Thanh Hóa: Hàng loạt hàng quán, ki ốt xâm phạm di tích đền Cô Bơ

VHO - Là di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng, thế nhưng, từ nhiều năm nay, không gian đền Cô Bơ (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) bị hàng loạt hàng quán, ki ốt trái phép bủa vây gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường, phá vỡ cảnh quan tôn nghiêm nơi thờ tự, nghiêm trọng hơn khiến di tích bị xâm phạm. Đáng nói, các ki ốt này đang được UBND xã Hà Sơn cho các hộ dân thuê để kinh doanh buôn bán, gây bức xúc cho dư luận xã hội cũng như du khách thập phương tới tham quan di tích.

Thanh Hóa: Hàng loạt hàng quán, ki ốt xâm phạm di tích đền Cô Bơ - Anh 1

Hàng quán nhếch nhác, lộn xộn đang xâm phạm di tích đền Cô Bơ

Đền Cô Bơ thuộc cụm di tích - thắng cảnh Hàn Sơn xây dựng cách đây trên 500 năm và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là Di tích cấp tỉnh vào năm 1992. Trong thời gian vừa qua, di tích này đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, đồng thời là một địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn. Thế nhưng, hiện nay di tích đền Cô Bơ đang trên bờ vực bị xâm phạm, phá vỡ nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, an toàn cháy nổ mà còn gây bất cập, lộn xộn cho một địa điểm linh thiêng, vốn phải được bảo tồn.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Văn Hóa, hiện nay tại khu di tích có hơn 30 ki ốt kinh doanh, bán hàng của các hộ dân, hầu hết là các ki-ốt được xây dựng tạm bợ, nhếch nhác, lộn xộn, thiếu sự quản lý, trong đó năm 2007 có một số ki ốt đã được UBND xã Hà Sơn ký hợp đồng cho thuê 20 năm, thậm chí có hơn 10 ki ốt vỉa hè giáp tường bao khu di tích (đây là khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích) đang được UBND xã Hà Sơn cho các hộ dân thuê để bán hàng. Bên cạnh đó, nhiều hàng quán, dịch vụ còn lấn chiếm lòng lề đường, không ít hộ kinh doanh chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường… Nhiều du khách khi đến tham quan bức xúc phản ánh, các dãy ki ốt án ngữ, gần như che khuất mặt tiền chính, làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích này.

Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc, đây là khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích nhưng tại sao UBND xã vẫn cho các hộ dân thuê để kinh doanh buôn bán trong nhiều năm qua, khi hết hạn hợp đồng UBND xã vẫn cho các hộ dân tiếp tục ký hợp đồng thuê? Trách nhiệm của Ban quản lý di tích đền Cô Bơ cùng các lãnh đạo huyện Hà Trung là gì, khi để xảy ra việc dựng các ki-ốt trái phép phá vỡ cảnh quan của ngôi đền cổ như vậy?

Nhiều cán bộ trong ngành Văn hoá, Lịch sử tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình về việc làm của chính quyền địa phương. Họ cho rằng, việc UBND xã Hà Sơn cho các hộ dân thuê dựng ki ốt bán hàng ngay khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích chẳng khác nào thương mại hoá di tích bất chấp luật lệ hiện hành với mục đích lợi ích kinh tế trước mắt, để lại hậu quả xấu trong xã hội. Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo huyện Hà Trung cần xử lý dứt điểm, giải tỏa hàng quán khu vực bên hông đền, trả lại sự tôn nghiêm và giá trị lịch sử văn hóa của ngôi đền thiêng này.

Liên quan đến nội dung trên, ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung lý giải, di tích đền Cô Bơ được huyện giao xã Hà Sơn quản lý, bảo tồn và phát huy, việc hàng quán xung quanh di tích là do lịch sử để lại, huyện cũng biết rõ từ lâu. Tuy nhiên, do lâu nay huyện và xã đang chờ tỉnh phê duyệt quy hoạch mở rộng đền Cô Bơ, nên chưa thể xử lý dứt điểm đươc. “Quy hoach đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cuối năm 2023, tới đây huyện sẽ chỉ đạo xã Hà Sơn rà soát, bố trí lại các vị trí hạng mục theo quy hoạch đã được phê duyệt”, ông Long nói.

MẠNH DŨNG

Ý kiến bạn đọc