hội tổ chức đầu Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa tích cực nhưng vẫn còn hạt sạn - Anh 2

 Du khách trẩy hội chùa Hương Ảnh: LÊ SƠN

Khắc phục hạn chế, tôn vinh bản sắc

Việc công khai đường dây nóng về lễ hội của Hà Nội được dư luận đánh giá cao. Mùa lễ hội 2024 cũng được ghi nhận với sự sát sao, giám sát chặt chẽ và quyết liệt của ngành văn hóa Thủ đô khi ngay từ mùng 3 Tết, lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn của Sở đã tỏa khắp các ngả đường lễ hội, kịp thời nắm bắt diễn biến, tình hình và nhanh chóng xử lý, khắc phục những bất cập nảy sinh.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, mùa lễ hội Hà Nội Xuân 2024 được đánh giá đã tổ chức khá thành công, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Tuy nhiên, cũng theo Sở VHTT Hà Nội, mặc dù đã có những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức nhưng tại một số lễ hội vẫn còn xảy ra những bất cập, hạn chế. Đơn cử, một số lễ hội còn có hiện tượng bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công suất lớn; vẫn còn các trò chơi ăn tiền, xem bói, giải quẻ ở một số lễ hội… Nhìn thẳng vào những bất cập, sớm tìm giải pháp chấn chỉnh cũng là cách làm đáng ghi nhận tại các địa phương ở mùa lễ hội 2024. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, một số điểm di tích, lễ hội truyền thống lớn vẫn để xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông; còn tình trạng người bán hàng trong khu vực lễ hội; thiếu thông tin, chỉ dẫn về điểm di tích. Ông Thăng đề xuất, thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện rà soát, thống kê lại các di tích, lễ hội để bổ sung thông tin, chỉ dẫn đầy đủ. Chậm nhất đến quý II năm 2024, 100% di tích có nơi thờ tự, hành lễ sẽ được bổ sung các biển thông tin.

Theo Trưởng phòng VHTT huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, cùng với các chuyển biến tích cực, tại lễ hội Gióng đền Sóc vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc, một số người đi lễ mặc trang phục chưa phù hợp... “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền để người đi lễ nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ những hoạt động cờ bạc trá hình tại lễ hội”, ông Phúc chia sẻ. Phó Giám đốc Sở VHTT Trần Thị Vân Anh lưu ý, các địa phương cần chú trọng phổ biến các quy định pháp luật về lễ hội đến cán bộ và nhân dân, đặc biệt liên tục tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội. Năm nay, lần đầu tiên áp dụng “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VHTTDL ban hành với nhiều tiêu chí cụ thể, các chuyển biến ban đầu đã được nhìn thấy. Bà Vân Anh yêu cầu việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí cần tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tạo dựng nên những không gian, môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực tại các lễ hội truyền thống.

Hà Nội còn khoảng hơn 1.000 lễ hội sẽ diễn ra từ nay đến hết năm. Đánh giá thẳng thắn, không né tránh, tại cuộc họp trực tuyến, Sở VHTT Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị truyền thống của các lễ hội cũng như những quy định cần tuân thủ trong quá trình tham gia lễ hội. Các BQL di tích, BTC lễ hội và chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức, thanh kiểm tra nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra đúng quy định, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Lãnh đạo Sở VHTT cũng yêu cầu, một số lễ hội cần kiểm soát tình trạng loa đài gây ồn ào, xử lý dứt điểm những hoạt động trục lợi, ảnh hưởng đến diện mạo văn minh của lễ hội. Chẳng hạn, lễ hội chùa Hương không để tình trạng phát loa đài trên các đò chở khách; các điểm di tích quản lý chặt chẽ hoạt động ghi nhận tiền công đức; phát hiện và xử lý những hiện tượng cờ bạc trá hình... 

 Từ nay đến cuối năm, với quyết tâm cao nhằm chấn chỉnh, đưa lễ hội thực sự đi vào nề nếp, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ thường xuyên đi kiểm tra, giám sát đột xuất công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương.

(Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội TRẦN THỊ VÂN ANH)

 Tính đến nay, “đường dây nóng” về lễ hội của Hà Nội chỉ nhận được 3 cuộc gọi, một tin nhắn phản ánh về công tác tổ chức lễ hội, trong đó 2 cuộc điện thoại của du khách phản ánh về việc sắp xếp xuồng đò tại chùa Hương; một cuộc gọi, một tin nhắn phản ánh về hoạt động cúng dâng sao giải hạn tại một chùa trên địa bàn quận Ba Đình.

 

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc