Nhà đấu giá Millon Pháp xuất hiện tại Việt Nam:

Nâng tầm thương hiệu nghệ thuật Việt

BẢO NGÂN; ảnh: Web Million

VHO - Millon Việt Nam đã chính thức hoạt động vào tháng 3 vừa qua, và với sự kiện phiên đấu giá duplex live Pháp - Việt diễn ra tới đây, cây cầu văn hóa mới giữa hai quốc gia sắp được kết nối để mang lại những tín hiệu tích cực. Giới chuyên gia, sưu tầm nghệ thuật hân hoan, bởi việc một hãng đấu giá nghệ thuật nổi tiếng, có lịch sử lâu đời của Pháp đặt chi nhánh tại Việt Nam sẽ mang đến không ít ảnh hưởng tích cực tới thị trường nghệ thuật trong nước.

 Nâng tầm thương hiệu nghệ thuật Việt - ảnh 1

 Chủ tịch Millon, ông Alexandre Millon đang chủ trì một phiên đấu giá

“Duyên lành” đến với thị trường nghệ thuật Việt

Hơn 50 năm kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ song phương, đa phương đã được thiết lập và phát triển. Trong đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật bản địa của Việt Nam được người Pháp sưu tầm và lưu giữ, như tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi; các hiện vật nghệ thuật cũng như đồ ngự dụng của vua Bảo Đại… đã được trưng bày, giới thiệu và bán đấu giá tại Pháp bởi các Nhà đấu giá Aguttes, Lynda Trouvé, Millon… Millon cũng đã bán đấu giá nhiều hiện vật, tác phẩm quý của Việt Nam.

“Rất nhiều hiện vật sau đó đã quay về cố hương, đặc biệt nhất phải kể đến Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương năm 2023 trong sự thiện chí hợp tác giữa Nhà đấu giá Millon, Pháp với cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân của Việt Nam…”, Giám đốc Nghệthuật Viet Art View, bà Bùi Hoàng Anh chia sẻ.

Nhà đấu giá Millon Pháp thành lập năm 1928; trụ sở chính đặt tại Trung tâm đấu giá Drouot (quận 9, Paris); Chủ tịch hiện nay là ông Alexandre Millon. Ngoài thế mạnh về cổ vật, đồ tạo tác quý hiếm, Millon không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu và đưa ra thị trường những tác phẩm nghệ thuật quý giá của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng; những giáo sư người Pháp sáng tác về Việt Nam từ 1925. Năm 2021, Millon đã bán thành công tác phẩm sơn mài Phong cảnh Phnom Penh Campuchia của họa sĩ Lê Quốc Lộc với giá hơn 1,2 triệu euro. Ngoài ra, nhiều tác phẩm quý của Phạm Hậu, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… cũng đã được đấu giá thành công ở mức giá cao.

“Chủ tịch Millon Pháp đã dành nhiều sự quan tâm tới thị trường nghệ thuật Việt. Sau nhiều lần tìm hiểu, tiếp cận thực tế, ông Alexandre nhận thấy tiềm năng, sự phát triển nên đã có những kế hoạch trực tiếp, cụ thể để thiết lập văn phòng đại diện tại Hà Nội và chuẩn bị các phiên đấu duplex live…”, Giám đốc Nghệthuật của Viet Art View cho biết.

Tháng 3.2024, Millon chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ông Hoàng Duy Cương được bổ nhiệm làm Giám đốc Millon Việt Nam. Xuất thân từ gia đình có truyền thống sưu tập cổ vật, ông đam mê nghiên cứu lĩnh vực này và có bằng của Drouot: Consultants spécialisé le marcher de l’art; ông cũng từng làm việc 4 năm tại Trung tâm đấu giá Drouot, Pháp. Trong quá trình làm việc, ông thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và cổ vật của Việt Nam được đấu giá và nhận ra những bất cập khi các hiện vật quý phải di chuyển cẩn trọng từ Pháp hoặc một số quốc gia khác về Việt Nam cũng như ngược lại. Tất cả đều là hiện vật, tác phẩm quý, có giá trị lịch sử, nghệ thuật cũng như giá trị vật chất lớn.

Trong khi đó ở Việt Nam, quy chuẩn cho một nhà đấu giá tầm quốc tế chưa được hoàn thiện. Ông Hoàng Duy Cương ấp ủ dẫn dắt thị trường Việt vào việc hợp tác, làm việc với một nhà đấu giá uy tín chuẩn quốc tế của châu Âu để thực hiện các phiên đấu giá ngay tại Việt Nam, theo hội nhập thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.

 Nâng tầm thương hiệu nghệ thuật Việt - ảnh 2

Trụ sở Million Việt Nam tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

Nâng tầm thương hiệu quốc gia

Được biết, Nhà đấu giá Millon đến nay là đơn vị duy nhất tổ chức phiên đấu giá quốc tế tác phẩm nghệ thuật Việt Nam dưới hình thức “duplex live - kết nối ghép”. Việc này tạo điều kiện cho người bán tìm đến một đại diện Millon tại Việt Nam để ủy thác hiện vật quý; người mua có cơ sở pháp lý để thực hiện sưu tầm với các giá trị nguồn gốc công khai, rõ ràng, minh bạch. Hiện vật quý tìm được người sở hữu cũng sẽ giảm bớt rủi ro hay phải mua bảo hiểm đắt đỏ khi di chuyển giữa các quốc gia.

Ngày 19.4 tới đây, trong cuộc họp báo giới thiệu ra mắt chính thức Văn phòng đại diện Nhà đấu giá Millon - Millon Việt Nam, ông Alexandre Millon sẽ trực tiếp tham dự và trả lời truyền thông. Ông cũng là người đã điều khiển phiên đấu giá đặc biệt cách đây 14 năm (2010) bức tranh sơn dầu Chiều tà của cựu hoàng Hàm Nghi. Sự kiện này sau đó đã khiến cho cái tên Millon được nhắc đến liên tục ở Việt Nam. Chủ tịch Million Pháp bày tỏ, ông ngạc nhiên một cách thú vị trước mức giá rất tốt cho tác phẩm này ở Pháp. Kể từ đó, Millon đặc biệt quan tâm đến hội họa Việt Nam nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung.

Cơ duyên kết nối ông Alexandre Millon với nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá của Việt Nam có lẽ phải kể đến việc đấu giá bảo vật Ấn vàng Hoàng đế chi bo năm 2022. “Việc tổ chức đấu giá cho hiện vật lịch sử này và kết quả của nó đã thuyết phục tôi rằng, chúng tôi cần tiến xa hơn nữa đối với thị trường nghệ thuật Việt Nam và giao lưu Pháp - Việt. Nhiều trao đổi giữa Millon, chính quyền Pháp với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL Việt Nam đã giúp chúng tôi đưa về Việt Nam thành công báu vật quốc gia này…”, ông Alexandre Millon trao đổi với Viet Art View.

 Nâng tầm thương hiệu nghệ thuật Việt - ảnh 3

Nơi bán hàng của Millon tại Pháp

Millon hoạt động độc lập theo mô hình kế thừa gia đình. Ông Alexandre Millon là thế hệ thứ tư tiếp nhận công việc. Gần 100 trăm nay, Millon đã không ngừng đạt được những thành công mới: Hơn 210 cuộc đấu giá mỗi năm, bao gồm 50 cuộc online, 11 người chủ trì đấu giá, 30 chuyên gia có danh tiếng quốc tế, 70 thư ký và cộng tác viên trải rộng trên 15 TP ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha và 700 ngày định giá hằng năm. Việc xuất hiện trực tiếp của Nhà đấu giá Million tại thị trường Việt Nam là một bước đột phá quan trọng; hình thức duplex sẽ tạo điều kiện để các nhà sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới đấu giá những tác phẩm nghệ thuật này.

Khi thị trường nghệ thuật Việt còn nhiều vấn đề tồn tại, sự xuất hiện của Nhà đấu giá danh tiếng thế giới sẽ mang đến nhiều thuận lợi. Từ đây, các phiên đấu giá sẽ được triển khai hợp chuẩn luật quốc tế, luật Việt Nam, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, giá trị, thanh khoản… Khách hàng được tham quan các tác phẩm nghệ thuật trước phiên đấu. Không gian trưng bày tinh tế, sang trọng, nổi bật hiệu suất mỹ cảm thị giác. Đặc biệt, khách hàng được tham gia, trải nghiệm trực tiếp cảm xúc trong phiên đấu. Các tác phẩm nghệ thuật sẽ không phải di chuyển giữa Pháp và Việt Nam, khiến người mua và bán yên tâm trong công tác đảm bảo an toàn cho các hiện vật quý hiếm.

“Khi một hãng đấu giá lớn lựa chọn một quốc gia nào đó để đặt chi nhánh, thì có nghĩa nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển thị trường đấu giá tài sản nghệ thuật. Nếu nhiều hãng đấu giá mở chi nhánh tại Việt Nam, thì từ đó thương hiệu quốc gia về nghệ thuật sẽ được định hình, lan tỏa trên thị trường nghệ thuật thế giới như các trung tâm đấu giá danh tiếng ở Singapore, Hong Kong…”, bà Bùi Hoàng Anh chia sẻ. 

Ý kiến bạn đọc