Khai quật di tích Chăm Phong Lệ lần thứ 3:​ Lần đầu tiên phát lộ tượng sư tử nguyên vẹn

VH- Sau 2 lần khai quật di tích Chăm Phong Lệ, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng (vào năm 2011, 2014) và phát hiện được một số hiện vật quan trọng, từ ngày 18.7 đến 20.8.2018, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng tiếp tục phối hợp cùng đoàn khảo cổ Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội do PGS.TS Đặng Hồng Sơn chủ trì tiến hành khai quật phế tích này lần thứ 3.

Khai quật di tích Chăm Phong Lệ lần thứ 3:​ Lần đầu tiên phát lộ tượng sư tử nguyên vẹn - Anh 1

Phát hiện tượng sư tử đá nguyên vẹn

Diện tích khai quật lần này trên diện tích 322,2 m2  đã làm xuất lộ thêm mặt bằng kiến trúc lớn (kiến trúc 1). Thạc sĩ Nguyễn Hữu Mạnh, người trực tiếp giám sát, tìm kiếm cho biết: Hiện tại ở nền móng kiến trúc đền tháp đang khai quật có số đo là 16m50, những nhà nghiên cứu đang đặt giả thiết đây là tháp cổng, tháp và hố thiêng đã được phát lộ trước đó (kiến trúc 2) là tháp chính. Đây là một kiến trúc đền tháp rất lớn nếu so với các phế tích Champa khác hiện biết; ngoài ra 28 hiện vật đá cũng đã được phát lộ,  trong đó có những hiện vật tinh xảo có kích thước lớn như tượng sư tử Simha hay bệ thờ voi cùng với một vài hiện vật trang trí ở riềm mái như tượng rắn thần Naga.

Khai quật di tích Chăm Phong Lệ lần thứ 3:​ Lần đầu tiên phát lộ tượng sư tử nguyên vẹn - Anh 2

 Đầu rắn thần Naga

Đặc biệt trong lần khai quật này, các nhà khảo cổ cũng phát hiện tượng sư tử đá Simha, đây là loại tượng tròn có kích thước tương đối lớn, được trạm trổ tinh xảo và hoàn thiện, điểm nhấn là các họa tiết trang trí phần ngực cũng như đường nét điêu khắc trên phần đầu của tượng. “Đây là hiện vặt nằm trên địa tầng và đến từ một nơi rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, hiện vật quý này đã bổ sung vào quỹ hiện vật trưng bày cũng như làm phong phú thêm quá trình nghiên cứu của Bảo tàng điêu khắc Chăm. Sau khi kết thúc khai quật sẽ tổng hợp tư liệu và so sánh các mô típ trang trí cũng như bình đồ kiến trúc, xác định niên đại”, ông Mạnh cho biết.

Về địa lý, di tích Chăm Phong Lệ nằm ngay bên cạnh bờ sông Cẩm Lệ, do đó đã tìm thấy một loạt phế tích và đền tích tháp khác dọc dòng sông Cẩm Lệ. Điều đó cho thấy rằng, khu vực này cùng với khu vực xung quanh đã từng tồn tại một tổ hợp tập trung rất nhiều đền tháp. Kiến trúc đền tháp đồ sộ Chăm Phong Lệ trải qua thời gian đã bị tác động nghiêm trọng, đặc biệt là thời Pháp và ngay cả sau năm 1975 vẫn có ghi chép rằng bà con nhân dân đã lấy gạch ở khu vực này để xây dựng, dùng làm việc riêng. Vì vậy các nhà nghiên cứu đã đặt giả thuyết rằng ở khu vực đền tháp lớn kia cũng từng có điêu khắc trang trí đá nhưng đã bị phá hủy và không còn tìm thấy dấu vết.

Khai quật di tích Chăm Phong Lệ lần thứ 3:​ Lần đầu tiên phát lộ tượng sư tử nguyên vẹn - Anh 3

Khai quật di tích Chăm Phong Lệ lần thứ 3:​ Lần đầu tiên phát lộ tượng sư tử nguyên vẹn - Anh 4

 Tiến hành khai quật di tích Chăm Phong Lệ lần 3

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cho biết: Khu phế tích này có ý nghĩa sức đặc biệt đối với Đà Nẵng. Nhiều tượng sư tử, chim thần, rắn thần, hiện vật trang trí trên góc và mái tháp đã được phát lộ qua những lần khai quật. Bảo tàng điêu khắc Chăm sẽ hình thành một khu trưng bày riêng của di tích Chăm Phong Lệ. “Tiếp theo chúng tôi tiến hành đề nghị xếp hạng cho di tích Chăm Phong Lệ, ban đầu là cấp thành phố, sau này sẽ nghiên cứu, từng bước đề xuất cấp quốc gia. Khu vực này được bảo tồn nguyên trạng trong đề án bảo tồn và phát huy chung khu Cẩm Lệ thời gian tới do ngành văn hóa thực hiện, lấy khu vực có tháp này là điểm nhấn trung tâm và mở rộng thêm những trưng bày khác gắn với bảo tồn khảo cổ”, ông Tuấn cho biết.

 ​Di tích Chăm Phong Lệ là phát hiện lớn về di tích Chăm ở Đà Nẵng. Khi tiến hành khai quật 5 hố với tổng diện tích 206 m2 đã phát hiện hai phế tích Chăm có quy mô lớn, trong đó có một diện tích nền tháp lớn bậc nhất so với tất cả tháp Chăm còn lại hiện nay, với cấu trúc lòng tháp (hố thiêng) rất tiêu biểu, được xây cẩn thận bằng gạch viên, chia thành nhiều lớp với cấu tạo khác nhau. Loại hình hố thiêng trong lòng tháp hiện nay ít gặp thấy ở các phế tích đền tháp Champa. Tuy chỉ mới phát hiện một phần quy mô và một số di vật nhưng các nhà nghiên cứu đã khẳng định: Nếu so sánh với các di tích thuộc cùng nhóm kiến trúc thì Phong Lệ là công trình kiến trúc đồ sộ, là trung tâm tôn giáo của người Chăm trong lịch sử vùng đồng bằng ven biển.

 

Ngọc Hà

 

 

Ý kiến bạn đọc