Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí

VHO - Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, chiều 15.3, tại TP.HCM đã diễn ra phiên thảo luận chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”. Phiên thảo luận có sự tham dự của Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và đông đảo các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các chuyên gia truyền thông, sinh viên chuyên ngành báo chí, truyền thông. Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ trong vai trò điều phối.

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 1

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận

Môi trường văn hóa báo chí là "bệ đỡ" để báo chí Việt Nam phát triển đúng định hướng, chuyên nghiệp

Trao đổi về sự cấp thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, để báo chí Việt Nam thực sự “hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn” thì việc xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí.

“Việc xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa trở thành yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với hết thảy các cơ quan báo chí Việt Nam. Đời sống báo chí càng biến động, môi trường văn hóa báo chí càng phải được thiết lập, càng phải là bệ đỡ vững vàng để báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng định hướng, chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải thực sự nhân văn”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh. 

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 2

Toàn cảnh phiên thảo luận chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”

Theo nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Trong đó, cần thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong việc gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”. 

“Tôi cho rằng cần đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần tốt đẹp cho xã hội. Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, nhà báo Đoàn Minh Long bày tỏ.

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 3

Từ trái qua: Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật Nguyễn Tiến Thanh và Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa Phạm Văn Báu tham gia “Bàn tròn” thảo luận

Nói về trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí, ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường cho rằng: Một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa. 

“Bởi phải có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc”, ông Đào Xuân Hưng nhấn mạnh và nhận định, thực trạng hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa báo chí, lợi ích nhóm, tự chuyển biến tự chuyển hóa… để ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn. 

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 4

Ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường, chia sẻ về trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo

Phải dựng được một cái lõi văn hóa

Những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế-xã hội tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. 

Đáng quan ngại nhất là hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế… Đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo, tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí doạ nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật, có chiều hướng gia tăng… 

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 5

Các nhà báo tham gia thảo luận xây dựng môi trường báo chí văn hóa

Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, tất cả dường như vẫn chưa đủ. Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan toả, nhân rộng mạnh mẽ. Vì thế, từ năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí”, đồng thời công bố Bộ tiêu chí thực hiện “Cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam”,  trong đó với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo… 

Tại các phiên thảo luận “Bàn tròn”, Tổng Biên tập Nguyễn Anh Vũ đã gợi ra nhiều chủ đề gửi đến các diễn giả, nhằm cùng nhau trao đổi, chia sẻ những vấn đề nghiệp vụ đang là mối quan tâm hàng đầu của các tòa soạn. 

Theo đó, những nội dung được các diễn gia tập trung thảo luận như: 6 tiêu chí trong xây dựng cơ quan báo chí văn hóa; việc thực hiện các quy định về Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; đánh giá về “hàm lượng” văn hóa của các tác phẩm báo chí thời gian qua; các cơ quan báo chí phải làm gì để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,…

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 6

​​​​​​​​​​​Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tại phiên thảo luận

Chia sẻ về chủ đề này, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã đặt ra câu hỏi, tại sao phải xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí?. Ông Thanh cho rằng vì những khó khăn nhất định của báo chí trong cơ chế thị trường, vì chất lượng của đội ngũ báo chí, vì sự vong thân của nhà báo khi đi lệch sứ mệnh của báo chí cách mạng… 

“Tuy nhiên gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ báo chí thời gian gần đây thay đổi, những người làm báo cũng thay đổi, sản phẩm báo chí cũng thay đổi rất nhiều, khác rất xa với thời chưa có công nghệ… Chính vì thế, chúng ta phải dựng được một cái lõi văn hóa, tương ứng với một bộ quy chuẩn ứng xử và giữ gìn giá trị thương hiệu của cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Tiến Thanh cho hay.

Theo nhà báo Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa, trong những tiêu chí văn hóa của người làm báo chúng ta cần phải nhấn mạnh lại việc thực hiện nghiêm túc các quy định về Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

“Với góc độ vừa là Giám đốc Đài PT-TH, cũng đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa thì theo quy định về thành lập hội đồng xử lý vi phạm của người làm báo cấp tỉnh, chúng tôi luôn có bộ phận thường xuyên nắm bắt thông tin của hội viên và những người làm báo trên địa bàn. 

Trên thực tế, tại địa phương vẫn có nhiều người làm báo chưa tuân thủ đúng quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, có tình trạng dẫn link bài báo một đường nhưng nêu ý kiến một nẻo để dẫn dắt dư luận theo ý của mình. Hoặc có những cá nhân quá ảo tưởng về nghề nghiệp, nên đã lạm dụng mạng xã hội để chèo lái dư luận…”, ông Báu chia sẻ.

Câu chuyện kinh tế có làm “phai nhạt” yếu tố văn hóa trong hoạt động báo chí?

Cũng tại phiên thảo luận, câu chuyện kinh tế báo chí cũng được các nhà báo đề cập đến. Trước câu hỏi của Tổng Biên tập Nguyễn Anh Vũ: Liệu phải chăng kinh tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự “phai nhạt” yếu tố văn hóa trong hoạt động báo chí? 

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 7

Nhà báo Phan Thanh Phong, Báo Nhân Dân chia sẻ về chủ đề kinh tế báo chí

Theo nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân, thì đây là vấn đề rất được nhiều cơ quan báo chí quan tâm bởi trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về nguồn tài chính để duy trì công tác xuất bản. 

“Thực tế hiện nay, với những tòa soạn báo chí có kinh tế khó khăn thì kéo theo hệ lụy, đó là tạo gánh nặng lên vai của người làm báo, người làm nội dung. Trong khi đó vấn đề kinh tế báo chí phải có một đội ngũ chuyên sâu thực hiện thì mới có thể đảm bảo. 

Ở một số tòa soạn, người viết báo phải gánh thêm nhiệm vụ làm kinh tế báo, thì thật sự rất khó để có thể cho ra những tác phẩm chất lượng khi bị chi phối quá nhiều yếu tố. Thế nhưng cũng có một số nhà báo vẫn chấp nhận thỏa hiệp”, nữ nhà báo Phan Thanh Phong tâm tư.

Vậy thì giải pháp nào cho sự hài hòa giữa kinh tế và văn hóa trong hoạt động báo chí? Nhà báo Phan Thanh Phong cho rằng cơ quan quản lý báo chí phải sáng tạo, năng động để tìm ra được nguồn kinh tế đảm bảo, để từ đó người làm báo mới có thể sống được với nghề báo của mình.

Xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí - Anh 8

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại phiên thảo luận

Tiếp lời, nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng kinh tế khó khăn vẫn không phải là nguyên nhân chính khiến người làm báo mất đi bản lĩnh vốn có của mình, mất đi thiên chức của người làm báo, mà sự suy thoái về phẩm chất đạo đức là sự suy thoái của toàn xã hội trong đó có người làm báo. “Chính vì thế, những người làm báo phải tìm đến những giá trị đích thực và vốn có của nghề báo. Đó là tính nhân văn, sự trung thực, là chiến đấu vì công lý… “, nhà báo Nguyễn Xuân Hải chia sẻ. 

THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc