Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Tìm "thuốc” khôi phục di tích không còn nguyên vẹn

Thứ Hai 29/01/2018 | 10:16 GMT+7

VH- Tác động của thiên nhiên, xã hội… đã dẫn tới nhiều di tích ở nước ta hiện không còn nguyên vẹn. Đi tìm cơ sở khoa học cũng như những giới hạn trong công tác khôi phục lại di tích không còn nguyên vẹn là một đòi hỏi tất yếu, cần sớm tìm ra lời giải.

 Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa ở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc

 KTS Hoàng Đạo Cương, Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL khẳng định: “Các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật ở VN do tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường, thiên tai, xã hội và các cuộc chiến tranh, phần lớn đến với thế hệ chúng ta ở dạng không còn nguyên vẹn. Bên cạnh đòi hỏi nghiêm ngặt về bảo tồn các nhân tố gốc tạo nên giá trị di tích, ở một số di tích còn có nhu cầu khôi phục, bổ sung các thành phần đã bị mất mát hay còn thiếu khuyết”. Thực tế ở nước ta, nhiều di tích đã được khôi phục lại như Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), Khu di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) hay việc dựng 8 dãy nhà che bia ở sân thứ 3 và cụm đền thờ các danh nho dân tộc tại sân thứ 5 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội, Khu điện thờ Lam Kinh (Thanh Hóa)…

Dù vậy, việc đi tìm cơ sở lý luận, xác định giới hạn cũng như những cơ sở khoa học tin cậy để khôi phục lại các thành phần hay các di tích đã mất… cho đến nay vẫn là một đòi hỏi cấp bách. Nhằm tìm ra lời giải cho công tác này, gần đây Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức cuộc Hội thảo trên thực địa khôi phục và xây mới tại các di tích không còn nguyên vẹn. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục công trình đã được khôi phục, xây mới trong quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Đơn cử như từ năm 2000 đến 2009, đền thờ Nguyễn Trãi đã được xây dựng hoàn thiện với 22 hạng mục công trình; 58 gian tả hữu hành lang chùa Côn Sơn cũng được phục hồi, xây dựng đền chùa Nam Tào, đền chùa Bắc Đẩu… Nhìn chung, các công trình và hạng mục công trình được tiến hành tu bổ, khôi phục này được đánh giá đã bổ sung, hoàn chỉnh không gian kiến trúc tổng thể của cả quần thể di tích. Những công trình này sau khi được tu bổ, khôi phục đã phát huy công năng, phục vụ việc tổ chức lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng tâm linh cũng như phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan du lịch, phát huy các giá trị của khu di tích… TS Nguyễn Khắc Minh, Trưởng BQL di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc bộc bạch: “Từ thực tế công tác tu bổ, tôn tạo tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, chúng tôi cho rằng công tác tu bổ, tôn tạo di tích chỉ đạt được hiệu quả cao khi tuân thủ các nguyên tắc khoa học”.

 Các nhà khoa học đi thực tế công tác khôi phục di tích ở Côn Sơn – Kiếp Bạc

Riêng đối với việc phục hồi tòa Cửu Phẩm Liên Hoa thực sự là một ví dụ tiêu biểu cho công tác khôi phục các di tích, các hạng mục di tích không còn nguyên vẹn.

Cơ sở khoa học quan trọng để tiến hành công tác khôi phục lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Côn Sơn chính từ kết quả khai quật khảo cổ học được BQL di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phối hợp với Viện Khảo cổ tiến hành vào năm 2012.

Đáng ghi nhận là Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn sau khi được khôi phục đã xoay được, thu hút đông đảo khách tham quan và phật tử cả nước. Hơn thế, việc khôi phục tòa Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Côn Sơn vốn đã không còn nguyên vẹn, thậm chí là mất tích đã lâu, đã và sẽ để lại nhiều kiến giải đáng quý cho công tác trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa nói chung và khôi phục lại các di tích, các hạng mục di tích không còn nguyên vẹn. Cho rằng nhu cầu khôi phục trên các vị trí cũ ở các di tích lịch sử, các địa điểm lịch sử, các di tích kiến trúc tín ngưỡng và tâm linh ngày càng gia tăng, vì thế GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “Thực tiễn này đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi sự soi rọi từ các phương diện lý luận và nghiệp vụ”

Thực tế, chỉ tính riêng trong khoảng 3.500 di tích đã được xếp hạng ở nước ta, đa số các khu di tích này đã và đang có nhu cầu, đòi hỏi trùng tu, khôi phục lại các điểm di tích, các hạng mục di tích không còn nguyên vẹn hoặc đã bị biến mất. Việc phục dựng lại các di tích đã bị hủy hoại đương nhiên phải ưu tiên những trường hợp đặt biệt nhưng dù gì thì trước hết cũng cần phải xác định các cứ liệu khoa học về di tích. Cứ liệu khoa học về di tích, theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia kiêm Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN xác định: “Đó là tư liệu thành văn ghi chép về di tích; nền móng, đặt biệt là các bước chân cột, những tư liệu, vật liệu trang trí kiến trúc của công trình được phát lộ qua khai quật khảo cổ học; những ảnh được chụp trước khi di tích bị hủy hoại…”.

Từ thực tế tu bổ, tôn tạo và khôi phục nhiều công trình, hạng mục công trình tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trong nhiều năm qua, TS Nguyễn Khắc Minh, Trưởng BQL di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho rằng cần tuân thủ 6 nguyên tắc khoa học mà trước hết theo ông là phải có thái độ trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc và các bộ phận của di tích được bổ sung sau này nhưng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. PGS. TS Đặng Văn Bài lại nhìn nhận, khôi phục gì thì khôi phục nhưng cần phải thượng tôn pháp luật, biết lắng nghe những đóng góp, ý kiến và phản hồi của các nhà khoa học cũng như dư luận xã hội, cộng đồng xã hội… Nói cho cùng, bên cạnh những đòi hỏi về cứ liệu khoa học, hệ thống lý luận và nghiệp vụ di tích thì vai trò của con người cũng như những ứng xử của con người đối với di sản văn hóa vẫn là mấu chốt quan trọng. KTS Hoàng Đạo Cương, Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích khẳng định: “Hoạt động khôi phục hay tôn tạo, xây mới trong di tích luôn cần kiểm soát chặt chẽ, đồng thời luôn đòi hỏi đội ngũ quản lý và thực thi có đủ năng lực chuyên ngành, có khả năng thấu hiểu di tích và nắm rõ các nguyên tắc bảo tồn, trùng tu”. 

Phúc Nghệ

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top