Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hà Nội: Vì sao biệt thự cổ 187 Bà Triệu có nguy cơ đổ sập không được xử lý?

Thứ Sáu 24/05/2019 | 13:09 GMT+7

VHO- Vừa qua Báo Văn Hóa điện tử đã nhận được đơn kiến nghị của bà Trần Thị Loan (trú tại 187, phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về việc một hộ dân tự ý xây công trình nhà 2 tầng trái phép trong khuôn viên nhà biệt thự cổ, gây nguy hiểm cho người dân đang sinh sống tại đây.

Theo Kết luận số 56/KL-UBND ngày 30.5.2018 của UBND TP Hà Nội ngôi nhà số 187 Bà Triệu là biệt thự loại 3, cao 3 tầng, tổng diện tích 256 m2, được xây dựng từ trước năm 1954, mang bằng khoán điền thổ số 2113, khu Viện Mắt, trước đây thuộc quyền sở hữu của ông Đào Đình Khoa và bà Vũ Thị Vy, sau thức hiện chính sách cải tạo nhà cửa năm 1961, được bàn giao cho nhà nước quản lý. Hiện có 10 hộ dân đang sinh sống tại đây, trong đó có hộ bà Trần Thị Loan và hộ ông Lâm Ngọc Thụ (bố đẻ của ông Lâm Ngọc Chi và ông Lâm Ngọc Thắng). Ông Thụ ký hợp đồng với Công ty Kinh doanh nhà số 2 Hà Nội thuê 30 m2 tầng 2 ngôi nhà. Khoảng năm 1995, ông Lâm Ngọc Thụ xây dựng một căn nhà chồng lên nóc nhà vệ sinh chung, đè lên cả phần tường nhà của bà Trần Thị Loan. Năm 2007, các ông Lâm Ngọc Chi và Lâm Ngọc Thắng  xây dựng tiếp lên tầng 3 nhà vệ sinh này và làm cầu thang sắt bên ngoài đi lại gây nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Như vậy, ngoài sử dụng diện tích 30m2 nói trên, các ông Chi, ông Thắng còn sử dụng 15m2 hành lang và gầm cầu thang tầng 2 ngôi nhà, xây dựng 7,5m2 tại tầng 2, 9,2 m2 tại tầng 3 trên nóc nhà vệ sinh chung của biển số nhà. Việc hộ ông Chi, ông Thắng xây dựng không phép tầng 2, tầng 3 trên nóc nhà vệ sinh chung của biển số nhà 187 Bà Triệu nói trên “là vi phạm trật tự xây dựng” như Kết luận số 56 nêu trên nhận định. Trong thời gian qua, “các cơ quan quản lý như Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hai Bà Trưng, UBND phường Lê Đại Hành buông lỏng quản lý để cho các hộ dân sử dụng, xây dựng không phép và không xử lý vi phạm trật tự xây dựng” - kết luận nêu.

Công trình 2 tầng trái phép, gây nguy hiểm cho người dân đang sinh sống tại đây

Trong một diễn biến khác, năm 2014, bà Trần Thị Loan mua nhà của ông Trần Sỹ Quý với diện tích 30,6m2 - liền kề với phần diện tích đang bị ông Lâm Ngọc Chi và Lâm Ngọc Thắng xây dựng công trình lấn chiếm không phép nói trên. Ngày 20.9.2016, do nhà bị xuống cấp, bà Loan đã gửi đơn lên UBND phường xin sửa chữa nhà. Trong khi chưa được cấp phép xây dựng, do nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập đổ, ngày 10.10.2016, bà Loan đã tự phá dỡ để dự kiến xây lại ngôi nhà này. UBND phường Lê Đại Hành đã yêu cầu bà Loan tạm dừng mọi hoạt động để thực hiện mọi thủ tục xin phép xây dựng. UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản báo cáo sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn xử lý công trình nguy hiểm của các hộ ông Chi, ông Thắng. Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn, tuy nhiên, cho đến nay, UBND phường Lê Đại Hành vẫn chưa thực hiện.

Tại Kết luận nói trên, UBND TP Hà Nội khẳng định: Khi nhận được đơn của bà Trần Thị Loan đề nghị giải quyết việc xử lý công trình vi phạm của hộ ông Chi, ông Thắng, UBND phường Lê Đại Hành chưa xem xét, trả lời bà Loan là chưa làm hết trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn thư công dân. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo UBND quận Hà Bà Trưng, UBND phường Lê Đại Hành khẩn trương thực hiện hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội về xử lý công trình nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân trong biển số nhà 187 Bà Triệu. Theo quy định tại Điều 118, khoản 1, điểm d, Luật Xây dựng năm 2014, công trình này buộc phải phá dỡ. Tuy nhiên, đến nay, nó vẫn ngang nhiên tồn tại, đe dọa tính mạng người dân và thách thức pháp luật.

Số nhà 187 Bà Triệu, Hà Nội

Trong vụ việc này, việc cơi nới xây dựng không phép của các ông Thụ, ông Chi và ông Thắng nói trên góp phần gây nguy hiểm cho người dân, còn có nguyên nhân do UBND phường Lê Đại Hành không sớm có văn bản trả lời đơn của bà Trần Thị Loan xin phép phá dỡ, cải tạo nhà xuống cấp, nguy hiểm, quá thời hiệu giải quyết, khiến bà Loan buộc phải tự phá dỡ nhà mình, để rồi bị chính cơ quan chính quyền cấp phường này tạm đình chỉ thi công. Không những vậy, từ tháng 10/2016, bà Loan đã gửi và được UBND phường Lê Đại Hành tiếp nhận và thụ lý hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 30,6m2 đất ngôi nhà nói trên. Phần đất này của hộ bà Loan, theo văn bản số 186/UBND ngày 25.5.2017 của UBND phường Lê Đại Hành, đã được cấp chính quyền này công nhận không bị ai tranh chấp và cho biết: “Sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình UBND quân cấp Giấy chứng nhận cho bà Loan theo đúng quy định”. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ của bà Loan vẫn chưa được giải quyết. Hiện bà Loan đang phải đi thuê nhà để ở sau khi tự phá dỡ căn nhà xuống cấp của mình để tránh nguy cơ gây hại đến tính mạng cộng đồng, trong khi ở số nhà 187 Bà Triệu, công trình xây dựng lấn chiếm trái phép của ông Lâm Ngọc Chi và Lâm Ngọc Thắng vẫn tồn tại, chưa có biện pháp xử lý theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân trong biển số nhà 187 trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

N.HƯNG

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top