Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Có hay không xã hội hóa trùng tu di sản Huế?

Thứ Tư 27/12/2017 | 09:39 GMT+7

VH- Cuối năm 2016 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương xây dựng đề án Xã hội hóa công tác trùng tu và khai thác di tích thuộc hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế.

 Trùng tu di tích Ngọ Môn- Huế

Đây là công việc chưa từng được thực hiện tại VN nên đã thu hút sự chú ý của cộng đồng địa phương và dư luận.

Theo ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), thực hiện chủ trương của tỉnh, đã có một số đơn vị đến khảo sát, nghiên cứu để xây dựng phương án trình UBND tỉnh, trong đó có công ty LOGI3. Tỉnh cũng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ nhà đầu tư. Trung tâm đã phối hợp, cung cấp các thông tin liên quan để phía nhà đầu tư xây dựng phương án. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.

 Trùng tu khu vực Trường Lang- Đại Nội Huế

Không chỉ hỗ trợ phía chủ đầu tư xây dựng phương án, TTBTDTCĐ Huế cũng từng bước xây dựng mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả. “Mặc dù mô hình quản lý của TTBTDTCĐ Huế hiện nay rất có hiệu quả nhưng do nhu cầu thực tế của địa phương nên trung tâm vẫn đang tích cực nghiên cứu, đề xuất mô hình xã hội hóa và tinh gọn bộ máy hoạt động. Tuy nhiên hướng xã hội hóa mà trung tâm thực hiện là ưu tiên cho dịch vụ du lịch tại các điểm tham quan ”, ông Minh nói.

Ông Mai Xuân Minh cũng cho biết, TTBTDTCĐ Huế đã xin ý kiến UBND tỉnh chờ kết quả báo cáo của công ty LOGI3 để xác định nội dung cụ thể mà họ muốn đầu tư xã hội hóa. Qua đó, sẽ có cơ sở để xây dựng mô hình quản lý tinh gọn, phù hợp. Do việc thực hiện đề án xã hội hóa trùng tu và khai thác di sản là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam nên khi thực hiện công tác này là hết sức cẩn trọng.

 Du khách tham quan di sản Huế (trong ảnh là tham quan Đại Nội Huế)

Hiện nay việc thực hiện đề án này cũng đang gặp một số vướng mắc khi Nghị định 109/NĐ-CP quy định về Bảo vệ và Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam có hiệu lực. Tại Điều 15 của Nghị định 109 quy định “Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới” là tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và giữ gìn toàn diện di sản thế giới, được thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.Thế nên một số ý kiến tỏ ra lo ngại khi thực hiện đề án xã hội hóa trùng tu và khai thác di sản Huế là giao cho đơn vị tư nhân. Ở cấp độ Trung ương, đề án này phải có sự thỏa thuận, nhất trí của Chính phủ và nhiều Bộ, ngành liên quan, và của UNESCO bởi Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản thế giới, và là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời, đề án cũng phải tranh thủ được ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, các nhà quản lý, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phải có được sự đồng thuận nhất trí cao của cộng đồng. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, và cộng đồng địa phương.

Phóng viên Văn Hóa đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để nắm thông tin về việc thực hiện đề án “Xã hội hóa trùng tu và khai thác di sản Huế” nhưng lãnh đạo địa phương đã từ chối cung cấp thông tin với lý do “đây là việc nhạy cảm”. Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh xác nhận: Hiện đơn vị chủ đầu tư đang hoàn thiện phương án nên chưa thể cung cấp thông tin. Tỉnh cũng chưa lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Huế và cộng đồng. Sau khi có phương án cụ thể sẽ thực hiện lấy ý kiến về vấn đề này.

Sơn Thùy

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top