Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021: Âm vang “Bình minh đất Việt”

Thứ Năm 18/11/2021 | 22:00 GMT+7

VHO-Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 đã khai mạc với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Bình minh đất Việt” diễn ra tối qua 18.11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Chủ  tịch  Quốc  hội  Vương  Đình  Huệ, Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt  trận Tổ quốc  Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng  quà cho đồng bào các dân tộc

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí Thư TƯ Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương; thành phố Hà Nội và các đại biểu nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân đại diện 54 dân tộc anh em…

Hoạt động ý nghĩa trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc

Phát biểu khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thiết thực chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống của Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2021), 76 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.1945 – 23.11.2021), hướng tới Hội nghị văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ ngày 18-23.11.2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2021. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; là ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc của dân tộc mình, đồng thời tổng kết một năm hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chủ  tịch  Quốc  hội  Vương  Đình  Huệ, Chủ  tịch  Uỷ ban TƯ Mặt  trận  Tổ  quốc  Việt  Nam  Đỗ  Văn  Chiến, Bộ trưởng  Bộ  VHTTDL  Nguyễn  Văn  Hùng  với đồng  bào  các  dân  tộc

Đất nước Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, vô cùng quý giá được hình thành và kết tinh trong hệ thống di tích, di sản, trong văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, của di sản văn hóa dân tộc, việc đoàn kết các dân tộc đối với sự phát triển đất nước. Ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Và tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Bác Hồ kính yêu khẳng định “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và Nghị quyết của Đảng về “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Được sự quan tâm ủng hộ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc tổ chức Tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2021 là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm nay được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tình trạng bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực VHTTDL, Tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2021 được tổ chức sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết với sự tham gia của 16 cộng đồng các dân tộc đang sinh sống hoạt động tại Làng.

Chủ  tịch  Quốc  hội  Vương  Đình  Huệ, Chủ  tịch  Uỷ ban TƯ Mặt  trận  Tổ  quốc  Việt  Nam  Đỗ  Văn  Chiến, Bộ trưởng  Bộ  VHTTDL  Nguyễn  Văn  Hùng  với các  diễn  viên, nghệ nhân sau đêm diễn

Với chuỗi 8 sự kiện giao lưu văn hóa vùng miền, các hoạt động dân ca dân vũ, giới thiệu nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc, tái hiện một số lễ hội đặc sắc, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 hứa hẹn mang lại bầu không khí vui tươi, đoàn kết, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc; mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với các du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước; để dù có ở bất cứ nơi đâu, khi đã đặt chân tới đây là như ta trở về với quê hương, bản quán, đồng bào mình; là được sống trong lịch sử, truyền thống 91 năm vẻ vang tự hào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021

Phát biểu chào mừng và chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng ta và là bài học lớn của Cách mạng Việt Nam, góp phần tạo nên sức mạnh quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những thành tựu to lớn của đất nước ta.

“Tuần đại đoàn kết là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng, là nơi quy tụ những nét văn hóa đặc trưng cơ bản nhất của 54 dân tộc anh em, có ý nghĩa sâu sắc hưởng ứng Hội nghị văn hóa toàn quốc. Đồng thời biểu dương các tấm gương tiêu biểu của cộng đồng văn hóa dân tộc trong cả nước, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuần lễ đại đoàn kết sẽ giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước của con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chào mừng và chỉ đạo tại Lễ khai mạc

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được quan tâm hơn nữa để tạo nền tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên vững bước trên con đường hội nhập và phát triển; đồng thời đề nghị Bộ VHTTDL cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025, làm cho các giá trị văn hoá truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

Dòng chảy lấp lánh đa âm sắc  

Với thiết kế sân khấu là hình mặt trời đang lên với những tia nắng hứa hẹn một ngày mới ấm áp hy vọng, “Bình minh đất Việt” là chương trình nghệ thuật mà ở đó những sắc màu văn hóa hòa quyện ngọt ngào như những bàn tay yêu thương đan vào nhau. Vẫn là những thanh âm của cồng, chiêng, khèn, sáo; vẫn là váy, áo đặc trưng cho nét văn hóa riêng của từng dân tộc; vẫn là những câu si, câu lượn, điệu hò, câu ví... nhưng ở “Bình minh đất Việt” những sắc thái này dường như mới mẻ. Trẻ trung, sôi động nhưng cũng vẫn đủ độ sâu, độ lắng khiến người xem phải rưng rưng cảm xúc khi nhìn tận mắt, nghe tận tai, cảm nhận cuộc sống của các dân tộc anh em qua những lát cắt cuộc sống được tái hiện bằng âm nhạc và những điệu dân ca, dân vũ...

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Ba chương  là ba câu chuyện tưởng như khác nhau nhưng lại gắn kết khó tách rời trong bản hòa ca dân tộc: Bình minh trên bản; Vang vọng hồn thiêng sông núi; Miền đất câu hò điệu ví.  NSƯT Phạm Quỳnh Dương, Biên đạo múa của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết: “Chương trình là sự dung hòa của những âm điệu, bản sắc văn hóa riêng của các vùng miền. Tất cả cùng tụ hội về đây để tạo nên bài ca đẹp, ngợi quê hương, đất nước. Các nghệ sĩ  đến với chương trình không chỉ bằng tài năng mà hơn hết, bằng trái tim và niềm tin yêu với cộng đồng 54 dân tộc anh em”.

NSƯT Trường Bắc, Tổng đạo diễn chia sẻ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm của toàn quân, toàn dân, chúng ta đang từng bước đẩy lùi dịch bệnh, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang đoàn kết thống nhất vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nhờ sức mạnh đó, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục đón những bình minh rực rỡ trong lịch sử phát triển của đất nước. Đó  chính là ý tưởng xuyên suốt chương trình nghệ thuật”.

Tự hào bản sắc quê hương

Trong suốt tuần qua, đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng đã tất bật chuẩn bị cho ngày hội chung của đồng bào các dân tộc trên cả nước từ nhiều ngày trước đó.

Tự hào khoe với du khách về sản phẩm thịt gác bếp truyền thống của đồng bào mình, ông Giàng Mí Bình đồng bào dân tộc Mông hiện đang sinh sống tại làng phấn khởi cho biết: “Được đón khách tham quan chúng tôi vui lắm. Cả 7 gia đình đồng bào người Mông mình tại Làng đã cùng nhau mua thịt và các nguyên liệu phục vụ chế biến để  đón các đoàn khách tham quan”.

Các hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc diễn ra sôi nổi tại Làng. Ảnh: Vũ Mừng

Cùng chung tâm trạng, háo hức, nghệ nhân Triệu Thị Lương người Dao Quần Chẹt cho biết: “Đồng bào người Dao Quần Chẹt sinh sống tập trung tại các xã dưới chân núi Ba Vì (Hà Nội) và nổi tiếng với những bài thuốc Nam trị bệnh. Nhân dịp này, chúng tôi sẽ giới thiệu tới mọi người những phương thuốc hiệu quả của dân tộc mình. Đây cũng chính là nét văn hóa mà chúng tôi tự hào nhất. Về ẩm thực, người Dao Quần Chẹt cũng có món gà nướng với cách chế biến đặc biệt không thể lẫn với món nướng của dân tộc Mông, dân tộc Thái trong Làng…”.

Ghé thăm khu làng của đồng bào dân tộc Tày, nghệ nhân Nguyễn Thị Xuyến hồ hởi: “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam năm 2021 chính là cơ hội để chúng tôi đưa những điều đã được học, được tập luyện để giới thiệu các nét văn hóa đáng tự hào của cộng đồng dân tộc Tày”.

VŨ MỪNG – THU SÂM;  ảnh: TRẦN HUẤN

 

Print

Tải tài liệu

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top