Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Cần tiếp cận theo góc nhìn mới

Thứ Tư 12/01/2022 | 09:47 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều xung đột, mâu thuẫn và bất ổn như hiện nay, văn hóa đối ngoại ngày càng giữ vai trò quan trọng, góp phần lan tỏa tinh thần khoan dung văn hóa, gia tăng sự đồng cảm và tăng cường kết nối giữa các dân tộc. Đối ngoại văn hóa cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp của các quốc gia.

 

 Bức “Chân dung Madam Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980) được Nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra với giá 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 72,5 tỉ đồng)

 Văn hóa đối ngoại là tổng thể các hoạt động ứng xử, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, nhằm giới thiệu những tinh hoa và giá trị của văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, mở rộng ảnh hưởng của văn hóa quốc gia trong cộng đồng quốc tế, hỗ trợ tích cực cho các loại hình đối ngoại khác về chính trị, kinh tế, giáo dục… Để nâng cao hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ trên mọi phương diện: Thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, đầu tư tài chính, các hoạt động văn hóa, truyền thông…

Giải pháp đầu tiên và trực tiếp nhất là tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu những tinh hoa của văn hóa nghệ thuật nước nhà ra nước ngoài, nâng cao chất lượng các sản phẩm và hoạt động văn hóa đối ngoại, làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Hiện nay, trong quá trình triển khai văn hóa đối ngoại, chúng ta phải tiếp cận vấn đề theo một cách mới, từ góc nhìn của kinh tế trong văn hóa, coi văn hóa là một nguồn lực nội sinh để phát triển công nghiệp văn hóa. Lồng ghép việc giới thiệu, xúc tiến, quảng bá các thương hiệu, sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam vào các hoạt động văn hóa đối ngoại. Bằng cách đó, chúng ta sẽ đạt được “mục tiêu kép”: Vừa giới thiệu, quảng bá được những nét hay, nét đẹp của văn hóa dân tộc, vừa mở rộng thị trường, xuất khẩu được hàng hóa và sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Do vậy, trước hết cần đa dạng hóa các loại hình, mô hình, phương thức giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động, sự kiện văn hóa. Cụ thể là các Ngày văn hóa, Tuần văn hóa Việt Nam, các Lễ hội văn hóa - du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch tại nước ngoài, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế lớn như EXPO, Biennale, các LHP nổi tiếng...

Để làm được điều đó, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, đạt chất lượng cao tham gia các LHP quốc tế có uy tín. Hiện nay, phim Việt Nam bắt đầu gây được sự chú ý ở các LHP quốc tế lớn, một số phim đã đoạt giải cao như: Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung, Cha và con, Đảo của dân ngụ cư, Cha cõng con, Song lang, Nhắm mắt thấy mùa hè... Một số bộ phim công chiếu thành công và có doanh thu lớn ở nước ngoài như Bố già, Hai Phượng…

Chúng ta cần phát huy những bài học thành công đó sang các lĩnh vực khác như tăng cường tổ chức các triển lãm mỹ thuật có chất lượng cao, giới thiệu các bộ sưu tập hội họa, các tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, mỹ thuật Việt Nam không hề thua kém mỹ thuật thế giới cả ở phương diện truyền thống lẫn hiện đại. Những tác phẩm tranh sơn mài, tranh lụa, tranh khắc gỗ truyền thống, các kiệt tác của “thế hệ vàng” Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, sáng tác của các họa sĩ đương đại ngày nay là những minh chứng thuyết phục về điều đó.

Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam những năm gần đây cũng rất khởi sắc. Xuất hiện một thế hệ các nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, biên đạo múa tài năng, tâm huyết, khai thác thành công những yếu tố bản sắc của văn hóa dân tộc đưa vào những tác phẩm mang đậm hơi thở thời đại. Sự thành công của những chương trình múa rối nước, xiếc tre Làng tôi, Teh Dar, múa Ngũ biến... với những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới là những bài học kinh nghiệm hay để chúng ta học hỏi, nhân rộng. Cũng cần phát huy tính độc đáo của các nhạc cụ dân tộc chế tác từ tự nhiên (tre, nứa, trúc, gỗ, đá, sừng trâu) như: Sáo, đàn t’rưng, klông put, tù và, đàn bầu, đàn đá… vốn rất hấp dẫn công chúng nước ngoài.

Chúng ta tự hào có một nền văn hóa lâu đời với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Tuy nhiên, việc quảng bá, khai thác kho tàng di sản này còn nhiều hạn chế. Cần đẩy mạnh hợp tác với các bảo tàng trên thế giới để giới thiệu về chiều sâu văn hóa, bề dầy văn hiến của dân tộc, nhất là các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống, diễn xướng dân gian… Ẩm thực cũng là một nét đặc sắc để quảng bá văn hóa dân tộc và khai thác phục vụ du lịch. Những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam liên tục lọt vào top các nền ẩm thực được yêu thích toàn cầu. Năm 2019, trang CNN đã đưa ẩm thực Việt Nam vào top 10 nền ẩm thực tốt nhất thế giới.

Bên cạnh đó, cần sáng tạo, đổi mới việc tổ chức các Ngày văn hóa, Tuần văn hóa Việt Nam, Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Phối hợp tổ chức các sự kiện, chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật có lồng ghép với các chương trình xúc tiến hợp tác về đầu tư, thương mại, du lịch, thể thao... Đẩy mạnh hợp tác sản xuất với các đối tác nước ngoài trên các lĩnh vực: Điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, múa… Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa lớn của quốc tế. Chẳng hạn, tiếp theo thành quả của những kỳ EXPO trước, chúng ta đang triển khai rất thành công EXPO 2021 tại Dubai.

Cùng với việc tiến hành các hoạt động, sự kiện văn hóa đối ngoại, chúng ta phải tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông quốc tế. Lựa chọn những ứng viên xứng đáng cho các danh hiệu Đại sứ Văn hóa, Đại sứ Du lịch của Việt Nam. Đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức truyền thông ra quốc tế bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Các cơ quan báo chí, truyền thông lớn của Việt Nam phải đẩy mạnh giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới, sản xuất băng đĩa, phim ảnh... có phụ đề bằng tiếng nước ngoài, xây dựng thư viện trên mạng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, áp dụng các loại hình truyền thông mới như mạng xã hội... để có thể phục vụ đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, chúng ta cần tổ chức truyền thông hiệu quả khi tiến hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở ngoài biên giới, thu hút sự tham gia của các hãng truyền thông uy tín tại địa bàn nước sở tại và các hãng truyền thông lớn trong khu vực và trên thế giới.

Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cần tăng cường việc dạy và học tiếng Việt, hỗ trợ cung cấp thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước. Có các chính sách phát huy trí tuệ, tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ Việt kiều tham gia các hoạt động văn hóa đối ngoại và phát triển văn hóa dân tộc. Thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, làm cầu nối để kết nối và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nhìn chung, đẩy mạnh văn hóa đối ngoại cũng chính là phương thức hữu hiệu để bảo vệ các giá trị bản sắc dân tộc và chủ quyền văn hóa quốc gia, làm đối trọng trước sự gia tăng sức mạnh mềm văn hóa đến từ những “làn sóng văn hóa” bên ngoài. 

 GS.TS TỪ THỊ LOAN (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top