Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

“Nóng” cuộc chiến sách giả trên không gian mạng

Thứ Sáu 18/06/2021 | 11:24 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong xu thế cách mạng 4.0 cũng như tăng cường xã hội hóa trong hoạt động xuất bản đã tạo diện mạo mới cho ngành; số lượng và chất lượng nội dung xuất bản phẩm đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này, đặc biệt là tình trạng sách giả ngày càng có chiều hướng gia tăng trên không gian mạng.

 Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản đã là điểm nóng từ nhiều năm nay. Điều đáng nói, thời gian gần đây tình trạng xâm hại bản quyền đối với xuất bản phẩm in, xuất bản phẩm điện tử trên website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng di động (gọi chung là trên không gian mạng) ngày càng nghiêm trọng. Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) vừa có công văn số 614/CXBIPH-TTPC gửi các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành về việc cung cấp thông tin bị xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Gây chú ý dư luận gần đây là vụ việc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) đã khởi kiện Lazada vì tiếp tay tiêu thụ sách giả; yêu cầu Lazada tháo gỡ thông tin trên các gian hàng bán sách giả và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên hệ thống. Theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, lý do buộc Công ty phải đương đầu quyết liệt với Lazada vì đầu năm 2019 đơn vị này đã nhận được hàng ngàn phản hồi về sách kém chất lượng, in mờ, bong gáy, sai sót… bán trên các sàn thương mại điện tử. First News cũng nhanh chóng gửi công văn cảnh báo tới các đơn vị này nhưng không nhận được phản hồi. Bởi vậy, họ quyết định đặt hàng trăm đơn hàng mua sách trên Lazada để vi bằng và cùng đoàn luật sư TriLaw lập hồ sơ khởi kiện Lazada.

Thực tế cho thấy, sách giả có 4 loại: Sách đọc, sách được đưa lên YouTube, sách sao chép vào USB, sách photo, thay bìa đổi tựa để đánh lừa cơ quan chức năng. Trong đó, loại phổ biến nhất là in giả, 90% số này in ở Hà Nội. Sách in giả tràn ngập thị trường là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua của ngành xuất bản, gây thiệt hại lớn cho người làm sách và tác giả. Đầu năm 2021, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT TP Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ hơn 50 đầu sách với số lượng khoảng 40.000 cuốn, thuộc các công ty phát hành sách nổi tiếng như: First News - Trí Việt, Alpha Books, NXB Trẻ, Nhã Nam… Ước tính toàn bộ số tang vật khoảng gần 15 tấn nên phải dùng đến 4 xe tải lớn để vận chuyển. Đây có thể coi là một trong những chuyên án bắt sách giả lớn nhất tại Hà Nội trong những năm qua. Nếu không được phát hiện, các cuốn sách này có thể được rao bán công khai, tiêu thụ với số lượng lớn trên một số sàn thương mại điện tử và các fanpage, các nhóm cộng đồng của Facebook mà chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý...

Không chỉ sách giả, trong bối cảnh Internet, công nghệ phát triển, việc xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản trên không gian mạng cũng gây ra những thiệt hại, bức xúc cho đơn vị làm sách chân chính. Đây là nỗi lo thường trực của những người làm xuất bản... Trước tình hình đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm chủ động rà soát và có biện pháp đấu tranh, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với xuất bản phẩm thuộc sở hữu theo quy định. Đồng thời, có văn bản tổng hợp gửi các cơ quan chức năng phối hợp, xem xét xử lý theo quy định. Được biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu xuất bản phẩm vi phạm liên thông với các Sở TT&TT để vừa đảm bảo thông tin kịp thời nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu quản lý, không tạo điều kiện cho các đối tượng in lậu lợi dụng, vi phạm pháp luật.

Chủ tịch HĐQT Công ty sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để dẹp nạn sách giả, cần có sự phối hợp đồng bộ của cả ba phía: Cơ quan quản lý xử lý triệt để, sát sao với thực tiễn, đưa ra những kiến nghị, chế tài hợp lý; Hội Xuất bản liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội in, có những quy chế hoạt động để bảo vệ các thành viên; truyền thông về việc tôn trọng tác quyền, bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm, nhằm nâng cao ý thức của người dân. “Có con người sát sao và thực thi hiệu quả thì chúng ta mới có thể dẹp tan được nạn sách giả. Thái Lan đã mất 25 năm để dẹp trừ nạn sách giả, tôi tin nếu chúng ta quyết tâm thì chúng ta chỉ mất 10 năm hoặc ngắn hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. 

MẠNH TRUNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập: CHU THỊ THU HẰNG

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top